Bắt đầu là cơ duyên …
Tốt nghiệp ra trường với tấm bằng Cao đẳng Y chuyên ngành nữ hộ sinh, năm 2000 chị Huyền được nhận về công tác tại phường Ngô Quyền với chức danh cán bộ chuyên trách dân số, gia đình, trẻ em, công việc của chị tương đối ổn định.
Nhưng do trăn trở trước thực tế nhận thức pháp luật của nhân dân trên địa bàn phường còn hạn chế, các vụ việc xích mích, mâu thuẫn diễn ra trong nội bộ nhân dân còn nhiều do người dân thiếu hiểu biết pháp luật, nhiều người dân vi phạm pháp luật cũng không biết, bị xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp cũng không hay, rồi những vi phạm pháp luật nhỏ xảy ra trong lĩnh vực khai sinh, khai tử, kết hôn,… vẫn xảy ra.
“Thực tế thì mình cũng chưa am hiểu pháp luật để giúp nhân dân” – chị Huyền nói, nên chị đã mong ước góp phần công sức của mình chuyển tải kiến thức pháp luật đến với nhân dân và quyết định đi học Đại học Luật năm 2005, cũng chính từ quyết định đó, chị Huyền được chuyển sang công tác trong lĩnh vực tư pháp của phường.
Sau là niềm đam mê, tâm huyết với nghề
Với bao khó khăn của buổi đầu bắt tay vào công việc nhưng với niềm đam mê và tâm huyết với nghề, chị Huyền đã không ngừng học hỏi, tự tìm hiểu, nghiên cứu để từng bước nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, hoàn thành tốt công việc đặt ra, công tác quản lý và đăng ký hộ tịch, công tác chứng thực được chị Huyền tham mưu thực hiện tốt, đúng quy định của pháp luật; việc mở và ghi chép sổ sách, biểu mẫu hộ tịch, lịch đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn được chị thực hiện nền nếp, quy củ.
Chị Huyền tâm sự: “Nói thì có vẻ đơn giản vậy, song thực tế đôi khi gặp rất nhiều tình huống khó khăn như khi người dân yêu cầu giải quyết công việc đăng ký hộ tịch hay chứng thực nhưng do người dân không hiểu biết pháp luật dẫn đến có những hành vi, thái độ không đúng, nhưng tôi vẫn cố điềm tĩnh, giải thích cặn kẽ các quy định pháp luật để người dân hiểu và có cách nhìn đúng đắn hơn, đây là kinh nghiệm khi tiếp dân nhằm tránh đi những điều tiếng, xô xát, to tiếng ở trụ sở phường”.
Với lời tâm sự của chị, tôi nhận thấy chị Huyền luôn trăn trở với công việc mình làm, làm sao cho “dân tin, dân yêu và dân thực hiện”.
Đối với công tác tuyên truyền, chị luôn coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân. Chị luôn suy nghĩ, tìm tòi để vận dụng các hình thức tuyên truyền có hiệu quả như chị thường xuyên phối hợp với Ban Văn hóa phường viết các tin, bài tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên hệ thống loa truyền thanh của phường với nội dung tuyên truyền ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, phù hợp với trình độ nhận thức của nhân dân, phát đều đặn 3 lần/tuần, mỗi lần 15-20 phút; tham mưu tổ chức hội nghị tuyên truyền với các nội dung được chọn lọc cho phù hợp với đặc điểm của phường như Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Giao thông đường bộ, Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn,...
Ngoài ra, để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, chị đã tham mưu phối hợp với các ban, đoàn thể như Ban Văn hoá, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi... để tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên, thành viên và nhân dân trên địa bàn phường chấp hành pháp luật; đề xuất đổi mới phương thức sinh hoạt của các tổ chức hội, đoàn thể bằng cách lồng ghép tuyên truyền pháp luật, điều đó đã đem lại tác dụng tích cực trong việc ngăn chặn các tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
“Gần dân, sát dân để hiểu dân” đó là quan niệm của chị Huyền khi triển khai công tác hòa giải trên địa bàn phường. Đây cũng là công việc chị Huyền hết sức tâm đắc và chú trọng tham mưu triển khai thực hiện.
Hiện nay, toàn phường có 14 tổ hoà giải với 76 thành viên, các tổ hoà giải được củng cố, kiện toàn hàng năm cả về số lượng và chất lượng, hòa giải viên có trình độ chuyên môn trung cấp, đại học ngày càng nhiều, số vụ việc hòa giải thành năm sau thường cao hơn năm trước, cụ thể trong 10 năm thực hiện công việc của mình, chị Huyền đã cùng các tổ hòa giải tiến hành hòa giải 250 vụ việc ở cơ sở, kết quả hòa giải thành đạt 91,5%.
Nhiều vụ việc mâu thuẫn phức tạp, có liên quan đến nhiều hộ trong khu dân cư nhưng đều được chị Huyền và các thành viên tổ hòa giải tiến hành hòa giải thành công ngay tại cơ sở. Bí quyết của hoà giải thành, theo chị đó là tinh thần tận tuỵ với công việc và hơn thế nữa, sự gần gũi, thấu hiểu những tâm tư, tình cảm của người dân kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn trong công tác, vận dụng đúng các quy định của pháp luật.
Vì thế, trong những năm qua đã hạn chế được số lượng đơn thư khiếu nại gửi lên phường, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật, góp phần giữ gìn khối đoàn kết trong nội bộ nhân dân, giữ vững trật tự an toàn xã hội ở địa bàn phường; ngoài ra thông qua hoạt động hòa giải đã góp phần tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước đến nhân dân sâu rộng và toàn diện.
Với những nỗ lực không ngừng và bền bỉ, 10 năm trong nghề là từng ấy năm chị Huyền được UBND phường Ngô Quyền công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn; 4 năm liền được UBND TP.Nam Định tặng Giấy khen (2011 – 2014); đạt Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở các năm 2010, 2012, 2014.
Có được kết quả đó là nhờ sự đam mê, tâm huyết với nghề, nhưng với chị Huyền “đó lại là thành quả chung của tập thể lãnh đạo Đảng ủy, UBND phường Ngô Quyền đã đồng tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư pháp trong thời gian qua và gặt hái được những kết quả đáng khích lệ, nhất là trong công tác hòa giải ở cơ sở”.
Còn với tôi cảm nhận rằng, với sự đam mê, tâm huyết với nghề, tận tụy trong công việc, gương mẫu trong công tác sẽ khích lệ tinh thần, ý chí để chị Nguyễn Thị Huyền tiếp tục gắn bó và cống hiến cho ngành Tư pháp.