- Trước khi kết hôn, Ngô Phương Lan có đặt tiêu chí nào đối với phu quân tương lai không? Phương Lan và chồng gặp nhau trong hoàn cảnh nào? Điều gì ở Loz Whitaker (chồng Phương Lan – PV) thu hút bạn?
Tình yêu của Lan bắt đầu khi cả hai cùng làm giám khảo chương trình “Tôi tài năng”. Những bữa ăn, những cuộc chuyện trò, trao đổi khiến Phương Lan và Loz nhận ra mình có những sở thích, quan điểm chung vô cùng thú vị. Để rồi sau đó Loz tấn công tôi trước. (Cười hạnh phúc)
Mọi người thường nghĩ Lan phức tạp, kén chọn nhưng chắc chắn những điều Lan mong muốn thì bất cứ người đàn ông nào cũng có thể có được. Loz có một số yếu tố đặc biệt nhưng lại là điều Lan không yêu cầu.
Có nhiều điều ở Loz khá giống… bố Lan. Trong mắt Lan, bố là người tuyệt vời. Chồng và bố tôi đều là người sống có trách nhiệm với gia đình, ân cần chăm sóc mọi thành viên, sẵn sàng làm mọi việc một cách thầm lặng nhất. Bây giờ tôi chưa có con, nhưng nếu có con rồi, tôi cũng sẽ yên tâm với vai trò làm cha của Loz.
- Gần đây nhiều người gặp Lan là chúc mừng? Hình như Lan sắp làm mẹ?
Lan cũng đang mong lắm nhưng chuyện này là do… “ông trời” quyết định.(Cười)!
- Vậy cả hai đã lên kế hoạch sinh con chưa?
Thời điểm này vợ chồng Lan chưa có kế hoạch sinh con bởi công việc của Lan rất bận. Lan sống ở Hà Nội, công ty lại ở TP. Hồ Chí Minh và nước ngoài, Lan lại hay đi công tác nhiều… Nhưng có thể trong một thời gian ngắn nữa, vợ chồng Lan sẽ lên kế hoạch sinh con. Trước khi có con, vợ chồng Lan sẽ chuẩn bị mọi thứ tốt nhất: sức khỏe, thời gian để chăm sóc bản thân và dành cho việc nuôi con.
- Bố là người Anh, mẹ người Việt, sau này vợ chồng Phương Lan định dạy con theo phương pháp nào?
Có lẽ vợ chồng Phương Lan sẽ dạy con theo cả hai cách. Bởi để phát triển suy nghĩ, tâm lý của trẻ em thì Lan phải công nhận phương Tây họ làm rất bài bản, rõ ràng nhưng không phải quá khoa học mà rất tự nhiên theo bản năng, theo đúng cái guồng phát triển của đứa trẻ. Trong khi đó ở Việt Nam có rất nhiều cha mẹ mong muốn con cái phải học thật tốt các môn tự nhiên để thi quận, thi thành phố… điều này mặc nhiên tạo thành áp lực lớn đối với trẻ và đây là điều Lan không muốn làm với con mình. Nhưng về nguồn gốc, về giá trị gia đình là trung tâm thì Việt Nam mình dạy trẻ rất tốt. Đây là điều Lan muốn con mình học được, phải ngấm được những giá trị như thế.
Bên cạnh đó Lan cũng sẽ cố gắng áp dụng phương pháp từ mẹ vào việc dạy con của mình. Có thể Lan không thể kiên nhẫn như mẹ nhưng điều Lan cố gắng làm là sẽ lắng nghe con và đối xử với con như một người bạn. Bởi khi đứa trẻ hình thành tính cách, bé rất bướng bỉnh, nếu mình tỏ rõ cho bé thấy vị thế phụ huynh của mình, bé sẽ dấu giếm mọi điều với mình nhưng nếu ngay từ đầu mình đã xây dựng tình bạn với con, thì bé sẽ sẻ chia, tâm sự với mình. Lan có quen khá nhiều gia đình đã dùng phương pháp này và họ khá hài lòng trong việc nuôi dạy con của mình.
- Từ kinh nghiệm bản thân mình, Phương Lan thấy có thể “nhập khẩu” phương pháp giáo dục trẻ khi còn bé ở nước ngoài vào được không?
Cá nhân Lan nghĩ mình không thể “nhập khẩu” 100% phương pháp giáo dục nào. Lan từng làm giám đốc Hệ thống giáo dục dạy trẻ tư duy toán học của Mỹ nhưng khi đưa về Việt Nam, công ty Lan đã phải có sự cải biến để phù hợp cũng giống như tính cách và cách các gia đình Việt Nam chăm sóc con rất khác với môi trường nước ngoài. Có 1 bạn hỏi Lan sự khác biệt nhất là gì thì đó là sự tự lập.
Ở Việt Nam nhìn chung các gia đình rất chiều con, làm hết cho con khi con còn nhỏ. Lan thấy ở ngoài đường giữa giờ trưa và tối trẻ con chạy nhong nhong, người lớn thì chạy theo đút cơm. Ở phương Tây không có chuyện ấy. Nhìn cảnh ấy, chồng của Lan nói nếu khi mình có con, mình sẽ để con ngồi trên ghế, ăn xong mới được đi. Nếu con đi rồi tức là con không ăn nữa nếu lúc sau con đói, quay trở lại để ăn tiếp, mình sẽ nói với con “con đã ăn xong rồi, giờ không phải là giờ ăn nữa…”.
Đây chỉ là một ví dụ thôi nhưng Lan nghĩ nói thì dễ hơn thực hành. Nhưng nhiều cái mình muốn áp dụng mà không thể vì bố mẹ dạy con như này nhưng đưa về ông bà lại có cách dạy riêng trong khi đứa trẻ không biết như nào là đúng như nào là sai…
Trẻ bây giờ đủ điều kiện dinh dưỡng phát triển rất nhanh. Giờ mọi người hay nói là “ôi con tôi thông minh lắm”… họ hoàn toàn đúng nhưng đừng coi đứa trẻ như một đứa trẻ mà phải tôn trọng nó ngay từ lúc nó mới sinh ra. Lan có một anh bạn, anh ấy đã nuôi con theo cách đó. Khi con mới được mấy tháng, anh ấy đã nói chuyện với con là trong cuộc sống như này là tốt, thế kia là xấu, cái này đúng, cái kia sai… Nên khi sang lớp 3 - 4, bé rất người lớn, biết cái này đúng, cái này sai… Cái này là sự điển hình về nuôi dạy con từ lúc bé nhất.
- Bố mẹ Phương Lan có dậy con tự lập từ nhỏ như vậy không?
Lan cũng là người may mắn khi được bố mẹ luôn tôn trọng suy nghĩ, quyết định của Lan từ khi còn nhỏ. Cha mẹ chỉ hỏi Lan: con muốn làm gì, con thích làm gì, ba mẹ có thể giúp được con điều gì chứ không bao giờ ngăn cấm hay nói con phải làm thế này, thế kia… Có thể nói bố mẹ luôn luôn đồng hành cùng Lan với tư cách là người bạn khiến Lan rất tự tin.
- Được biết hơn 5 tuổi Phương Lan đã theo cha mẹ ra nước ngoài sinh sống, sau đó học tập ở nhiều nước khác nhau thế nhưng ở Phương Lan mọi người vẫn thấy được những nét truyền thống của phụ nữ Việt. Hơn nữa Lan cũng từng nói rằng khi nào sinh con, Lan sẽ nghỉ việc để toàn tâm toàn ý chăm sóc cho con, cho tổ ấm nhỏ bé của mình. Quan niệm sống này Lan ảnh hưởng từ ai?
Lan học được từ những người thân yêu trong gia đình. Trước hết là học từ bà ngoại. Mọi người đều biết, cha mẹ Lan làm trong ngành ngoại giao, ngay từ những năm đầu đời, Lan sống với bà ngoại. Ông nội Lan đi bộ đội, một mình bà ngoại nuôi 6 người con ăn học nên người. Có thể nói bà là người phụ nữ rất mạnh mẽ và cá tính.
Người thứ hai là mẹ Lan. Mẹ Lan là một trong những người phụ nữ vô cùng yêu thương gia đình, có thể hy sinh mọi thứ cho gia đình. Ai cũng biết mẹ Lan là người có sự nghiệp rất là tốt trong ngành ngoại giao nhưng bà đã từ bỏ sự nghiệp của mình để theo chồng đi sứ rồi ở nhà chăm sóc chồng con. Đó là một sự hy sinh rất lớn, để làm được như mẹ Lan rất khó nhưng Lan sẽ cố gắng.
- Nói như vậy nghĩa là nếu cần thiết, Phương Lan sẽ sẵn sằng hy sinh sự nghiệp cho gia đình như mẹ?
Thực ra vấn đề này hai vợ chồng Lan cũng đã bàn luận với nhau, chắc chắn trong thời điểm đầu tiên thì mẹ phải dành thời gian cho con rồi. Nhưng ngoài ra ông xã của Lan bảo thời điểm 9 tháng đầu con ở trong bụng mẹ, con rất gắn bó với mẹ và nhiều khi bố có sự ghen tỵ nho nhỏ. Ông xã cũng nói sau khi Lan hết giai đoạn nghỉ thai sản, anh cũng sẽ nghỉ 6 tháng để dành thêm thời gian cho con, chăm sóc gia đình. Khi đó Lan cũng có thể đi làm bởi chồng Lan biết Lan là người tham công tiếc việc.
Theo Lan nghĩ ở bất kỳ thời đại nào, vai trò của người phụ nữ trong gia đình đều hết sức quan trọng nhưng không có nghĩa người phụ nữ phải hy sinh sự nghiệp cho chồng, con, điều này tùy từng gia đình, từng sự thỏa thuận giữa hai vợ chồng với nhau. Như trong gia đình Lan không có sự phân công rõ ràng, mọi thứ xảy ra rất tự nhiên. Ví dụ hai vợ chồng cùng đi làm, ai về nhà trước thì dọn dẹp, nấu cơm hay đi du lịch hai vợ chồng cùng bàn đi đâu, làm những gì…
Ở gia đình nhà chồng của Lan cũng không có sự phân chia rõ ràng, ai phải hy sinh cho ai, đó là sự thỏa hiệp giữa hai vợ chồng. Có một thời gian bố chồng của Lan đã nghỉ hưu sớm để hỗ trợ cho việc phát triển sự nghiệp của vợ. Theo Lan, sự hy sinh phụ thuộc vào mong muốn của hai bên chứ không thể nào luôn luôn đàn ông là người đi làm và ngược lại.
- Khó khăn lớn nhất của vợ chồng Phương Lan bây giờ là gì?
Đó là làm sao để dành toàn bộ thời gian cho gia đình của mình mà không bị ảnh hưởng tới các công việc khác. Bởi hiện tại hai vợ chồng sống ở Việt Nam nhưng gia đình chồng lại đang sống ở bên Pháp nên việc chăm sóc cho gia đình cũng khó khăn hơn vì không sống cùng một mái nhà nữa. Tuy nhiên từ ngày lấy nhau thì chúng tôi có nhiều thời gian dành cho nhau hơn. Ngày trước chỉ khi rảnh rỗi chúng tôi mới có thời gian hẹn hò nhau, giờ thì về nhà là nhìn thấy nhau. Và vợ chồng Lan cũng có nhiều thời gian tập trung cho sự nghiệp hơn.
- Cảm ơn Phương Lan đã chia sẻ!