Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ cho hay, các tàu khu trục Stethem, Spruance và Momsen đã tiến hành tuần tra gần các cấu trúc đang bị Trung Quốc chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam và bãi cạn Scarborough gần Philippines. Các cuộc tuần tra này trước đó đã được tờ Navy Times có trụ sở tại Washington đưa tin.
Theo tờ Navy Times, dù không tiến vào khu vực 12 hải lý nhưng các tàu khu trục của Mỹ cũng đã hoạt động ở phạm vi 14 tới 20 hải lý xung quanh các cấu trúc nói trên. Từ tuần trước, tàu USS Ronald Reagan và các tàu hộ tống tàu này cũng đã tiến hành tuần tra ở Biển Đông.
Phát biểu ngày 7/7, Người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ Clint Ramsden cho biết ông không thể nói chi tiết về hoạt động hay chiến thuật của các tàu của Mỹ. Song, ông khẳng định các cuộc tuần tra nói trên là một phần của sự hiện diện thường xuyên của Mỹ. “Tất cả các cuộc tuần tra này đều được tiến hành phù hợp với luật pháp quốc tế và phù hợp với sự hiện diện thường xuyên của Hạm đội Thái Bình Dương ở khắp khu vực Tây Thái Bình Dương” – ông Ramsden nhấn mạnh.
Động thái trên của Mỹ diễn ra trong bối cảnh áp lực trong khu vực đang gia tăng trước thời điểm Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của Liên Hợp quốc (LHQ) về Luật Biển (UNCLOS) để xét xử vụ kiện của Philippines về vấn đề Biển Đông đưa ra phán quyết vào ngày 12/7 tới.
Các chuyên gia pháp lý cho rằng phán quyết nhiều khả năng sẽ nghiêng về phía có lợi cho Manila và trong bối cảnh Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện và tuyên bố sẽ phớt lờ phán quyết do tòa đưa ra, Mỹ và giới chức hải quân của các nước khác hiện đang chuẩn bị cho khả năng căng thẳng ở Biển Đông sẽ tăng cao trong những tuần và tháng tới đây. Mỹ khẳng định phán quyết này có tính ràng buộc và là một phép thử quan trọng đối với sự sẵn sàng tuân thủ luật pháp quốc tế của Bắc Kinh.
Chỉ ít ngày trước khi phán quyết được đưa ra, ngày 6/7, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry được cho là để “dằn mặt” Mỹ. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong cuộc điện đàm, ông Vương đã nói với ông Kerry rằng Mỹ nên giữ lời hứa không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông. Đồng thời, Trung Quốc cũng hy vọng Mỹ “nói và hành động cẩn trọng và không có hành động gây tổn hại tới chủ quyền và các lợi ích an ninh của Trung Quốc”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Vương nói.
Trong cuộc điện đàm này, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cũng một lần nữa bác bỏ thẩm quyền của Tòa Trọng tài xem xét vụ việc ở The Hague, Hà Lan. “Dù phán quyết của Tòa là gì, Trung Quốc cũng sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và các quyền hàng hải chính đáng và bảo vệ vững chắc hòa bình và ổn định ở Biển Đông” – ông Vương được dẫn lời nói thêm.
Trong một diễn biến có liên quan, tại một cuộc họp báo với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh ngày 7/7, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cho biết ông đã nhấn mạnh với Trung Quốc về sự cần thiết phải giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông một cách hòa bình.