Ngổn ngang thí điểm dạy tiếng Anh Tiểu học

 Sẽ không còn tình trạng có người học tiếng Anh suốt từ phổ thông tới các bậc học cao hơn vẫn “chữ thầy trả thầy”. Năm học này, chương trình tiếng Anh bắt buộc được đưa vào thí điểm ở lớp 3 đang là vấn đề “nóng” với kỳ vọng học sinh (HS) tốt nghiệp có thể đi du học. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có khoảng 90 trường tham gia trong tình trạng “liệu cơm gắp mắm”.

Sẽ không còn tình trạng có người học tiếng Anh suốt từ phổ thông tới các bậc học cao hơn vẫn “chữ thầy trả thầy”. Năm học này, chương trình tiếng Anh bắt buộc được đưa vào thí điểm ở lớp 3 đang là vấn đề “nóng” với kỳ vọng học sinh (HS) tốt nghiệp có thể đi du học. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có khoảng 90 trường tham gia trong tình trạng “liệu cơm gắp mắm”.

Hạ chuẩn

Theo quy định, trường được tham gia thí điểm chương trình này phải dạy 2 buổi/ngày; có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị tối thiểu phục vụ cho việcday tiếng Anh có hiệu quả; giáo viên (GV) thí điểm có trình độ cao đẳng sư phạm tiếng Anh trở lên hoặc có chứng chỉ TOEFL 550/IELTS 6.0...

a
Cơ sở vật chất là một yếu tố quan trọng quyết định chất lượng dạy - học tiếng Anh. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, ông Lê Tiến Thành - Vụ trưởng Vụ tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: Trong 147 giáo viên được khảo sát, chỉ có 28 người đạt được 550 TOEFL; 88 người đạt trên 400 TOEFL. Trước thực tế trên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, năm nay sẽ tạm chấp nhận những GV đạt từ 400 điểm TOEFL.

Là người trong cuộc, bà Trần Thị Ngọc Hoa (Phòng Giáo dục quận Ngô Quyền, Hải Phòng) nêu thắc mắc: Muốn chuẩn, phải đưa chương trình tiếng Anh bắt buộc từ lớp 1, tại sao đến lớp 3 mới đưa vào? Trong khi đó, nhiều năm gần đây, không ít trường đã đưa tiếng Anh như một môn học tự chọn từ lớp 1 và vì không có một chuẩn chung nên trường nào thích sách nào dùng sách đó.

Hơn nữa, ở nhiều nơi, bắt đầu từ lớp 3 tới lớp 5, do nhà trường thiếu cơ sở vật chất nên học sinh không còn được học 2 buổi/ngày. Chưa kể tới, trình độ phát âm của GV tiếng Anh tiểu học không thể gọi là “ổn”, bởi họ chỉ là GV hợp đồng. “Với đồng lương ít ỏi, bấp bênh (từ 700.000-1,5 triệu đồng) và không có một chế độ nào khác, họ chỉ có thể dạy cầm chừng” - bà Hoa chia sẻ.

Đó là chưa kể với yêu cầu chuẩn đưa ra là quá cao đối với GV tiểu học. Đơn cử, khi Hải Phòng cử 11 GV thuộc loại xuất sắc của quận, huyện đi tập huấn, chỉ có 6 GV đạt yêu cầu.

Quả bóng lăn?

Mặc dù, theoThứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển thì quan trọng nhất ở bậc tiểu học là làm cho HS thích học tiếng Anh. Tuy nhiên, vấn đề HS trong lớp quá đông, trường không đủ cơ sở vật chất để dạy tiếng Anh thì Bộ không giải quyết được, mà trường phải tự lo. Sau này, Bộ sẽ hỗ trợ, nhưng không phải có trách nhiệm lo cơ sở vật chất cho nhà trường. Đó là trách nhiệm của xã, phường.

Bà Nguyễn Thị Minh Tâm - Hiệu trưởng Trường tiểu học Phả Lại 2 (thị xã Chí Linh, Hải Dương) cho rằng, để dạy chương trình tiếng Anh đạt kết quả cao nhất, phải có phòng nghe nói riêng, nhưng hiện tại, nhà trường dù đã nỗ lực rất lớn nhưng đến nay cũng chỉ có các điều kiện trang thiết bị tối thiểu nhất là màn hình ti vi Plasma 50 inch, hai máy tính để phục vụ cài đặt phần mềm, máy chiếu, bàn ghế.

Chưa hết, không hề dễ dàng để có phòng tiếng Anh chuyên biệt vì mức đầu tư lên tới hàng trăm triệu đồng, trong khi đó đề án của Chính phủ mới chỉ khuyến khích các trường có đủ điều kiện thì tham gia thí điểm. Cũng theo bà Tâm, hiện ở các thành phố lớn, đa số các trường có phòng chuyên biệt là do hội phụ huynh đóng góp.

Ngay như Hà Nội, một trong những địa phương có điều kiện tốt để triển khai dạy và học tiếng Anh từ bậc tiểu học bởi nhu cầu nhiều, khả năng đóng góp của  phụ huynh cao thì việc đảm bảo sỹ số 35 học sinh/lớp cũng là điều quá khó bởi diện tích trường lớp luôn quá tải.

Chính những người trong cuộc cũng phân trần rằng, từ nhiều năm nay chúng ta đi học ngoại ngữ nhưng cũng chẳng biết là mình đang theo chuẩn nào. Các thầy cô thì mỗi người một chương trình, một cách phát âm... Và lúc này, nếu chúng ta không làm triệt để, không chia nhỏ học trò để học tiếng Anh thì hiệu quả rất khó như mong đợi...

Hết phổ thông, HS có trình độ đi du học

Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 9/2008. Theo đó, đối với cấp học phổ thông, Đề án sẽ thực hiện dạy và học ngoại ngữ theo Chương trình 10 năm, bắt đầu từ lớp từ lớp 3 cho đến đến hết lớp 12 với thời lượng 1.155 tiết.

Năm học 2010-2011, Bộ GD&ĐT tổ chức dạy thí điểm chương trình tiếng Anh Tiểu học, được áp dụng từ lớp 3 với thời lượng 4 tiết/tuần theo các chủ điểm, chủ đề quen thuộc, gần gũi với học sinh; quan tâm đến 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết, trong đó ưu tiên phát triển 2 kỹ năng nghe và nói.

Ông Nguyễn Lộc - Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục cho biết: Mục tiêu chương trình đặt ra là kết thúc cấp tiểu học, học sinh sẽ đạt trình độ A1.3, tương đương trình độ của khung tham chiếu chung châu Âu về ngôn ngữ. Xây dựng thái độ tích cực đối với việc học tiếng Anh, từ đó tăng thêm sự hiểu biết và tình cảm trân trọng đối với ngôn ngữ và văn hóa của dân tộc mình. Hình thành các chiến lược học tiếng Anh một cách có hiệu quả, tạo cơ sở cho việc học ngoại ngữ khác trong tương lai.

Uyên Na

Đọc thêm