Ngừng xuất bản sách ngôn tình nhưng chưa rõ thế nào là "ngôn tình"!

(PLO) - Yêu cầu các đơn vị xuất bản không đăng kí các sách có đề tài ngôn tình trong thời gian tới, đó là công văn của Cục Xuất bản vào tháng 1 vừa qua. Cùng với quyết định của Cục Xuất bản là động thái rà soát lại toàn bộ các sách đã đăng kí cũng như đang trong quá trình xuất bản. Tuy nhiên, cho đến nay, đây vẫn là một quyết định khá gây tranh cãi. Nhiều đơn vị xuất bản vẫn loay hoay với câu hỏi: Thế nào là ngôn tình? 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Có thể nói, sách ngôn tình là một trong những thể loại được ưa chuộng và bán chạy nhất trên thị trường sách hiện nay. Trong số liệu mà một đơn vị phát hành sách hàng đầu Việt Nam hiện nay đưa ra, chiếm đến 70% trong số sách bán chạy nhất của đơn vị này là các tác phẩm có hơi hướm ngôn tình. Có quyển tái bản ngay trong vòng vài tháng sau khi xuất bản! 

Không ngoa khi khẳng định, ngôn tình đang là một phương án “cứu tinh” cho nhiều đơn vị làm sách. Nhiều nhà làm sách tử tế, có nhiều đầu sách hay, giá trị, tuy nhiên, chêm vào đó vẫn phải có các đầu sách ngôn tình để theo kịp tâm lý độc giả trẻ, “lấy ngắn nuôi dài”. Thậm chí, giới làm sách cho biết, T., một đơn vị làm sách vốn chuyên về dòng sách giáo dục nhân cách, tu thân… từ trước đến nay vốn “nói không với ngôn tình”, nhưng đến thời điểm này bắt đầu thay đổi hướng đi để theo kịp thời đại.

Trên các kệ sách trong nhà sách hiện nay, có thể thấy dòng sách ngôn tình chiếm hơn 50% kệ trưng bày của dòng sách văn học. Một số website bán sách cũng có thống kê sơ bộ, cho thấy các tác phẩm sách ngôn tình đình đám luôn nằm trong danh sách bán chạy nhất so với các dòng sách khác.

Về phía độc giả, nhiều ý kiến cho rằng, đọc ngôn tình là một lựa chọn mang tính giải trí thuần túy. Ngoài những quyển có nội dung quá đam mỹ hay mượn danh ngôn tình để đưa vào những nội dung rẻ tiền, không phù hợp thuần phong mỹ tục, thì sách có nội dung ngôn tình đa phần vô thưởng vô phạt, thậm chí đôi quyển còn mang lại một số giá trị xoa dịu tinh thần, giúp chữa lành vết thương hay hướng sống tích cực.

Có một vấn đề được đặt ra, là theo như quyết định của Cục Xuất bản, “ngôn tình” sẽ không được xét duyệt xuất bản. Nhưng cho đến nay, “ngôn tình” vẫn là cách gọi nôm na về một dòng sách, thực ra chưa có định nghĩa rõ ràng. Nếu “ngôn tình” không được đăng kí xuất bản, vậy liệu các dòng sách của tác giả trẻ, bao gồm các tiểu thuyết, tản văn nhẹ nhàng về tình yêu, thân phận, cuộc đời, bán rất chạy như kiểu Buồn làm sao buông, Người yêu cũ có người yêu mới, Tôi thất tình, Yêu sao để không đau, Điều gì đến sẽ đến… liệu có bị xếp vào dòng ngôn tình và có bị hạn chế xuất bản?Có lẽ, bản thân “ngôn tình” không hẳn là một dòng sách tiêu cực. Cái tiêu cực nằm trong nội dung những quyển sách mượn ngôn tình để đi quá đà, thể hiện bản ngã trần trụi, hướng đến tâm lý ủy mị, tiêu cực… Thiết nghĩ, Cục Xuất bản nên có sự hướng dẫn, phân loại rõ ràng, thế nào là “ngôn tình”, và ngôn tình như thế nào sẽ bị hạn chế xuất bản, để các đơn vị làm sách được chủ động, và bớt lo lắng cho “miếng cơm” của mình.