Tinh giản để tăng chất lượng biên chế

(PLO) - Đề án 25 “Nâng cao năng lực, sức chiến đấu; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; tinh giản bộ máy, biên chế” được gọi là Đề án “tự soi mình” của Quảng Ninh. 
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Được triển khai từ đầu năm 2014, Đề án là cơ sở để cả hệ thống chính trị của tỉnh nghiêm túc tự đánh giá sự lãnh đạo của Đảng trên địa bàn tỉnh, năng lực, phương thức lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và quan trọng hơn là tìm nguyên nhân và cách khắc phục yếu kém trong nội tại tổ chức, cơ quan đơn vị.
Trao đổi với báo chí xung quanh việc triển khai Đề án 25, nhất là cách mà Quảng Ninh tinh giản biên chế để hướng đến một đội ngũ biên chế có chất lượng cao, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và hiệu quả của bộ máy nhà nước, bà Đỗ Thị Hoàng – Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhận xét: “Khi kết hợp cả 3 nhiệm vụ ấy lại với nhau sẽ trở thành một tính hệ thống lớn, đạt hiệu quả cao”. 
Sắp xếp lại để đầu tư tập trung
Xin bà cho biết mục đích mà Quảng Ninh hướng tới khi ban hành Đề án này?
- Xuất phát từ việc nhìn ra được những tồn tại trong năng lực lãnh đạo của Đảng và những bất cập, yếu kém trong hoạt động của tổ chức bộ máy của Quảng Ninh hiện nay, Quảng Ninh đặt vấn đề đổi mới nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng và các tổ chức chính trị, làm thay đổi, làm cho sức mạnh của tổ chức tốt hơn, làm cho cơ chế vận hành của các tổ chức trong hệ thống chính trị cũng tốt hơn bắt đầu ngay từ việc tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. 
Từ đó, người dân tin cậy hơn vào hệ thống chính trị, dịch vụ công của Nhà nước và cũng giúp cho việc đầu tư được tập trung, phát huy được hiệu quả của các cơ quan, tổ chức dịch vụ công của Nhà nước trong phục vụ nhân dân.
Bà Đỗ Thị Hoàng – Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh
Bà Đỗ Thị Hoàng – Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh 
Vậy, hơn 1 năm qua Quảng Ninh đã triển khai Đề án này với những hoạt động cụ thể nào?
- Một trong những yếu kém mà Quảng Ninh nhận thấy là tổ chức bộ máy của các cấp rất cồng kềnh; hiệu quả trong điều hành và sức chiến đấu chưa cao, chức năng, nhiệm vụ của nhiều cơ quan bị trùng chéo nhau, khó phân định, số lượng viên chức tại các đơn vị sự nghiệp tăng nhanh; những việc cơ quan tham mưu của cấp ủy làm thì bên cơ quan chuyên môn của Nhà nước cũng làm. 
Thời gian qua, báo chí đã phản ánh nhiều về sự cồng kềnh trong hệ thống hành chính, xu hướng gia tăng biên chế thực hiện các dịch vụ công dẫn đến đầu tư dàn trải, manh mún mà lại lãng phí vì các qui định liên quan đã không còn thực tế. Vì thế, chúng tôi đã sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức, bộ máy, biên chế, ví dụ như trong ngành Giáo dục, Y tế…
Do địa hình và sự phân bố dân cư, nhiều trường học ở Quảng Ninh có các điểm trường ở cách xa nhau. Để tập trung đầu tư, Quảng Ninh đã sắp xếp lại các trường, điểm trường sao cho học sinh được tiếp cận với môi trường đầy đủ, toàn diện hơn có các thầy cô giỏi, trường được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, bố trí cơ chế hỗ trợ phương tiện, tiền ăn trưa cho học sinh… 
Gia đình có thể sử dụng tiền hỗ trợ để thuê hoặc tích cóp mua phương tiện cho con em đi học. Nhờ đó, học sinh đến trường tập trung tốt hơn mà tỉnh lại giảm được lực lượng biên chế bố trí ở các lớp, các điểm trường nhỏ lẻ.
Đối với y tế cũng vậy. Người dân thường chọn bệnh viện/trung tâm y tế chứ không đến các trạm y tế ở địa bàn trung tâm nên tỉnh chỉ duy trì các trạm y tế ở khu vực trung tâm để dập dịch, sắp xếp lại cơ cấu kể cả cơ sở vật chất, đội ngũ ở các trạm y tế trung tâm. Một bộ phận đưa về bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, còn lại tăng cường cho miền núi, hải đảo để không phải tuyển mới, chuyển việc đầu tư trang thiết bị khám chữa bệnh từ trạm y tế sang các bệnh viện/trung tâm y tế để tránh lãng phí.
Ít người, làm nhiều được hưởng chế độ cao
Như vậy, cách đầu tiên để Quảng Ninh giảm biên chế là không tuyển mới, không thực hiện hợp đồng lao động mới. Cùng với đó là biện pháp nào, thưa bà?
- Cơ bản giữ nguyên và sắp xếp lại lực lượng biên chế, Quảng Ninh dùng ngân sách của tỉnh để đào tạo lại lực lượng biên chế chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, cơ cấu lại, ngành nghề nào thật cần mới cho tuyển theo cơ chế “tuyển nguồn nhân lực chất lượng cao”, chứ không tuyển công chức, viên chức bình thường. 
Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng đang xây dựng cơ chế tuyển dụng trong khối sự nghiệp theo hợp đồng, nếu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì kéo dài thời gian hợp đồng. Đối với người chưa đáp ứng yêu cầu thì từ chối tổ chức thi tuyển. Như vậy sẽ dần dần nâng cao chất lượng công chức, viên chức và không còn áp lực tăng biên chế vì đã có người đủ năng lực để làm việc.
Đồng thời với giảm biên chế là xây dựng các cơ chế tự chủ để có phần thưởng ngoài lương cơ bản theo quy định của Nhà nước cho người sáng tạo, đóng góp cao hơn, khuyến khích sự sáng tạo. Để làm được, chúng tôi phải thay đổi ngay cách phân bổ ngân sách thay vì theo biên chế, bây giờ phân bổ ngân sách theo sản phẩm mà đơn vị ấy đóng góp, không cào bằng. Ngay cả với các tổ chức hội cũng được đặt hàng. Nghĩa là nếu tổ chức hội đó đáp ứng những yêu cầu của công việc, giải quyết được “đơn hàng” do cơ quan nhà nước đặt thì được cấp ngân sách nếu không phải tăng tính tự chủ lên. 
Đó là cách nâng cao chất lượng biên chế đối với công chức, viên chức, vậy với chất  lượng của các chức danh lãnh đạo, Quảng Ninh xử lý theo hướng nào?
- Với chức danh lãnh đạo, chúng tôi cố gắng thực hiện nhất thể hóa. Hiện nay cấp xã ở Quảng Ninh đã nhất thể hóa được “bí thư kiêm trưởng thôn” trên 20%. Chúng tôi giữ nguyên ba chức danh chuyên trách theo Nghị định 92/2009/NĐ-CP (là cán bộ chuyên trách giữ chức vụ bầu cử theo nhiệm kỳ ở cấp xã; công chức cấp xã; những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã) chứ không bớt, nhưng khuyến khích kiêm nhiệm. 
Nếu kiêm nhiệm thì nguồn kinh phí vẫn để nguyên thì việc kiêm nhiệm sẽ được hưởng chế độ cao hơn. Nhưng chúng tôi xây dựng quy chế quản lý rất rõ ràng và có sự giám sát của nhân dân. Cho nên nếu các chức danh đó sử dụng không đúng chế độ, hiệu quả làm việc không cao, người dân sẽ phản ứng.
Đối với cấp huyện, hiện nay chúng tôi đang xây dựng lộ trình nhất thể hóa “Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND”, “Bí thư kiêm Chủ tịch UBND” ở ít nhất 50% xã, phường. Hiện nay trrong quá trình đại hội đảng các cấp, Quảng Ninh đã kết hợp nhằm cơ cấu, định hướng để khi vào nhiệm kì mới có 42% Bí thư sẽ kiêm Chủ tịch HĐND, 49% Bí thư kiêm Chủ tịch UBND. 
Như vậy, chỉ còn rất ít vị trí do còn giai đoạn quá độ hay do một số ít trong quá trình thực hiện cơ chế, chính sách chưa xử lý hết đề tránh tâm tư cho cán bộ. Trong quá trình nhất thể hóa, chúng tôi vừa làm, vừa giới thiệu người mới, tổ chức đại hội xong rồi giới thiệu để người dân bầu lãnh đạo, có lộ trình từng bước một. 
10 năm qua, huyện Cô Tô có Bí thư kiêm Chủ tịch UBND, vừa qua thực hiện tại huyện Tiên Yên. Quá trình tham khảo ý kiến tại Đại hội cho thấy, kể cả những người lớn tuổi đã trưởng thành ở đó cho đến các thế hệ cán bộ đi trước đều khẳng định ủng hộ chủ trương này; đồng thời cũng ghi nhận trách nhiệm, bản lĩnh, khả năng của những người cụ thể do Đảng bộ tự lựa chọn, giới thiệu nên không chỉ Bí thư có phiếu bầu cao mà người có phiếu bầu thấp nhất trúng cử tại Đại hội Đảng bộ huyện cũng trên 80%. Đại biểu cho biết, do tất cả quy trình được làm từ dưới lên một cách khách quan không có sự can thiệp, sắp xếp, việc bầu thật sự dân chủ nên phiếu bầu tập trung.
Trân trọng cảm ơn bà!

Đọc thêm