Ớn lạnh đu dây qua sông
Có mặt ở địa điểm đặt cáp treo ở tổ dân phố 3 (thị trấn Plei Kần) chắc ai cũng phải thót tim trước cảnh hàng chục lượt người treo mình trên dây cáp qua sông.
Theo quan sát của chúng tôi, dây cáp treo dài khoảng 70m bắc ngang sông Pô Cô, đoạn qua thị trấn Plei Kần. Hai đầu dây cáp được buộc vào hai trụ bê tông. Muốn sang sông, người dân ngồi vào lồng sắt được gắn với dây cáp bằng ròng rọc, ròng rọc sẽ tự chạy sang bên kia sông. Nếu lồng không chạy được tới bờ thì dùng dây thừng kéo vào.
Để di chuyển theo chiều ngược lại thì dùng một dây cáp khác. Mỗi lần như vậy có thể chuyển từ 1 đến 3 người hoặc 2 bao nông sản. Người dân ở đây cho biết, mỗi ngày có hàng trăm lượt người đu dây cáp treo qua lại. Thời điểm tập trung đông nhất là vào buổi sáng và buổi chiều.
Ông Lương Văn Thanh (ngụ tổ dân phố 3, thị trấn Plei Kần) cho hay, đất rẫy nhà ông ở hết bên xã Ngọc Tụ (huyện Đăk Tô), nếu đi cây cầu treo cách nơi đây 5 cây số thì qua bên đó phải đi đường vòng, mà phải luồn lách trong đường rẫy nhỏ xíu, nhiều dốc, mùa mưa thì trơn trợt, nguy hiểm. Tính ra, nếu đi như vậy thì từ nhà đến rẫy phải mất mấy chục cây số nên rất xa, tốn nhiều thời gian.
“Tôi đi bằng dây cáp này, qua tới bên kia sông, chạy xe máy một đoạn là tới rẫy rồi. Người dân bên thị trấn Plei Kần đều đi bằng dây cáp này để qua sông đi làm, không ai chịu đi cầu treo hay cây cầu kiên cố xa lắc kia cả”, ông Thanh cho biết.
Vừa từ xã Đăk Rơ Nga đu cáp treo qua sông Pô Cô đến thị trấn Plei Kần để lấy hàng hóa về bán, bà Nguyễn Lành (ngụ làng Đăk De, xã Đăk Rơ Nga) cho biết: “Tôi thường lấy hàng hóa ở thị trấn Plei Kần đem về làng buôn bán và luôn đi lại ở cáp treo này. Thấy vậy chứ nó tiện lợi, qua sông nhanh gọn, tiết kiệm được thời gian và tiền vận chuyển. Hàng về đầu bên kia dây là có mấy đứa con ra phụ khiêng vào nhà, khỏe re. Nếu không có cáp treo này thì phải ngược lên đường cầu rồi men theo đường rẫy rừng vừa khó đi, vừa tốn thời gian. Tiền xe vận chuyển cũng tốn cả mớ nữa”.
Vận chuyển nông sản qua sông Pô Cô bằng cáp treo |
“Mùa mưa qua sông bằng thuyền nguy hiểm lắm vì nước sông chảy xiết, rất dễ lật. Biết qua sông bằng cáp treo sẽ nguy hiểm đến tính mạng nếu gặp sự cố không may, nhưng dù sao cũng an toàn hơn bằng thuyền. Cả chục năm nay tôi thấy đi cáp treo này rất tốt. Nó chắc chắn chứ không xảy ra sự cố gì”, bà Lành nói.
Nguy hiểm rình rập
Người dân qua lại hệ thống cáp treo này cho rằng đi qua cáp treo sẽ an toàn hơn đi qua cầu treo rồi băng đường rừng trơn trợt. Mặc dù đây là lựa chọn nguy hiểm, bởi việc qua sông hàng ngày của họ chỉ được đảm bảo bằng một sợi cáp mỏng manh, trong khi bên dưới là lòng sông mùa khô thì trơ đá, còn mùa mưa là nước lớn hung dữ.
Bao nhiêu năm chứng kiến người dân qua lại nơi đây, bà Nguyễn Thị Kim Liên (ngụ tổ dân phố 3, nhà nằm gần hệ thống cáp treo) bảo, từ trước đến nay đã có hai trường hợp đứt cáp. Cách đây 4 năm, một phụ nữ ở xã Đăk Rơ Nga vượt sông bằng cáp treo khi qua gần tới nơi thì bị đứt cáp rơi xuống sông, may mắn là người dân cứu được.
Còn cách đây 2 năm, có hai cha con người đàn ông làm nghề điện cũng từ bên xã Đăk Rơ Nga qua nửa chừng thì đứt cáp. Họ mang theo máy móc đồ nghề nên rơi xuống sông trôi hết, may là họ biết bơi nên được an toàn.
Tiếp xúc với chúng tôi, hầu hết người dân qua lại bằng cáp treo này đều có nguyện vọng mong muốn chính quyền và các ngành chức năng của tỉnh Kon Tum tạo điều kiện đầu tư xây dựng cây cầu bắc sông tại vị trí này để người dân đi lại thuận tiện. Quả thực, cũng là bất đắc dĩ, họ mới phải qua lại bằng cáp treo này.
Theo ông Nguyễn Xuân Phượng - Chủ tịch UBND thị trấn Plei Kần, cáp treo này tồn tại đã hơn 10 năm, do một số hộ dân bỏ tiền ra làm để họ qua sông làm rẫy, buôn bán. Chắc chắn nó không an toàn cho tính mạng, nhất là về mùa mưa. Chính quyền địa phương nhiều lần phối hợp, vận động những hộ dân này thôi không dùng cáp treo mà phải đi theo đường cầu treo cách đó 5 cây số, hoặc cây cầu kiên cố xa hơn xíu nữa, nhưng họ vẫn chưa chịu.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, chỉ đạo các hội đoàn thể cùng nhau tuyên truyền cho người dân hiểu mà không đi cáp treo. Để đảm bảo an toàn cho người dân hàng ngày tới nơi sản xuất, chúng tôi cũng đang bàn bạc với một doanh nghiệp xây dựng thủy điện ở khu vực này làm một cầu tạm bằng gỗ bắc qua sông”, ông Phượng cho biết.