Ngôi trường hình bầu dục nằm giữa sa mạc nhưng không cần điều hoà

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trường nữ sinh Rajkumari Ratnavati nằm ở vùng nông thôn sa mạc Jaisalmer, miền Bắc Ấn Độ, được thiết kế theo hình bầu dục và là nơi học tập của 400 nữ sinh từ mẫu giáo cho đến lớp 10.
Trường nữ sinh Rajkumari Ratnavati (Ảnh: Vinay Panjwani)
Trường nữ sinh Rajkumari Ratnavati (Ảnh: Vinay Panjwani)

Tại Jaisalmer, Ấn Độ, tỷ lệ nữ sinh biết chữ chưa đến 32%. Do hoàn cảnh khó khăn và khoảng cách địa lý, nhiều em không thể đến trường. Vì vậy, trường Rajkumari Ratnavati được xây dựng để phục vụ các nữ sinh ở đây. Bên cạnh việc dạy học, trường còn lên kế hoạch trang bị cho phụ nữ địa phương những kỹ năng, kiến thức để nâng cao trình độ học vấn, đồng thời nâng cao nhận thức về các vấn đề bất cập mà phụ nữ Ấn Độ đang phải đối mặt.

Trường được xây dựng để phục vụ các nữ sinh tại Jaisalmer (Ảnh: Vinay Panjwani)

Trường được xây dựng để phục vụ các nữ sinh tại Jaisalmer (Ảnh: Vinay Panjwani)

Nữ kiến trúc sư người Mỹ Diana (người thiết kế ngôi trường) cho biết cảm hứng thiết kế ngôi trường bắt nguồn từ những yếu tố môi trường và văn hóa bản địa, bà muốn tạo ra một công trình nhiều ánh sáng, hòa quyện giữa tâm hồn con người và năng lượng tự nhiên để nuôi dưỡng và chữa lành cho phụ nữ và trẻ em gái ở Jaisalmer chứ không muốn áp đặt phong cách thiết kế của phương Tây.

Cảm hứng thiết kế ngôi trường bắt nguồn từ những yếu tố môi trường và văn hóa bản địa (Ảnh: Vinay Panjwani)

Cảm hứng thiết kế ngôi trường bắt nguồn từ những yếu tố môi trường và văn hóa bản địa (Ảnh: Vinay Panjwani)

Ngôi trường được thiết kế hình bầu dục có ý nghĩa về cả mặt kiến trúc và văn hóa, nó giúp giảm khoảng cách giữa các khu vực trong tòa nhà, ở giữa trường có sân chơi cho trẻ, là dạng thiết kế quen thuộc với văn hóa Ấn Độ. Ngoài ra, hình bầu dục cũng tượng trưng cho người phụ nữ trong nhiều nền văn hóa và là biểu tượng cho sự bền vững.

Ngôi trường được thiết kế hình bầu dục có ý nghĩa về cả mặt kiến trúc và văn hóa (Ảnh: Vinay Panjwani)

Ngôi trường được thiết kế hình bầu dục có ý nghĩa về cả mặt kiến trúc và văn hóa (Ảnh: Vinay Panjwani)

Toàn bộ ngôi trường được xây bằng đá sa thạch, được thợ địa phương chạm khắc thủ công hoàn toàn. Việc sử dụng vật liệu địa phương để xây dựng trường học đã làm giảm năng lượng khí thải và làm mát cho trẻ khi phải học ở sa mạc khắc nghiệt, nhiệt độ lên đến 50 độ C. Ngoài ra, phần mái hiên và những lỗ thoáng khí trên tường cũng giúp lọc cát, thoát nhiệt, giảm tác động của ánh sáng mặt trời. Ngôi trường này không cần đến điều hòa nhiệt độ để làm mát mặc dù nằm giữa sa mạc.

Những lỗ thoáng khí trên tường giúp lọc cát, thoát nhiệt, giảm tác động của ánh sáng mặt trời. (Ảnh: Vinay Panjwani)

Những lỗ thoáng khí trên tường giúp lọc cát, thoát nhiệt, giảm tác động của ánh sáng mặt trời. (Ảnh: Vinay Panjwani)

Trên mái nhà được lắp đặt loạt pin mặt trời để cung cấp năng lượng điện, đồng thời làm mái che cho trẻ tập thể dục, vui chơi. Nữ sinh có thể chọn chơi ở sân chơi trung tâm hoặc trên mái nhà của trường học.

Nữ sinh có thể vui chơi trên mái nhà (Ảnh: Vinay Panjwani)

Nữ sinh có thể vui chơi trên mái nhà (Ảnh: Vinay Panjwani)

Trường Rajkumari Ratnavati có 10 phòng học được nối liền với nhau, các phòng được thiết kế để nhận nhiều ánh sáng tự nhiên nhất có thể.

Mỗi lớp học không quá 20 nữ sinh, tất cả đều mặc đồng phục được thiết kế đặc biệt bởi nhà thiết kế thời trang người Ấn Độ Sabyasachi Mukherjee. Ông đã sử dụng kỹ thuật truyền thống ajrakh để làm ra bộ đồng phục này với mong muốn tạo ra sản phẩm thoải mái cho trẻ khi học tập, vui chơi, nhưng vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống của địa phương.

Mỗi lớp học tại trường đều không quá 20 nữ sinh (Ảnh: Vinay Panjwani)

Mỗi lớp học tại trường đều không quá 20 nữ sinh (Ảnh: Vinay Panjwani)

Ngôi là một phần thuộc khu phức hợp GYAAN Center, bao gồm 3 tòa nhà. Hai phần còn lại là The Medha, không gian triển lãm nghệ thuật, biểu diễn và Hợp tác xã của Hội phụ nữ, là nơi dạy nghề cho phụ nữ trong vùng.