Trong khi chủ nhân ngôi nhà đang hoang mang, khốn khổ chống chọi với sự kỳ lạ này thì mỗi ngày hàng chục người tập trung về đây chỉ để bàn tán và... chờ xem cháy. Đáng nói, câu chuyện ngôi nhà “bốc hỏa” bất thường đang có chiều hướng rẽ lối, với hàng loạt đồn thổi ma quỷ huyễn hoặc đi kèm.
Hàng loạt chuyện bất thường
Rẽ xuống con đường bê tông đến xã Thượng Nông, huyện Tam Nông (Phú Thọ), vừa nghe chúng tôi hỏi thăm ngôi nhà ông Hường, nhiều người dân không giấu nổi nỗi hoang mang hiển hiện trong ánh mắt, họ cho biết đã sống gần trọn tuổi trời nhưng từ lúc cha sinh, mẹ đẻ đến nay giờ mới gặp cái sự việc lạ lùng đến thế.
Bởi chẳng có ngôi nhà nào cứ cách bận lại bốc cháy ngùn ngụt, chẳng biết có ai đốt hay cố tình hãm hại không nhưng nếu cứ để cháy mà không phát hiện kịp e rằng cả làng, cả tổng sẽ chịu vạ lây.
Theo phản ánh, mặc dù các đồ dễ bắt lửa đã được di chuyển ra khỏi ngôi nhà nhưng chỉ cần lơ đãng, đám cháy có thể bốc lên từ ngay chính đống đồ này |
Để chứng minh căn cứ của mình, người này kể: “Có lần bát hương nhà ông Hường bốc cháy ngùn ngụt rồi đứa cháu nội ông ấy thường xuyên nhìn thấy mấy cái bóng đen đốt lửa. Mấy bóng đen ấy chỉ có thằng bé thấy còn người lớn xung quanh không ai phát hiện ra được. Trùng hợp ở chỗ, chính thằng bé là người đã chỉ ra mấy điểm cháy. Rồi cái lần cây rơm nhà ông ấy cháy, lẽ thường nó sẽ bốc từ dưới chân lên đằng này cứ ngọn rơm mà bùng cháy phần phật”.
Bỏ lại phía sau những câu chuyện nhuốm màu huyễn hoặc, sau một hồi quẩn quanh tìm đường chúng tôi cũng tìm được nhà ông Hường. Chạm đầu ngõ là gần chục người lớn nhỏ, ngồi xúm xít, rỉ rả bàn tán, một trong số họ nhanh nhảu hỏi: “Đến xem cháy à, vừa nãy lại cháy đấy, thế là hôm nay bị hai lần rồi. May mà nhìn thấy sớm nhưng cũng cháy hết cả quần áo rồi”.
Tay mân mê bộ quần áo khét lẹt vừa cháy dở, anh Nguyễn Xuân Viễn (49 tuổi), cháu ruột ông Hường buông lời chán nản: “Từ trước đến nay chưa hề có vụ việc nào xảy ra tương tự. Viện Khoa học hình sự về 3, 4 lần rồi nhưng vẫn chưa đưa ra kết luận nào. Nhà cửa cứ cháy thế này lo lắm, lúc nào cũng phải cắt cử người ở nhà túc trực, chẳng đi làm ăn gì được”.
Ông Nguyễn Hồng Hường cho biết, nếp sinh hoạt của cả gia đình và quanh vùng đều bị đảo lộn từ khi liên tiếp xuất hiện các điểm cháy. Việc túc trực chữa cháy khiến sản xuất bị ngưng trệ |
Lần giở cuốn sổ “theo dõi điểm cháy” với những trang giấy ghi chi chít, ông Nguyễn Hồng Hường kể: Ngôi nhà có hiện tượng “phát hỏa” từ trưa ngày 23/6, điểm cháy đầu tiên là phần mái khu vực chăn nuôi.
Lúc ấy, ông và vợ (bà Bùi Thị Đoán, sinh năm 1946), đang nằm trong nhà thì nghe tiếng nổ lớn. Sau khi phát hiện đám cháy, cả nhà vội hô hoán đem nước ra dập lửa. Một người trong nhà thuật lại: “Ban đầu người nhà chỉ nghĩ do trời nắng nóng kéo dài nên phần gần mái bị bén, gây cháy. Hoặc cũng có thể là do ai đó nghịch ngợm nên cũng không để ý nhiều”.
Đang chìm trong nỗi nghi hoặc chưa có lời giải thì ngay trong ngày hôm ấy, người nhà ông Hường liên tiếp chứng kiến cháy xảy ra thêm 6 lần. Những điểm cháy thường không tập trung cố định một chỗ mà phân tán quanh phạm vi ngôi nhà. Khi thì điểm lửa bất ngờ bùng to ngay cạnh cây rơm, lúc lại ở giá treo quần áo, mắc áo... Và điểm cháy khiến cả gia đình ông Hường bất an hơn cả là cạnh khu vực bàn thờ tổ tiên.
“Đây có thể coi là “điềm” không lành, báo trước tai họa, nếu là tin báo lành thì gia đình ông Hường đã không phải đi mời thầy cúng về giải hạn. Nghe đâu, sau khi cháy bát hương 3 ngày thì con trai ông bà ấy đã bị ngã phải nhập viện” – một người trong làng quả quyết.
Sau 7 lần cháy đầu tiên, tính từ ngày 23/6 ngày 6/7, khi phóng viên trực tiếp đến khảo sát ngôi nhà ông Nguyễn Hồng Hường đã “phát hỏa” tổng cộng 29 lần. 15h ngày 10/7, trao đổi với PV, người nhà ông Hường cho biết, ngôi nhà tiếp tục cháy thêm nhiều điểm, nâng tổng số lần cháy lên 34 và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Căn cứ trên cuốn sổ “theo dõi các điểm cháy” của ông Hường, tính đến ngày 7/7, ngôi nhà đã phát hỏa tổng cộng 29 lần |
Theo ghi nhận của phóng viên, để phòng cháy, toàn bộ các vật dụng dễ bén lửa như chăn, màn, sách vở, quần áo... đều được gia đình ông Hường đem ra để giữa sân. Trong nhà hạn chế tối đa việc đốt lửa, hệ thống bếp đun nấu thường xuyên được giám sát chặt chẽ. Chưa hết, số người thường xuyên túc trực để chữa cháy trong nhà ông Nguyễn Hồng Hường huy động trên, dưới 10 người.
Nhắc riêng chuyện này, ông Nguyễn Văn Thoại (75 tuổi), chú ruột ông Hường ví von: “Cả làng đang trực chiến để chữa cháy”. Lời ông Thoại chẳng phải thiếu căn cứ bởi hiện giờ ngoài người nhà, họ hàng, hàng xóm túc trực thì trong căn nhà thường xuyên có bóng dáng của lực lượng an ninh xã. Số người dân hiếu kỳ, tập trung để chờ xem “hiện tượng lạ” cũng không phải ít.
Theo ông Trần Văn Hải, Trưởng Công an xã Thượng Nông, các ban ngành địa phương đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Thế nên, lực lượng an ninh thường xuyên có mặt để hỗ trợ gia đình dập lửa khi cần thiết, duy trì trật tự quanh khu vực.
Những kiến giải ban đầu
Đến thời điểm này, nguyên nhân gây ra các điểm cháy bất thường trong căn nhà ông Nguyễn Hồng Hường vẫn đang chờ kết luận giám định của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Vịnh, phụ trách an ninh khu 3, người trực tiếp theo sát vụ việc thì nguyên nhân cháy do có kẻ phá hoại đã được loại trừ.
Minh chứng điều này, ông Vịnh đưa ra nhiều căn cứ như: Gia đình ông Nguyễn Hồng Hường sống khá ôn hòa với hàng xóm, địa phương, từ trước đến nay không hề có xô xát gì xảy ra; các điểm cháy phân tán nhỏ, không tập trung, cố định, nhiều điểm cháy bùng lên ngay trước sự chứng kiến nhiều người...
Hỏi sâu hơn về chi tiết bát hương bỗng dưng “bốc cháy phần phật” trong ngày 23/6 và nghi vấn một đứa trẻ trong gia đình chứng kiến hai bóng đen châm lửa đốt, ông Hồng, ông Thoại, anh Viễn đều nhất mực phủ định, cho rằng đó là kết quả của những lời đồn đoán ác ý.
Anh Viễn vỗ đôm đốp vào bàn rồi thở dài thượt nói: “Người ta bảo bát hương cháy ngùn ngụt là không chính xác. Chưa khi nào nhà chú tôi bị cháy như vậy cả, có chăng chỉ là cháy tấm ni-lon trải trên bàn cạnh khu vực bàn thờ, tôi là người chứng kiến”.
Riêng về chi tiết đứa trẻ nhìn thấy hai bóng đen châm lửa đốt, ông Hường cho biết, đó là cháu nội ông, tên Minh. Năm nay cháu Minh tròn 10 tuổi. Ban đầu khi nghe cháu Minh kể, cả gia đình ông Hường cũng bán tính bán nghi, một phần vì cháu bé là người phát hiện 1/3 số điểm cháy trong nhà. Phần khác vì gia đình ông Hường tin rằng con trẻ ngây thơ nên không biết nói dối.
Tuy nhiên, sau khi theo dõi, tất cả đều có chung nhận định, bé Minh hay chơi nghịch quanh nhà nên việc phát hiện cháy rất có thể do tình cờ. Còn “bóng đen” mà cháu bé phát hiện, phần nhiều là sản phẩm của trí tưởng tượng sau chuỗi ngày “trực cháy” kéo dài.
“Có khi nào do bé Minh nghịch ngợm gây ra hỏa hoạn?” – tôi bất ngờ hỏi. Phủ nhận điều này, ông Nguyễn Văn Thoại và an ninh viên Nguyễn Trọng Vịnh cho biết: “Cháu bé đúng là phát hiện nhiều điểm cháy quanh khu nhà hơn người lớn. Nhưng nếu bảo cháu là nghịch ngợm gây cháy thì rất khó xảy ra. Ví dụ ngay đây thôi, hôm nay cháy 2 lần, cháu Minh đều đang đi học, không có ở nhà”.
Cũng theo lời ông Nguyễn Văn Thoại, xoay quanh việc ngôi nhà thường xuyên diễn ra các điểm cháy bất thường khiến dư luận địa phương rất hoang mang và ngả theo hai luồng ý kiến. “Luồng ý kiến thứ nhất phần lớn nghiêng về chiều hướng tâm linh. Nghĩa là họ cho rằng căn nhà đang bị “ám”, ma quỷ hoành hành quấy phá. Những người sống trên 70 tuổi, hơn tuổi tôi phần lớn đều cho rằng hiện tượng này là ma quỷ làm, phải cúng bái, lễ lạt mới yên ổn được” – ông Thoại cho biết.
Căn cứ để các bô lão trong làng nghiêng về chiều hướng tâm linh xuất phát từ nghi vấn gây ra các điểm cháy. Nhiều người lý giải cháy là do khí mê – tan hay phot pho trắng bùng lên. Nhưng tại sao chỉ trong phạm vi căn nhà ông Hường bị cháy mà các hộ lân cận không ai bị?
Hơn nữa, hộ ông Nguyễn Hồng Hường đang sinh sống trên phần đất hương hỏa tổ tiên, tính đến nay cũng không dưới 300 năm. Vậy tại sao “luồng khí cháy” này tổ tiên đời trước của ông Hường không gặp, đến mấy ngày gần đây mới phát tác?
Dù băn khoăn với những khúc mắc mà mình đưa ra nhưng ông Thoại vẫn nhất quyết: “Chúng ta phải nhìn vấn đề theo khoa học, chờ lý giải khoa học”. Đưa ra kiến giải của mình, anh Nguyễn Xuân Viễn ngồi kế bên buông vội chén nước rồi nói nôm na: “Chắc do có luồng khí nào đó, từ dưới đất bốc lên, nó lơ lửng trên cao rồi gặp mưa, gặp hơi ẩm mới bén vào. Thế nên, quần áo ẩm, các vật dụng mỏng thường dễ bén lửa hơn cả”.
Trao đổi về vấn đề này, Trưởng Công an xã Trần Văn Hải nhấn mạnh: “Những lời đồn đoán mê tín có chiều hướng ác ý, không nên tin theo. Hiện lực lượng an ninh địa phương đang gấp rút phối hợp với các ban ngành để làm rõ vụ việc”.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Chủ tịch UBND xã Thượng Nông cho biết: Hiện các phương án đối phó đã có đầy đủ. Tuy nhiên kết luận cuối cùng về chuyện ngôi nhà bỗng dưng “phát hỏa” còn chờ các cơ quan chức năng |
Gia đình ông Hường cũng đã có ý kiến với xã muốn được di chuyển đến nơi khác để đảm bảo an toàn. Địa phương cũng khuyên ông Hường nên họp gia đình để thống nhất ý kiến, sau đó xã sẽ xem xét hỗ trợ nếu cần thiết”.