Trong suốt nhiều năm liền, các ngư dân ở thị trấn Infanta của Philippines tỏ ra ít quan tâm về chính trị, ngoại giao quốc tế và tranh chấp chủ quyền kéo dài nhiều thế kỷ có liên quan đến đất nước của họ. Tuy nhiên, mọi việc đã thay đổi vào 4 năm trước, khi lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc tràn tới và chiếm giữ bãi cạn Scarborough, khiến họ khó có thể tiến được vào vùng biển xung quanh bãi cạn vốn giàu nguồn cá ở Biển Đông này.
1/3 trong tổng dân số gồm 30.000 người của thị trấn Infanta là những ngư dân. Để đến được khu vực bãi cạn Scarborough, họ phải đi thuyền suốt 16 tiếng. Thông thường, các ngư dân sẽ đánh bắt trong vòng 10 ngày trước khi trở về nhà. Một ngư dân tên Rubenado Querubin cho biết chi phí cho mỗi chuyến đi như vậy vào khoảng 2.500 USD.
Sự tấn công của các tàu Trung Quốc khiến các chuyến đánh bắt xa bờ trở nên vô cùng nguy hiểm. Chủ tàu Antonio Gono cho hay, mới tuần trước, một tàu của Trung Quốc đã đâm vào tàu của Philippines, khiến tàu bị vỡ một mảnh. Các ngư dân sau đó đều được cứu an toàn nhưng tàu cá đã rất chật vật mới được đưa vào bờ.
Nhưng, đánh bắt là nghề nghiệp duy nhất nên ngư dân Philippines không còn lựa chọn nào khác ngoài bám biển nên vẫn tiếp tục chấp nhận hiểm nguy ra khơi. Ngoài nỗi lo bị tấn công, họ còn đối mặt nguy cơ bị lỗ lớn nếu trở về mà không đánh bắt được từ 7 tấn cá trở lên. Do đó, nhiều ngư dân Philippines thậm chí đã lâm vào tình trạng túng quẫn. Nhiều người thời gian qua phải tìm những công việc khác để kiếm sống.
Theo Reuters, nhiều người trong số các ngư dân ở Infanta hy vọng rằng phán quyết của Tòa trọng tài thường trực được công bố vào ngày 12/7 sẽ thay đổi tình hình, cho phép họ đánh bắt cá mà không lo sợ bị tàu của Trung Quốc đuổi theo, đâm chìm hay phun vòi rồng tấn công. “Tôi hy vọng rằng chúng tôi sẽ thắng trong vụ kiện để chúng tôi có thể quay trở lại Scarborough nơi có nguồn cá dồi dào và cải thiện cuộc sống của mình” - ông Henry Dao, 45 tuổi, sống tại tỉnh Pangasinan Philippines, cho biết.
Năm 2013, Philippines đã khiến Trung Quốc nổi giận khi đệ đơn lên Tòa trọng tài thường trực (PCA), phản đối các yêu sách chủ quyền mà Trung Quốc đưa ra ở Biển Đông. Đơn kiện gồm 15 điểm của Philippines không yêu cầu Tòa quyết định về vấn đề chủ quyền mà đề nghị tòa làm rõ các quyền của nước này trong việc tiếp cận các vùng biển.
Nhiều người ví von đây là cuộc đấu giữa David và Goliath khi Philippines yêu cầu PCA quyết định về tính hợp pháp của các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và các hoạt động xây đảo nhân tạo của Bắc Kinh ở các rạn san hô đang có tranh chấp ở vùng biển này. Các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc được thể hiện trên những tấm bản đồ của nước này với cái gọi là đường 9 đoạn mơ hồ được vẽ lên sau khi Nhật Bản bị đánh bại trong Chiến tranh thế giới II.
Trung Quốc tuyên bố không công nhận quyết định của tòa nhưng nhiều ngư dân Philippines hiện hy vọng rằng Bắc Kinh có thể sẽ bị gây áp lực buộc phải để họ tới đánh bắt ở khu vực Scarborough. Ông Querubin cho biết ông sẽ ra biển với con tàu mới đóng ngay sau khi phán quyết của tòa được công bố. Phán quyết cũng sẽ có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế với Philippines khi đánh bắt thủy sản chiếm 1,3% GDP của nước này trong quý I của năm 2016 trong khi nhu cầu về mặt hàng cá nội địa cũng đang tăng.