Từng là ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc, đồng chí Hà Thái Nguyên được điều động về công tác tại Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc và giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở từ cuối năm 2014 đến nay. Trong suốt quá trình công tác, đồng chí luôn sống giản dị, hòa đồng và nhiệt tình giúp đỡ các đồng nghiệp. Do đó, đồng chí luôn nhận được sự quan tâm, tin tưởng của đồng nghiệp, đặc biệt là sự tạo điều kiện giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương tỉnh Vĩnh Phúc, sự quan tâm chỉ đạo sát sao về công tác chuyên môn của lãnh đạo Bộ Tư pháp, đây chính là động lực, là điều kiện thuận lợi để đồng chí phấn đấu trong công tác và đạt được nhiều thành quả đáng được biểu dương.
Trong 5 năm 2016-2020, đồng chí đã cùng tập thể Lãnh đạo Sở Tư pháp tham mưu giúp Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện nhiều Chỉ thị, Thông tri, Nghị quyết, Quyết định, Kế hoạch để triển khai chiến lược, đề án, chương trình công tác tư pháp, góp phần đảm bảo thực hiện có hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương.
Xác định công tác xây dựng, kiểm tra văn bản QPPL là nhiệm vụ quan trọng của Ngành được Giám đốc Sở phân công phụ trách, đồng chí luôn quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện nên chất lượng hệ thống văn bản QPPL của tỉnh ngày càng được nâng cao góp phần hoàn thiện các cơ chế, chính sách, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Tính đến hết năm 2019, đồng chí đã chỉ đạo tham gia và thẩm định 298 lượt dự thảo văn bản QPPL của tỉnh, trong đó có 70 dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh và 228 dự thảo Quyết định của UBND tỉnh. Tự kiểm tra 177 văn bản QPPL do UBND tỉnh ban hành, kiểm tra theo thẩm quyền 26 văn bản, trong đó có 01 Nghị quyết, 25 quyết định. Qua kiểm tra, đã tham mưu xử lý theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo thực hiện nghiên túc công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL theo đúng kế hoạch của UBND tỉnh. Kịp thời đề xuất với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản QPPL phù hợp với Hiến pháp, các văn bản QPPL của cơ quan nhà nước cấp trên và các Nghị quyết của HĐND tỉnh.
Đồng chí Hà Thái Nguyên cũng là người luôn trăn trở về các lĩnh vực đã được xã hội hóa. Có thể nói chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực bổ trợ tư pháp là một bước tiến mới quan trọng của ngành, đã đáp ứng với yêu cầu và nhiệm vụ cải cách tư pháp và Vĩnh Phúc là một trong những địa phương thuộc khu vực phía Bắc đi đầu về công tác xã hội hóa các lĩnh vực bổ trợ tư pháp. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có 23 tổ chức hành nghề công chứng, 11 tổ chức đấu giá tài sản, 19 tổ chức hành nghề luật sư và 03 tổ chức thừa phát lại. Do vậy, trên thực tế đã có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề như lĩnh vực công chứng, đấu giá tài sản…. Trong 5 năm qua, đồng chí đã chỉ đạo tiến hành 8 cuộc thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với 74 lượt tổ chức hành nghề Công chứng, đấu giá, Luật sư, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch. Qua thanh tra, đã phát hiện ra những sai phạm kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh.
Trong giai đoạn 2015-2020, đồng chí được giao phục trách công tác trợ giúp pháp lý (trong năm 2018 được phân công kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm TGPL tỉnh); đã chỉ đạo Trung tâm thụ lý và giải quyết 2.378 vụ việc trợ giúp pháp lý. Ký hợp đồng với 04 tổ chức luật sư và 04 luật sư tham gia trợ giúp pháp lý. Từ đó chất lượng trợ giúp pháp lý tiếp tục được nâng cao góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật của người dân, giảm thiểu những khiếu kiện, tranh chấp kéo dài.
Ngoài lĩnh vực chuyên môn, đồng chí trực tiếp và cùng các đồng chí lãnh đạo Sở tham gia nhiều đề tài khoa học, đơn cử, đề tài qua đó, kiến nghị, đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả và vai trò quản lý nàh nước về công tác tư pháp tại địa phương.
Từ những thành tích đã đạt được, trong 5 năm qua, đồng chí luôn được vinh danh là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, ngành Tư pháp, cấp tỉnh … được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc tặng Bằng khen./.