Ngôi nhà đặc biệt ở Quảng Trị được dựng lên từ 300 quả bom

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngôi nhà “Kỷ vật – Ký ức chiến tranh” nằm ngay trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông thuộc xã Linh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị và chỉ cách Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn khoảng 700m.
Ngôi nhà bom đã được hình thành và dự kiến sẽ khai trương vào ngày 2 tháng 9 năm nay
Ngôi nhà bom đã được hình thành và dự kiến sẽ khai trương vào ngày 2 tháng 9 năm nay

Độc đáo

“Nhà bom” trên là của lão nông Trần Công Chức (54 tuổi, ngụ thôn Nam Sơn, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) đã cơ bản hoàn thành với hệ thống trụ bằng vỏ bom, mái lợp là lá cọ.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, chiều 15/6, căn nhà làm hoàn toàn bằng “bom” được xây dựng trên diện tích chừng 1ha. Riêng phần nhà bom diện tích khoảng 300 m2.

Ông Chức chia sẻ, gần 300 vỏ bom được ông sử dụng trong công trình này. Trong đó, khoảng 70 vỏ bom với nhiều kích cỡ được dùng để làm thành 18 cột nhà kiên cố của ngôi nhà 3 gian.

Nhiều người đến tham quan ngôi nhà đều trầm trồ khi nhận thấy toàn bộ các cột của ngôi nhà được làm từ vỏ bom được hàn cố định lại với nhau tạo thành các cột to, nhỏ của ngôi nhà. Ở dưới là các vỏ bom tấn, tạ. Càng lên cao, kích thước vỏ bom càng nhỏ dần.

Phần mái căn “nhà bom” là hệ thống đòn tay bằng sắt. Phía dưới phần mái được lợp bằng lá cọ.

Thời gian qua, dù chưa đi vào hoạt động chính thức nhưng nhà bom đã thu hút hàng trăm du khách tham quan mỗi ngày.

Thời gian qua, dù chưa đi vào hoạt động chính thức nhưng nhà bom đã thu hút hàng trăm du khách tham quan mỗi ngày.

Cổng vào ngôi nhà này cũng rất ấn tượng với những vỏ bom có kích thước khác nhau. Phía trước và 2 bên được trồng một số cây đoác, cọ, xà cừ; một số công trình như “chiếc ô” lớn che mưa nắng cũng đang được đội ngũ nhân công lắp ráp.

Xung quanh “nhà bom” có nhiều bếp cơm không khói Hoàng Cầm, có suối nhân tạo thoai thoải chảy từ trên triền núi xuống và các hố bom y như thời chiến. Quanh ngôi nhà bom còn có 5 cây đoác được trồng để lấy rượu và nhiều cây cọ tỏa bóng mát

Dự kiến, ngôi nhà bom sẽ được hoàn thiện và khánh thành vào dịp Quốc Khánh mùng 2/9 sắp tới để phục vụ du khách tham quan. Chủ nhân của ngôi nhà tiết lộ, ngoài giá trị tiền đất gần 10 tỷ đồng thì kinh phí để hoàn thiện ngôi nhà này vào khoảng gần 3 tỷ đồng.

20 năm ấp ủ

Trong hai cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc, Quảng Trị được ví như túi bom, là vùng “đất lửa”. Mỗi người dân Quảng Trị ngày ấy phải gánh chịu nhiều tấn bom, đạn trút xuống từ quân địch. Ông Chức là con út trong gia đình 9 anh chị em nhưng có tới có tới 6 anh, chị ruột của ông đã bị bom Mỹ giết chết và ông là con của Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Thấu hiểu mất mát, khốc liệt của chiến tranh, lão nông này luôn mong muốn làm việc gì đó để góp chút sức mọn của mình cho sự bình yên của quê nhà. Hơn 20 năm qua, ông đã dày công sưu tầm kỷ vật chiến tranh. Bất kể phải lặn lội từ rừng núi đến vùng sông nước, vào các bãi thu mua phế liệu chiến tranh rồi đem về nhà. Đến nay, bộ sưu tập của ông Chức có cả nghìn kỷ vật như bom, đạn, tăng võng, cuốc xẻng, súng đạn…

Nói về cơ duyên làm “nhà bom” này, ông Chức chia sẻ, tầm 5 năm trước có một đoàn cựu chiến binh đi qua nhà, thấy nhiều vỏ bom, họ hỏi ông sao không đưa lên gần quốc lộ hoặc gần điểm di tích nào đó để trưng bày cho nhiều người tham quan. Lão nông lên ngay ý tưởng làm công trình này. Ông mua đất gần Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn và dần hoàn thành “ngôi nhà bom”...

Ông Trần Công Chức sắp xếp lại các kỉ vật để trưng bày trong ngôi nhà

Ông Trần Công Chức sắp xếp lại các kỉ vật để trưng bày trong ngôi nhà

Nói về lý do chọn gần Nghĩa trang Trường Sơn để xây dựng, ông Chức cho biết đây là nơi thiêng liêng, ngày ngày có nhiều người đến thăm viếng để thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Vậy nên, ông muốn khi mọi người đến đây không chỉ làm tròn bổn phận viếng hương hồn các liệt sĩ đang nằm lại, mà còn có những trải nghiệm thực tế giúp họ có thêm cái nhìn trực quan về chiến tranh.

Du khách đến đây đều được tham quan khu nhà bom miễn phí. Ngoài ra, mọi người còn có cơ hội thưởng thức được các món ăn từ rừng của bộ đội ta trước đây thường ăn, như muối vừng, rau lá tàu bay và một đặc sản phải kể đến là “rau dớn, rượu đoác”.

Đọc thêm