Ngoại giao kinh tế và những lời "vàng" đại sứ nhắn gửi doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) -  Các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, những người được ví như “cánh tay nối dài” của đất nước và doanh nghiệp - đang ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng của mình trong hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân kết nối giao thương khắp thế giới.

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam: DN Việt Nam cần lưu ý 3 chữ "tự" khi ra thị trường thế giới.
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam: DN Việt Nam cần lưu ý 3 chữ "tự" khi ra thị trường thế giới.

Doanh nghiệp cần thông tin thị trường

Chia sẻ bên lề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 mới đây, Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Khoa học Công nghệ Việt Nam (Busadco), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp khoa học công nghệ Việt Nam (VST) - cho rằng, để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phục hồi sản xuất và kinh doanh, kết nối là vấn đề quan trọng và rất cần thiết.

Ông Thảo đánh giá cao ý nghĩa cũng như hiệu quả việc tổ chức các hoạt động như tọa đàm, hội nghị để tập hợp, kết nối các DN trong nước với các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để lắng nghe ý kiến, nhu cầu, kiến nghị, “đặt hàng” từ phía cộng đồng doanh nghiệp. Từ đó có thể hỗ trợ thiết thực nhất cho các DN trong phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới...

Doanh nhân Hoàng Đức Thảo: Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài có thể cung cấp cho DN nhiều thông tin có giá trị về thị trường xuất khẩu

Doanh nhân Hoàng Đức Thảo: Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài có thể cung cấp cho DN nhiều thông tin có giá trị về thị trường xuất khẩu

“Trong bối cảnh dịch bệnh, việc tăng cường các hoạt động kết nối sao cho cung - cầu gặp nhau là rất quan trọng. Các đại sứ, nhà ngoại giao cần đóng vai trò như người kết nối giữa DN kinh doanh, sản xuất trong nước với các DN, nhà đầu tư và thị trường nước ngoài. Trong các chương trình như vậy, DN có thể trực tiếp “đặt hàng” với Bộ Ngoại giao, các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện về những nhu cầu, những vấn đề cần quan tâm hay danh sách cụ thể những đơn hàng, mặt hàng, dịch vụ mà các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài nhận thấy có thể giúp các DN trong nước xuất khẩu”, ông Thảo nói.

Ông Lê Trung Nhẫn - Phó Giám đốc điều hành và sản xuất Công ty cổ phần Thiết bị vật tư ngân hàng và An toàn kho quỹ Việt Nam - chia sẻ, ông lạc quan về triển vọng DN mình sẽ cùng cả nước thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch. Vì thế, DN này đã và đang khẩn trương chuyển dịch cơ cấu sản xuất, đổi mới công nghệ và trình độ quản lý để nâng cao khả năng cạnh tranh, phát huy tối đa lợi thế so sánh đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và dịch vụ.

Tuy nhiên, ông Nhẫn cho biết, điều khó khăn nhất hiện nay khi xuất khẩu hàng hóa qua một nước khác là thông tin chi tiết về thị trường và danh sách các công ty có uy tín. Đại dịch COVID-19 càng khiến việc tìm hiểu thông tin của DN trở nên khó khăn hơn bởi DN không thể đến nước sở tại để kiểm tra được các thông tin về các vấn đề này.

Theo ông Nhẫn, các DN có thể nhờ các đại sứ kiểm tra thông tin thị trường là chính xác nhất. “Chúng tôi mong muốn các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài có thể cung cấp cho chúng tôi những thông tin chi tiết về thị trường nước ngoài, giúp kết nối với chính quyền và các đối tác sở tại, đồng thời tăng cường hỗ trợ để các sản phẩm có giá trị của công ty chúng tôi nói riêng và các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao nói chung có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế, tìm kiếm đối tác đầu tư, sản xuất”, ông Nhẫn kiến nghị.

Lô vải thiều xuất đi Nhật Bản hồi tháng 5/2021

Lô vải thiều xuất đi Nhật Bản hồi tháng 5/2021

Kinh nghiệm 3 chữ "tự"...

Theo Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc, ngoại giao kinh tế trong nhiều năm qua đã chuyển biến theo hướng phục vụ các địa phương, DN và người dân.

Đại sứ Hà Kim Ngọc dẫn chứng, hơn 2 năm chịu tác động của đại dịch COVID-19, chúng ta đã tổ chức được nhiều hoạt động kết nối trực tuyến, với nhiều đầu mối tham gia cùng lúc. Điển hình như việc đàm phán mua máy thở, thay vì phải cử đoàn ra, đoàn vào, chúng ta tổ chức đàm phán ba bên bao gồm đại diện của Bộ Y tế; đối tác; đại sứ quán. Ba bên cùng ngồi với nhau, xử lý thông tin tại chỗ và trở thành cơ chế trao đổi rất hiệu quả.

Để các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện có thể làm tốt hơn vai trò “cầu nối”, Đại sứ Hà Kim Ngọc cho rằng, các doanh nghiệp, địa phương cần cung cấp thông tin về nhu cầu, thế mạnh, sản phẩm cung cấp cho đối tác… còn các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cung cấp thông tin, thế mạnh của địa bàn cũng như sự hỗ trợ tốt nhất có thể.

Ngoài ra, theo Đại sứ Hà Kim Ngọc, trong thời kỳ cạnh tranh quyết liệt hiện nay, sự chủ động của địa phương và DN là yếu tố quyết định thành công. Do đó, cần chủ động hơn nữa trong việc đề xuất, nêu yêu cầu với các cơ quan đại diện.

Chia sẻ về câu chuyện đưa quả vải thiều Việt Nam vào thị trường khắt khe, khó tính như Nhật Bản, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam nhấn mạnh việc chủ động xâm nhập, đưa hàng hóa của các DN Việt Nam vào thị trường thế giới.

“Gặp bất kỳ DN nào tại Nhật Bản, tôi đều hỏi các bạn đi đâu làm gì, tôi đều đưa danh thiếp ghi rõ số di động và email trực tiếp của mình để DN tiện kết nối. Sáng sớm nào, tôi cũng kiểm tra hòm thư để trả lời, kết nối các bạn. Các DN Nhật Bản rất hay hỏi về việc nhập hoa, dược liệu, cần gặp ai ở đâu, vì thế mình phải kết nối cho họ, thậm chí phải theo đuổi. Ví dụ, vài tuần sau khi kết nối cho một công ty, tôi phải gọi điện lại để hỏi tình hình. Nếu họ còn vướng mắc thì phải thúc đẩy tiếp”, lời Đại sứ Vũ Hồng Nam.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, thị trường nước này rất lớn, người Nhật có thu nhập cao nên sức mua lớn, văn hoá ẩm thực phát triển nên nông sản Việt Nam có tiềm năng lớn ở đây.

Đưa ra lời khuyên cho các DN Việt Nam, Đại sứ Vũ Hồng Nam nhấn mạnh 3 chữ “tự”: tự ti, tự tin và tự mãn. “Đặt chân vào các thị trường nước ngoài nói chung, Nhật Bản nói riêng, các DN không được tự ti, phải tin rằng nông sản của chúng ta chất lượng tốt, từ đó tự tin mạnh dạn đầu tư và sản xuất. Đồng thời cũng không được tự mãn, bởi đưa uy tín của chúng ta vào thị trường đã khó, để duy trì niềm tin đó còn khó hơn, do đó cần phải xây dựng thương hiệu vững chắc từ chất lượng, mẫu mã, bao bì đóng gói, cách thiết kế…”, Đại sứ Vũ Hồng Nam giải thích thêm.

Những việc cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có thể giúp DN

“Vừa qua, Tập đoàn Lego của Đan Mạch đã ký thỏa thuận 1 tỉ USD sản xuất sản phẩm lego với Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP).

Để dẫn tới câu chuyện ký kết được 1 tỉ USD đó, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam trước đó đã gặp tất cả các bộ, ngành; Bộ Ngoại giao của họ đã gặp Đại sứ ta tại Đan Mạch, gặp lãnh đạo Bộ Ngoại giao. Điều này cho thấy, các DN nhận được sự hỗ trợ rất nhiều của các cơ quan đại diện ở nước ngoài.

Có 3 việc mà các DN đã và có thể tiếp tục trông chờ vào sự hỗ trợ từ các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài.

Một là, vai trò thông tin, dự báo, kể cả cảnh báo các xu hướng, những việc không thuận từ bên ngoài.

Hai là, hỗ trợ trong việc xúc tiến, thương mại, đầu tư và du lịch ra bên ngoài.

Ba là, hỗ trợ trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình làm ăn với các DN bên ngoài. Vừa qua, trong đại dịch COVID-19, chúng tôi cũng đã hỗ trợ DN rất nhiều trong việc cảnh báo những công ty làm ăn bất hợp pháp hoặc có dấu hiệu lừa đảo và đã cứu được nhiều DN Việt Nam trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh và giao dịch với bên ngoài”. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ.

Đọc thêm