Ngộ độc rượu, người đàn ông ngủ li bì 2 ngày

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngay sau khi khai thác bệnh sử và làm thêm các xét nghiệm, bác sỹ cấp cứu đã nghĩ đến ngay nguyên nhân dẫn đến tình trạng này của bệnh nhân là ngộ độc Methanol.
Bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: BVCC
Bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân nam (56 tuổi, ngụ tại TPHCM) ngủ li bì 2 ngày trước khi nhập viện, sáng ngày nhập viện bệnh nhân than nhìn mờ, nặng ngực. Ngày 7/11/2021 tại cơ sở y tế tiếp nhận ban đầu bệnh nhân được đo điện tim và chẩn đoán là nhồi máu cơ tim và được chuyển đến Khoa cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định trong tình trạng rối loạn nhịp tim, mạch nhanh, huyết áp khó đo phải tiến hành đặt nội khí quản.

Ngay sau khi khai thác bệnh sử và làm thêm các xét nghiệm thì bác sỹ cấp cứu đã nghĩ đến ngay nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là ngộ độc Methanol.

Từ nhận định ban đầu của khoa Cấp cứu, bệnh nhân nhanh chóng được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện. Bệnh nhân mê, thở máy, tụt huyết áp nhiễm toan chuyển hóa nặng, suy đa cơ quan, suy hô hấp, suy tuần hoàn. Bác sỹ tiến hành song song vừa xét nghiệm định lượng nồng độ Methanol vừa dựa vào các dấu hiệu cận lâm sàng khác, khai thác tiền sử nghiện rượu của bệnh nhân để xử trí sớm theo phác đồ điều trị ngộ độc Methanol.

Qua đó, người bệnh đã được xử trí cấp cứu, loại bỏ độc chất và xử dụng chất đối kháng đặc hiệu là Ethanol. Kết quả xét nghiệm nồng độ Methanol trong máu ban đầu của bệnh nhân 199,22 mg/dL (chỉ số nồng độ rất cao, bình thường chỉ số là 0). Người bệnh được truyền Ethanol vào dạ dày để ngăn chặn chuyển hóa hấp thu ngộ độc đồng thời được lọc máu cấp cứu 2 lần. Đến ngày 10/11 sinh hiệu bệnh nhân ổn định hơn, rút nội khí quản, theo dõi tăng gan men nhẹ. Ngày 11/11 bệnh nhân tỉnh táo, giao tiếp tốt, và xuất viện ra về.

Theo TS.BS Huỳnh Văn Ân - Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc cho biết: “Bệnh nhân ngộ độc Methanol nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời do toan máu nặng suy đa cơ quan, ngưng tim dẫn đến nguy cơ tử vong cao hoặc nếu qua cơn nguy kịch cứu được tính mạng thì để lại các biến chứng mờ mắt".

"Trường hợp bệnh nhân này được chuyển đến bệnh viện do chẩn đoán bệnh lý nhồi máu cơ tim. Nhưng ngay từ cấp cứu các bác sỹ đã nhận định, chẩn đoán nguyên nhân gây ra tình trạng của bệnh nhân là ngộ độc Methanol nên đã xử trí kịp thời theo phác đồ. Thành công với trường hợp bệnh nhân này là nhờ sự nhạy bén về chuyên môn cùng kinh nghiệm lâm sàng của đội ngũ y bác sỹ từ cấp cứu đến hồi sức để có được chẩn đoán chính xác và phác đồ điều trị phù hợp”, bác sỹ Ân nói.

Methanol hay thường được gọi là cồn công nghiệp, có nhiều công dụng khác nhau: làm sơn, dung môi..., tuy nhiên chất này rất độc với cơ thể và hoàn toàn không được dùng làm rượu thực phẩm như Ethanol. Ngộ độc rượu từ Ethanol thường nhẹ hơn, chỉ có các triệu chứng như say rượu nhưng ngộ độc rượu do Methanol thì thường nặng hơn do bị pha cồn công nghiệp vào đồ uống. Chính vì vậy để tránh tình trạng ngộ độc Methanol thì không nên uống rượu bia, các chất kích thích hoặc sử dụng các loại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được cấp phép lưu hành.

Đọc thêm