Nét văn hóa tươi mới của người Hà thành đầu xuân

(PLO) - Không hẹn mà gặp, những ngày đầu xuân, từ người già lẫn trẻ xênh xang bộ áo dài đủ sắc màu. Có thể nói, áo dài đã “phủ sóng” không gian Hồ Gươm khiến Hà Nội thêm quyến rũ như để cổ vũ đề án “Ngày áo dài phố cổ” sắp tới. 
Tết năm Đinh Dậu, áo dài “phủ sóng” nhiều địa điểm. 
(Ảnh: namnguyenstudio.com)
Tết năm Đinh Dậu, áo dài “phủ sóng” nhiều địa điểm. (Ảnh: namnguyenstudio.com)

Cũng tại nơi này, những ông bố, bà mẹ mừng tuổi các con bằng những cuốn sách hay, những đôi đang yêu tặng nhau những cuốn thơ lãng mạn. Đó cũng là nét mới, nét đẹp văn hóa đầu xuân của người Hà thành đón chào năm mới.

Áo dài “phủ sóng” Hồ Gươm

“Làm sao để nhiều người được mặc áo dài, không chỉ trong những dịp như Festival áo dài diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long vừa qua? Làm sao để áo dài trở thành nét văn hoá của người Hà Nội văn minh, thanh lịch? Tôi đề xuất nên biến không gian đi bộ quanh Hồ Gươm và phố cổ trở thành không gian tràn ngập áo dài truyền thống Việt Nam” là đề xuất của ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty Du lịch TransViet. Và dường như, đề xuất ấy đang “ngầm” được sự cổ vũ của rất nhiều người dân Hà thành.

Trong những ngày đầu xuân, tại không gian quanh Hồ Gươm, từ các Hoa hậu và ngôi sao như: Kỳ Duyên, Mỹ Linh, Tóc Tiên, Angela Phương Trinh... cho đến những người vợ, thiếu nữ, trẻ nhỏ Hà thành đều chọn áo dài làm trang phục xuất hành ngày đầu năm. Vô vàn kiểu dáng: truyền thống, cách tân như tạo thành một vườn hoa sặc sỡ, khiến lòng phơi phới thêm sắc xuân.

Thay cho việc mặc quần lụa ống rộng cơ bản, hơi khó đi lại, các cô gái có thể diện quần ống suông, quần jean, legging thậm chí là váy rất năng động, hợp mốt mà không hề phản cảm. Một số áo dài còn in họa tiết kỹ thuật số làm điểm nhấn, mang đến vẻ ngoài rất cá tính cho người mặc.

Rất nhiều người dân, du khách tới Hồ Gươm, muốn mặc chiếc áo dài để có những bức hình kỷ niệm. Nắm bắt nhu cầu ấy, hàng loạt cửa hàng cho thuê áo dài cơ động đã tới. Họ mang những bộ áo dài truyền thống, cách tân dành cho tất cả lứa tuổi từ già tới trẻ để cho thuê. Mỗi bộ có giá từ 50- 100 nghìn/ lượt thuê.

Có thể nói, Tết năm Đinh Dậu áo dài “phủ sóng” Hồ Gươm. Chưa bao giờ tà áo dài lại hiện diện trên mọi góc phố nhiều đến thế. Người già lẫn trẻ xênh xang diện áo dài đủ sắc màu thư thả rảo bước tạo thành hình ảnh rất đẹp, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Khách quốc tế thích thú chụp ảnh áo dài Việt Nam tạo dáng bên bờ Hồ và chia sẻ tới cả ngàn bạn bè của họ trên Facebook... “Việc quảng bá đất nước, con người, du lịch Việt Nam đến được đông đảo du khách mà không hề tốn kinh phí quảng bá” - ông Nguyễn Tiến Đạt phấn chấn.

Trẻ háo hức được mừng tuổi bằng… sách hay

“Phố Sách Xuân Đinh Dậu 2017” tại phố Lê Thạch và Vườn hoa Lý Thái Tổ (khu vực nhà Bát Giác), quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chộn rộn nhiều người dân và du khách khắp nơi đổ về. Phố sách Xuân gồm 25 gian hàng sách được trưng bày đẹp, với sự tham gia của nhiều nhà xuất bản, công ty sách được bạn đọc quan tâm.

Nhiều gia đình mừng tuổi con những cuốn sách hay
Nhiều gia đình mừng tuổi con những cuốn sách hay

Đến với Phố sách Xuân, bạn đọc sẽ có cơ hội được tiếp cận với nhiều thể loại sách phong phú, đa dạng về chủng loại cùng nhiều phần quà ý nghĩa, bất ngờ từ các nhà xuất  bản, công ty sách nhân dịp đầu xuân năm mới 2017.

Đặc biệt, “Phố sách Xuân Đinh Dậu 2017” năm nay còn có gian giới thiệu báo Tết, báo Xuân của các cơ quan báo chí Hà Nội; không gian giới thiệu nghệ thuật Thư pháp và tặng chữ Thư pháp viết miễn phí của bạn đọc; các quầy sách lưu động và một số khu vực ghế nghỉ đọc sách, cafe sách dành cho bạn đọc tham gia Phố sách Xuân. Ngoài các chương trình giao lưu, giới thiệu tác giả, tác phẩm của các nhà xuất  bản, công ty sách, các hoạt động: tô màu sách lịch sử, vẽ tranh dành cho thiếu nhi, các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống, Thơ xuân… được tổ chức tại không gian Phố sách.

Nếu như những năm trước các gia đình, bạn trẻ đi chơi tết tại các Trung tâm thương mại, siêu thị thì Tết năm Đinh Dậu, họ lại hướng về phố sách. Ông Trần Minh Thắng  - Nhà sách Minh Thắng cho hay: “Năm nay, nhiều bố mẹ thay vì lì xì các con bằng tiền thì họ chuyển sang lì xì con bằng… sách. Có lẽ, tặng con bằng trí thức, cổ vũ con đọc sách đó là sự thay đổi suy nghĩ đầy văn minh, văn hóa của các bậc phụ huynh”.

Chị Minh Hương ở phố Hai Bà Trưng chia sẻ, đối với trẻ, món tiền lì xì nhận được trong năm mới giống như một niềm vui ngắn ngủi, bởi vì, rất nhanh sau đó, món tiền lì xì đó sẽ phải “bàn giao” lại cho bố mẹ giữ hộ. Vì thế, nếu thực sự muốn mang đến cho con một niềm vui ý nghĩa và những gợi mở tuyệt vời dịp năm mới, bố mẹ nên lì xì cho con bằng sách.

Những cuốn sách phù hợp với độ tuổi và sở thích của con sẽ là món quà mừng tuổi tuyệt vời cho các bé. Những câu chuyện thú vị trong từng cuốn sách mà bố mẹ chọn cũng chính là ước mong mà bố mẹ muốn gửi gắm đến bé trong năm mới. Việc lì xì cho con bằng sách còn mang đến những lợi ích vô cùng tuyệt vời cho cả gia đình”. Quả vậy, những đứa trẻ hân hoan khi được chọn những cuốn sách yêu thích tại “Phố sách Xuân Đinh Dậu”.

Không chỉ những bậc phụ huynh tặng sách cho con mà những cặp đang yêu hay bạn trẻ cũng tặng nhau bằng những cuốn sách hay như: “Phố và đường Hà Nội - Nguyễn Vinh Phúc”, “Lý Quang Diệu kỷ luật thép Singapore”…

Có thể nói, người dân Hà thành đang gìn giữ văn hóa truyền thống bằng việc nâng niu, khoe sắc những tà áo dài và nâng cao văn hóa đọc cho giới trẻ. Đó cũng là nét văn hóa đón xuân Đinh Dậu trong những đầu năm của mảnh đất Kinh kỳ.

Đọc thêm