Người biểu tình chuyển sự tức giận sang doanh nghiệp thân Thủ tướng

(PLO) - Những người biểu tình muốn lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra đang chuyển sự tức giận của họ sang các doanh nghiệp có liên quan tới gia đình bà. Ngày 20/2, hàng trăm người đã bao vây bên ngoài văn phòng của một công ty bất động sản mà bà Yingluck từng nắm quyền điều hành.
Người biểu tình tụ tập bên ngoài một tòa nhà của Công ty SC Asset
Người biểu tình tụ tập bên ngoài một tòa nhà của Công ty SC Asset
Khoảng 500 người biểu tình đã tụ tập tại các văn phòng ở phía Bắc Bangkok của Công ty SC Asset – một công ty bất động sản do gia đình Shinawatra kiểm soát. “Chúng tôi sẽ cản trở tất cả các doanh nghiệp của nhà Shinawatra. Nếu các vị yêu nước thì hãy ngừng sử dụng các sản phẩm của gia đình Shinawatra và làm mọi thứ có thể để làm cho các doanh nghiệp đó phá sản” – thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban nói với những người ủng hộ tại một cuộc diễu hành tối 19/2. 
Bà Yingluck là Chủ tịch điều hành của công ty này trước khi lên nắm quyền Thủ tướng vào năm 2011. Cổ phiếu của SC Asset đã giảm 5% trong ngày 20/2. Ngày 19/2, giá cổ phiếu của công ty này cũng đã giảm mức tương tự. Cổ phiếu của Công ty M-Link Asia – một nhà phân phối điện thoại di động có liên quan tới gia đình Shinawatra - cũng đã mất 10% giá trong 2 ngày qua. 
Cùng ngày, hơn 1.000 nông dân, trong đó có nhiều người lái xe tải, đã từ khu đồng bằng trung tâm, vốn là khu vực trồng lúa chính tại Thái Lan, hướng tới Bangkok. Ông Chada Thaiseth – một cựu thành viên Quốc hội – cho biết, ông sẽ dẫn các nông dân tới sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok. “Chúng tôi không chắc sẽ cắm trại ở đâu nhưng chúng tôi sẽ không rời thủ đô cho đến khi chúng tôi được trả tiền cho từng hạt gạo chúng tôi đã bán” – ông Chada nói. Sân bay Suvarnabhumi từng bị phe “áo vàng” chống ông Thaksin đóng cửa suốt 8 ngày trong các cuộc biểu tình diễn ra hồi năm 2008. 
Chính phủ của bà Yingluck dường như đang ngày càng bị phe đối lập và hệ thống tư pháp bó hẹp hơn. Chính phủ hiện tại thiếu quyền hạn về tài chính để chi trả cho các chính sách chủ chốt. Bên cạnh đó, Tòa án Dân sự Thái Lan ngày 19/2 đã ra phán quyết bác bỏ yêu cầu của các thủ lĩnh biểu tình đòi hủy bỏ tình trạng khẩn cấp 60 ngày do Chính phủ ban bố tại Thái Lan và các khu vực xung quanh, nhưng cũng đồng thời cấm Chính phủ sử dụng bạo lực để giải tán người biểu tình. Quyết định này sẽ khiến cho việc đối phó với người biểu tình của Chính phủ trở nên khó khăn hơn. 
Trước đó, Ủy ban Phòng chống tham nhũng Thái Lan (NACC) ngày 18/2 cho biết sẽ truy tố bà Yingluck về cáo buộc lơ là trách nhiệm trong chương trình mua gạo trợ giá vốn đã dấy lên sự tức giận của tầng lớp trung lưu và khiến hàng trăm nghìn nông dân không được trả tiền bán gạo. Phản hồi cáo buộc này, ngày 20/2 bà Yingluck tuyên bố bà hoàn toàn vô tội. 
“Tôi khẳng định lại rằng tôi vô tội trước các cáo buộc của NACC. Mặc dù tôi đang bị cáo buộc hình sự và đối mặt với việc bị bãi miễn nhưng tôi sẽ hợp tác để làm rõ sự thực” – bà Yingluck khẳng định trên tài khoản mạng xã hội facebook.

Đọc thêm