Người biểu tình Thái Lan bắt đầu “đóng cửa” Bangkok

(PLO) - Người biểu tình đối lập Thái Lan ngày 13/1 đã chiếm đóng những giao lộ chủ chốt ở thủ đô, khởi động những nỗ lực  “đóng cửa” Bangkok nhằm leo thang chiến dịch lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Người biểu tình Thái Lan bắt đầu “đóng cửa” Bangkok
Hàng chục nghìn người biểu tình đã vẫy cờ, một số người mặc áo thun có in khẩu hiệu “Đóng cửa Bangkok”, tụ tập tại những điểm chiến lược trong thành phố, trong đó có một trung tâm thương mại chính đã bị phóng hỏa trong đợt bất ổn chính trị gây chết người hồi năm 2010. Các nguồn tin cho biết, 7 tuyến giao lộ quan trọng đã bị phong trào biểu tình chống chính phủ chặn lại bằng việc dựng lên các sân khấu và chất những bao tải cát dọc giữa các tuyến đường. 
Ngoài ra, những người biểu tình cũng có kế hoạch bao vây các bộ quan trọng và cắt hệ thống điện vào các tòa nhà này nhằm khiến cho các cơ quan không thể hoạt động. Những người biểu tình nói rằng họ sẽ vẫn đóng quân tại các phần của Bangkok cho đến khi giành chiến thắng. 
“Chúng tôi sẽ chiến đấu cho dù chúng tôi thắng hay thua. Chúng tôi sẽ không thỏa hiệp hay chấp nhận đàm phán” – thủ lĩnh của nhóm biểu tình Suthep Thaugsuban nói trước đám đông tại một điểm tụ tập đêm 12/1. 
Bên cạnh đó, một nhóm cứng rắn trong phong trào chống chính phủ cũng đã đe dọa sẽ bao vây thị trường chứng khoán và thậm chí cả trạm kiểm soát không lưu của vương quốc này nếu bà Yingluck không từ chức trong những ngày tới. 
Những người biểu tình tuyên bố sẽ phá hoại cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 2 tới. Những người này nói rằng họ muốn thoát khỏi “chế độ Thaksin” nhưng bác bỏ các cáo buộc cho rằng họ đang cố kích động một cuộc đảo chính quân sự khác. “Đây là một cuộc cách mạng của nhân dân” – ông Suthep tuyên bố. Ông này cũng nói rằng trong con mắt của những người biểu tình, bà Yingluck không còn là thủ tướng nữa. 
Chính phủ Thái Lan cho biết họ muốn duy trì cuộc sống bình thường của người dân trong suốt phong trào đóng cửa và đã ra lệnh tăng cường thêm các tuyến tàu chạy qua các hệ thống trung chuyển lớn và cung cấp thêm hàng nghìn chỗ đậu xe ở bên ngoài trung tâm thành phố. 18.000 nhân viên an ninh, trong đó có 8.000 binh lính và 10.000 cảnh sát, sẽ được triển khai để duy trì trật tự tại Bangkok. Nhà chức trách cũng cho biết họ đã sẵn sàng để ban bố tình trạng khẩn cấp nếu xảy ra bất ổn.
Quân đội nước này – đã từng tiến hành một số cuộc đảo chính trước đây – đã loại bỏ khả năng diễn ra một vụ khác. Một số người lo ngại tình trạng leo thang bạo lực có thể dẫn tới một vụ can thiệp quân sự nhưng cho đến nay, chính phủ Thái Lan vẫn đang cố gắng để tránh đối đầu với những người biểu tình. 
Phó thủ tướng Thái Lan cho biết, bà Yingluck đã “chỉ thị tất cả cảnh sát và nhân viên quân sự hết sức kiềm chế và không sử dụng tất cả các loại vũ khí trong việc xử lý những người biểu tình”. Thủ lĩnh biểu tình Suthep cũng đã hứa sẽ rút lui nếu các cuộc biểu tình rơi vào “nội chiến”. Trước sức ép của các cuộc biểu tình, bà Yingluck đã đề nghị gặp những thủ lĩnh của nhóm biểu tình để thảo luận về khả năng hoãn các cuộc bỏ phiếu. 
Một số người dân địa phương lo ngại các cuộc biểu tình sẽ làm tổn hại đến sinh kế của họ, đặc biệt là trong trường hợp khách du lịch không đến đây trong thời điểm đáng ra là mùa cao điểm du lịch. “Tất nhiên là biểu tình ảnh hưởng đến tôi. Tôi rất căng thẳng. Không có khách hàng nào đến cửa tiệm của tôi, còn những khách hàng thân thiết thì không thể lái xe ở đây” – ông Tong, 69 tuổi, chủ một tiệm hớt tóc ở Bangkok cho hay. 
Theo thông tin từ cảnh sát, 12 bệnh viện, 28 khách sạn, 24 trường học và 5 trạm cứu hỏa trong khu vực đã bị ảnh hưởng bởi phong trào đóng cửa. Hầu hết người dân đã lựa chọn di chuyển bằng các phương tiện giao thông công cộng. Một số người dân đã tỏ ra lo lắng và đổ xô đi mua sắm trong khi đại sứ quán Mỹ đã khuyến cáo người dân dự trữ lương thực, nước uống và thuốc men trong vòng 2 tuần. 
Trong khi đó, những người ủng hộ chính phủ cũng đã lên kế hoạch sẽ tụ tập ở nhiều địa điểm khác nhau để phản đối phong trào đóng cửa.