Ngôn tình tấn công hoạt hình, game - Được gì, mất gì?

(PLO) - Giờ đây, không chỉ văn học và điện ảnh khai thác triệt để sức hút của thể loại ngôn tình, dòng phim hoạt hình và cả game online cũng lấy ngôn tình làm đề tài để thu hút khách. 
Sở Kiều truyện, game ngôn tình chuyển thể từ phim truyền hình đình đám ra mắt tại Việt Nam năm 2018.
Sở Kiều truyện, game ngôn tình chuyển thể từ phim truyền hình đình đám ra mắt tại Việt Nam năm 2018.

Hoạt hình nhưng không dành cho trẻ con

Mấy năm gần đây, ngôn tình là một thể loại phát triển mạnh mẽ, được khai thác triệt để trong văn học và điện ảnh. Những sách ngôn tình đình đám Trung Quốc đã đem danh vọng cũng như tiền bạc đến cho hàng loạt tác giả trẻ của nước này. Ngôn tình cũng được các nhà làm phim tích cực chuyển thể sang điện ảnh, truyền hình và thu lợi nhuận khổng lồ. Lượng fan hâm mộ của các tác phẩm ngôn tình này cũng cực kì lớn. Khi cơn sốt ngôn tình chưa hạ nhiệt thì thể loại này tiếp tục được khai thác ở những lĩnh vực mới: Hoạt hình và game.

Cho dù lượng người xem điện ảnh, truyền hình luôn chiếm đại đa số nhưng hoạt hình cũng là một lãnh địa có thể thu lợi nhuận không ít của các nhà làm phim. Đơn cử là những năm qua, phim hoạt hình phong cách Anime đã “làm mưa làm gió” trong giới trẻ, tạo một cơn sốt cuồng nhiệt trên thế giới, trong đó có các bạn trẻ Việt. Thế nên, luôn luôn có một lượng “fan” lớn đặc biệt yêu thích hoạt hình tồn tại song song với các dòng phim khác.

Nắm bắt tâm lý này, các nhà sản xuất đã kịp thời cho ra đời những sản phẩm hoạt hình ngôn tình “phiên bản” của các sản phẩm truyền hình, văn học đình đám. Trong vòng 2 năm trở lại đây, phim hoạt hình ngôn tình Trung Quốc bắt đầu được giới trẻ ưa chuộng, săn lùng. Những tựa sách, phim đã từng quen thuộc với người đọc, người xem châu Á như Tần thời minh nguyệt, Tước tích, Chàng trai năm ấy, Trạch Thiên Kí, Mộ Vương chi vương, Hôn trộm 55 lần… đã có bản hoạt hình và cũng “làm mưa làm gió” với lượng xem cao. 

Tất nhiên, việc những bộ phim với hình thức là hoạt hình, nhưng lại mang những cái tựa hết sức “sến súa” thực chất không hề là hoạt hình dành cho thiếu nhi. Thậm chí với cả thiếu niên, đây cũng là thể loại không nên “chạm đến”. Lý do là ngoài những chuyện yêu đương, hờn ghen, oán hận li kì và ủy mị thì những bộ phim hoạt hình này cũng không ít những mô tả yêu đương quá trớn, những cảnh nóng, khoe thân. Một loại ngôn tình mang yếu tố sex là “ngôn tình sắc” cũng đã được chuyển thể thành “hoạt hình ngôn tình sắc” và loại phim này cũng không kém hoạt hình cấp 3 là mấy.

Giới trẻ đắm chìm trong thế giới ủy mị và ảo tưởng

Ngoài hoạt hình, giờ đây các nhà sản xuất cũng tấn công qua lĩnh vực game online. Những năm trước, khi thể loại kiếm hiệp, tiên hiệp phát triển trong văn chương, điện ảnh, truyền hình, các nhà sản xuất game online cũng nhanh chóng nắm bắt xu hướng này để cho ra đời hàng loạt game kiếm hiệp, tiên hiệp “ăn khách”, nổi đình nổi đám. Giờ đây, ngôn tình lên ngôi, những nhà sản xuất nhạy bén chắc chắn không bỏ qua cơ hội làm giàu. 

Tại Trung Quốc, game online ngôn tình đã trở nên phổ biến, rầm rộ hơn 1 năm nay, khiến giới trẻ mê mẩn, thậm chí bỏ bê cả học hành, vui chơi để vùi đầu vào những trò chơi có nội dung yêu đương, hẹn hò… đầy mơ mộng hão huyền, sến súa: Bộ Bộ kinh tâm, Cổ kiếm kì đàm, Kiếm thế truyền kì… Những game ngôn tình dòng nhập vai này cũng phần nhiều đã du nhập vào Việt Nam và thu hút hàng triệu người chơi.

Nhưng năm 2018 mới là năm “đổ bộ” mạnh mẽ của game online ngôn tình vào Việt Nam. Đầu năm nay, Kiếm thế truyền kì, game ngôn tình được giới hâm mộ gọi là “game ngôn tình sến súa nhất hệ mặt trời” đã được cộng đồng nghiện game đón nhận tại Việt Nam. Chưa hết, Sở kiều truyện, bộ phim ngôn tình hoa ngữ đình đám nhất nhì Trung Quốc cũng đã có lịch du nhập vào Việt Nam với sự háo hức của người hâm mộ Việt.

Tất nhiên, trong cuộc chơi này, người có lợi nhất vẫn là các nhà kinh doanh, nhà sản xuất. Sẽ có những khoản lợi nhuận khổng lồ được thu về từ việc đáp ứng thị hiếu của giới trẻ mê ngôn tình. Nhưng phần “mất”, có lẽ cũng không ít. Có lẽ các bậc phụ huynh sẽ phải cẩn trọng hơn, để mắt hơn đến con mình khi những đứa trẻ, những thiếu niên dán mắt vào hoạt hình, vì biết đâu có thể đó là những câu chuyện tình yêu đậm mùi sắc dục, mê đắm của “thế giới người lớn”. Và cả những game ngôn tình nữa, lại sẽ có một thế hệ đắm chìm vào những trò chơi, hóa thân thành những nhân vật “soái ca”, “tiểu thư”, tràn ngập trong thế giới yêu đương, lãng mạn ảo tưởng phi thực tế, bỏ bê đời sống thực. Cái hại của ngôn tình sách vở và phim ảnh đã không ít, hoạt hình và game sẽ càng giúp ngôn tình mở rộng tác hại đến nhiều đối tượng hơn nữa.