Ngôi nhà 'kỳ dị' nhất thế giới với 354 khối lập phương bằng bê tông giống nhau ghép lại

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Là 1 trong 10 công trình độc nhất vô nhị trên thế giới, khu chung cư Habitat 67 còn được xem là 'tòa nhà rối mắt nhất thế giới', được hợp thành từ những khối kiến trúc có một không hai.
Ngôi nhà với thiết kế độc lạ trên thế giới.
Ngôi nhà với thiết kế độc lạ trên thế giới.

Khu dân cư Habitat 67 là kỳ quan kiến trúc nổi tiếng tại xứ sở lá phong, cũng là biểu tượng của Montreal – "thành phố Paris" giữa lòng Canada. Habitat 67 là ý tưởng của KTS Moshe Safdie dựa trên luận án thạc sĩ của ông tại Đại học McGill và được xây dựng năm 1967 để phục vụ triển lãm Expo 67.

Theo đó, bản quy hoạch tổng thể ban đầu liên quan đến hơn 1.000 khu dân cư, bên cạnh các cửa hàng và trường học. Tất cả đã được "thu nhỏ" lại chỉ còn 158 ngôi nhà, tạo thành một khu phức hợp 12 tầng nằm bên cạnh sông Saint Lawrence ở trung tâm thành phố. Thiết kế nhằm tạo một cuộc cách mạng hóa những ngôi nhà thành thị giá thấp.

"Tôi nghĩ rằng sự xuất hiện của Habitat 67 là rất quan trọng vào thời điểm đó. Nó gây được tiếng vang với công chúng và là một giải pháp thay thế cho kiểu nhà chung cư thông thường. Habitat đã phá vỡ mọi định kiến trước đây về nhà cao tầng, người dân có thể tận hưởng một cuộc sống thoải mái như sống trong một ngôi làng thay vì những tiêu cực của các căn hộ chung cư.

Trong khi có nhiều luồng ý kiến vào thời điểm đó, việc chúng tôi có cơ hội để 50 triệu người trải nghiệm Habitat trong triển lãm Expo như một môi trường thực cho thấy rằng dự án này có thể thể thực hiện trong tương lại", KTS chia sẻ với Dezeen.

15 loại nhà ở khác nhau đã được phát triển. Những căn hộ này có diện tích từ 60m2 đến 160m2, mỗi căn có từ 1-4 phòng ngủ. 6 trụ thang máy hoành tráng đã được thêm vào để cung cấp lối đi và chỉ dừng lại ở mỗi tầng thứ tư, do đó giúp giảm mức tiêu thụ năng lượng.

Tòa nhà này được sắp xếp từ 354 khối lập phương bằng bê tông giống nhau theo lối pha trộn hình học độc đáo. Bằng cách sử dụng nhiều cách sắp xếp các khối hình học khác nhau, sử dụng cả khoảng lùi và khoảng trống, Safdie đã tạo ra một công trình kiến trúc độc đáo.

Ảnh: Jerry Spearman

Ảnh: Jerry Spearman

Qúa trình xây dựng diễn ra tại chỗ, một nhà máy đã được xây dựng bên cạnh địa điểm thi công để sản xuất các mô-đun bê tông, được kết nối bằng các thanh kéo chất lượng cao, cáp thép và các mối hàn. Safdie tin rằng đây là giải pháp tiết kiệm chi phí nhất.

Khu chung cư này đã được trùng tu hoàn toàn để kỷ niệm 50 năm thành lập vào năm 2017. Nguyên nhân chính của việc cải tạo là những thiệt hại do rò rỉ nước đã kéo dài hàng thập kỷ. Các bức tường bê tông bên ngoài được bóc trần để sửa chữa, thêm lớp cách nhiệt và chống thấm cho chúng để cái lạnh -20 °F của Quebec không làm ảnh hưởng đến nó.

Giờ đây, Habitat 67 đã mở cửa trở lại để tổ chức các chuyến tham quan cho công chúng và đang được biến thành địa điểm nghiên cứu học thuật về thiết kế và kiến trúc. Vẻ đẹp cổ điển của kiệt tác kiến trúc này vẫn được duy trì xuyên suốt, sàn lát gỗ đã được khôi phục lại vẻ ban đầu, các cửa sổ tiết kiệm năng lượng đã được lắp vào và các cửa trượt ẩn trong tường.

Các chuyến tham quan kéo dài 90 phút được dẫn dắt bởi Kathleen Bouvier, một nhà sử học và là một cựu cư dân đã sống 7 năm ở Habitat 67. Các căn hộ ở đây khá rẻ so với mặt bằng giá nhà cho thuê ở Montreal. Mỗi căn hộ đều có một khu vườn nhỏ riêng biệt trồng cây xanh và hành lang rộng. Theo KTS Safdie, nhiều cư dân ban đầu vẫn sống trong khu chung cư này và ngay cả ông cũng đã chọn cho mình một căn hộ ở đây.