Vì những nỗ lực này, bà Thược đã từng được nhận Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và của UBND tỉnh.
Nhiều sáng kiến trong công việc
Trong chuyến công tác thăm khu di tích Cách mạng Tân Trào, chúng tôi may mắn được gặp gỡ và trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thược - Giám đốc Sở Tư pháp Tuyên Quang. Các cán bộ của Sở đều tự hào cho biết bà là một tấm gương điển hình trong công tác thi đua ở cơ sở trong 5 năm qua.
Ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với bà là giọng nói ấm áp, tác phong gần gũi và sự trẻ trung, năng động. Trò chuyện với bà, chúng tôi mới cảm nhận được nhiệt huyết của nữ giám đốc 46 tuổi này.
Sinh năm 1969 trong một gia đình nghèo, cha mẹ đều làm nông, cuộc sống vất vả, khó khăn nên bà Thược đã có ý thức học hành ngay từ nhỏ. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bà đã mong muốn được trở thành một cán bộ của ngành Tư pháp. Chính ước mơ đó đã chắp cánh cho bà vào Trường Đại học Luật Hà Nội với hệ tuyển sinh khóa 12.
Cũng vì tình yêu với mảnh đất Tuyên Quang nên sau khi tốt nghiệp ra trường, bà không ở lại Thủ đô lập nghiệp như bạn bè cùng trang lứa mà thi tuyển công chức vào Sở Tư pháp Tuyên Quang và gắn bó với ngành từ đó đến nay.
Tuyên Quang là một tỉnh miền núi nghèo, toàn tỉnh có gần một nửa đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên công tác phổ biến pháp luật cho nhiều vùng sâu, vùng xa gặp không ít khó khăn. Trước đây, do trình độ dân trí hạn chế nên mâu thuẫn trong nội bộ dân cư thường xảy ra.
Vì vậy, Sở Tư pháp Tuyên Quang xác định, công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc là một trong những nhiệm vụ được quan tâm hàng đầu. Thực tế, Sở Tư pháp đã không ngừng nỗ lực tham mưu, phối hợp tổ chức các chương trình nhằm phổ biến pháp luật cho nhân dân.
Bà Thược chia sẻ: “Phổ biến pháp luật cho những hộ dân các xã nghèo luôn là bài toán khó cho các cán bộ tư pháp. Khi người ta vẫn đau đầu vì cảnh đói ăn, thiếu mặc thì làm sao đủ tâm trí để quan tâm đến kiến thức pháp luật”. Hiểu rõ điều đó nên bà dành nhiều sự quan tâm cho công tác này với nhiều đổi mới trong cả nội dung và cách thức tuyên truyền nhằm đưa pháp luật đến gần hơn với người dân Tuyên Quang.
Cho đến nay, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành hàng loạt kế hoạch, dễ dàng theo dõi tình hình thi hành pháp luật của nhân dân. Trong đó có việc xây dựng 2 đề án phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em; trình UBND tỉnh kế hoạch về triển khai Luật Xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh…
Cũng trong giai đoạn 2007- 2010, tỉnh đã đơn giản hóa được 34% thủ tục hành chính khi bà giữ chức Tổ phó Thường trực Tổ Đề án 30. Trong vòng 4 năm (2010 -2014), nữ Giám đốc đã có 23 sáng kiến được công nhận tại 5 Quyết định của Hội đồng sáng kiến Sở Tư pháp.
Nhiều sáng kiến đã đem lại hiệu quả cao trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật, đẩy mạnh nếp sống văn minh tại địa phương. Nhờ vậy, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân ngày một nâng cao, số vụ vi phạm pháp luật trên địa bàn giảm đáng kể.
Đặc biệt, bà Thược cũng là một đảng viên gương mẫu, luôn năng động trong công tác đảng, đoàn thể. Bà tâm sự, chính công tác đoàn thể đã giúp bà vượt qua khó khăn, tự tin năng nổ trong mọi công việc như bây giờ.
“Tôi làm Bí thư Chi đoàn từ năm 1994. Trước đấy tôi rất nhút nhát, khả năng giao tiếp lại không được tốt. Nhưng quả thực là thông qua công tác đoàn, bắt buộc tôi phải suy nghĩ, phải hoạt động, phải mày mò, phải nói. Khi đã vượt qua bản thân rồi thì tôi rất vững tin”, bà chia sẻ.
“Không ngại khó, ngại khổ thì mới làm được việc”
Bản thân được đào tạo chính quy về chuyên môn và có sẵn kiến thức lý luận chính trị nên khi tiếp nhận nhiệm vụ, bà Thược dễ dàng nắm được tình hình cụ thể của ngành. Trong cái “đầu nóng” của nữ Giám đốc, bà chỉ biết đến việc tìm tòi, áp dụng biện pháp nào tốt nhất nhằm hoàn thành công việc trong thời gian ngắn nhất chứ không ngại khó, ngại khổ.
Bà kể: “Tháng 11 năm 2003, Cục Kiểm tra văn bản tổ chức hội nghị tập huấn về công tác kiểm tra văn bản qui phạm pháp luật. Hội nghị tổ chức ở Yên Bái, mời các lãnh đạo Sở, cán bộ tham dự. Ngày đó Sở Tư pháp Tuyên Quang có duy nhất một đồng chí Giám đốc. Đồng chí ấy không đi được, mới giao cho tôi dẫn một “đoàn quân” đi xe máy đến Yên Bái.
Lãnh đạo Sở các tỉnh khác đều chuẩn bị phương tiện đưa anh em đến tận nơi tận chốn, còn Sở Tư pháp Tuyên Quang phải tự túc vượt trăm cây số sang. Lúc ấy, trong khi anh em khác thấy tủi thân, tôi chỉ mong không bị trễ giờ chứ chẳng nghĩ đến đường sá xa xôi”.
Cách đây 2 năm, Sở Tư pháp Tuyên Quang cũng gặp phải tình trạng thiếu nhân sự tương tự. Khi ấy, Sở thiếu tới 1/3 biên chế lãnh đạo, trong khi chức năng, nhiệm vụ được bổ sung nhiều, chưa kể kinh phí không đáp ứng nổi yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đội ngũ công chức chuyên môn mới vào còn quá trẻ, kinh nghiệm ít khiến việc chỉ đạo và điều hành cơ quan gặp khó khăn.
Gánh nặng đè lên vai nữ Giám đốc khi vừa phải hoàn thành rất nhiều việc trong cơ quan vừa hướng dẫn cho anh em làm việc. Tận tay bà từng bước hướng dẫn nhân viên, cuối cùng bà cũng đưa Sở trở lại guồng quay của nó.
Người chiến sĩ thi đua gương mẫu của tỉnh vẫn luôn tự hào về lợi thế của Sở. Tuyên Quang là mảnh đất cội nguồn của ngành, vì vậy nhiều chương trình kỉ niệm của ngành Tư pháp thường được tổ chức tại Tuyên Quang. Giám đốc Nguyễn Thị Thược rất tự hào khi có thể đóng góp cho truyền thống của ngành, mỗi năm được tận tay dâng hương tại khu di tích của Bộ Tư pháp.
Vừa làm tốt công tác chuyên môn, vừa lãnh đạo Sở Tư pháp không ngừng tiến bộ, phương châm của nữ Giám đốc chính là thẳng thắn trong mọi việc. Bà tâm sự: “Đạt được thành công như ngày hôm nay phần nhiều do mình may mắn. Trưởng thành từ ngành, đắng cay, ngọt bùi rồi cả nước mắt cũng phải nếm trải rất nhiều. Nhưng cái chính là bản thân phải luôn nỗ lực, khuyến khích động viên anh em cùng vượt qua khó khăn”.
Khi được hỏi về bí quyết khiến ngành Tư pháp bớt khô khan và gần dân hơn, bà Thược cười: “Tư pháp không hề khô khan, tất cả là do bản thân có làm cho nó hay hay không. Tôi vẫn hay động viên anh em trong cơ quan rằng, cơ quan tạo ra môi trường, anh em phải làm việc từ gốc đến ngọn. Đừng chỉ đọc mấy văn bản luật mà phải trở về vấn đề lý luận, phải đọc và nghiên cứu nhiều mới có thể hiểu luật”.