Hiện nay, theo Luật BHYT, hộ cận nghèo là đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT (đối tượng tham gia BHYT bắt buộc). Dù đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ tới 70% mức đóng Bảo hiểm Y tế (BHYT) nhưng nhiều hộ cận nghèo vẫn quay lưng với những ưu đãi trên.
Hiện nay, theo Luật BHYT, hộ cận nghèo là đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT (đối tượng tham gia BHYT bắt buộc). Dù đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ tới 70% mức đóng Bảo hiểm Y tế (BHYT) nhưng nhiều hộ cận nghèo vẫn quay lưng với những ưu đãi trên.
|
Những thủ tục rườm rà cũng là lý do để người cận nghèo thờ ơ với bảo hiểm y tế |
“Tặc lưỡi” vì phí bảo hiểm
Nếu như người nghèo được ngân sách nhà nước chi trả 100% phí mua thẻ BHYT thì người cận nghèo nhận được hai sự hỗ trợ: ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng (kể từ ngày 1/1/2012). Bên cạnh đó, một số địa phương ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, các tổ chức quốc tế và ngân sách địa phương còn hỗ trợ thêm từ 20-30% mức phí còn lại.
Tuy vậy, cho đến nay mới có khoảng 25,2% trong tổng số hơn 6 triệu người cận nghèo tham gia BHYT.
Qua khảo sát ở nhiều địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nhận thức của những người thuộc hộ cận nghèo về BHYT hầu như chỉ là con số không. Rất nhiều hộ cận nghèo còn chưa biết đến chính sách BHYT có những ưu việt gì và không biết mình là đối tượng trong diện được hỗ trợ. Chỉ khi ốm đau, phải điều trị tại bệnh viện, được nghe các nhân viên y tế giải thích về quyền lợi được hưởng thì họ mới sốt sắng “chạy” để được tham gia BHYT.
Theo chuẩn nghèo, cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011- 2015 thì hộ cận nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000 - 520.000 đồng/người/tháng và hộ cận nghèo ở thành thị có mức thu nhập bình quân từ 501.000 - 650.000 đồng/người/tháng. Trong khi mức đóng BHYT hàng tháng hiện nay đối với người cận nghèo bằng 4,5% mức lương tối thiểu chung.
Như vậy, nếu được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% thì một năm, người cận nghèo cũng phải đóng thêm gần 200.000 đồng mới được sở hữu tấm thẻ BHYT. Nếu đem mức thu nhập này ra so sánh với thu nhập hàng tháng của họ thì số phí 30% mà người cận nghèo phải đóng thêm không hề nhỏ. Đã có rất nhiều người cận nghèo muốn tham gia BHYT, nhưng vì lực bất tòng tâm, tiền lo cho bữa ăn chưa đủ nên không kiếm đâu ra tiền để mua tấm thẻ bảo hiểm sức khỏe cho cái “thì tương lai”, vì thế mà đành tặc lưỡi cho qua.
Rắc rối thủ tục
Trong khi nhiều người còn chưa hài lòng với chất lượng khám chữa bệnh BHYT thì hiện nay, ngành Y tế lại triển khai khám BHYT ban đầu từ tuyến xã. Trạm xá xã nói chung đều trong tình trạng thiếu cả trang thiết bị lẫn bác sỹ nên người bệnh đã không hài lòng và tin tưởng với tuyến khám ban đầu. Nên chẳng ai mặn mà với việc bỏ tiền ra mua BHYT lại chỉ được khám chữa bệnh ở trạm xá xã/phường, mà hầu hết những người thuộc diện cận nghèo chỉ khi nào có bệnh nặng mới phải đi viện. Nếu phải đợi làm thủ tục chuyển viện cho đúng tuyến từ tuyến xã lên tuyến huyện, tuyến tỉnh rồi mới đến tuyến trung ương để điều trị thì bệnh tình của họ đã đến hồi trầm trọng.
“Quyền lợi BHYT hiện vẫn chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người tham gia, đôi khi những dịch vụ y tế thuộc phạm vi quyền lợi đã được xác định cũng không được đảm bảo. Thủ tục hành chính phức tạp có nguyên nhân từ cơ chế thanh toán chi phí và cách thức tổ chức khám chữa bệnh BHYT cũng góp phần làm giảm đi tính hấp dẫn của BHYT đối với người đã tham gia BHYT và những người chưa tham gia BHYT. Hạn chế này vẫn đang là một trở ngại cho việc mở rộng bao phủ BHYT” (Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến) |
Đó là thái độ phục vụ của các nhân viên y tế (ngay từ khâu thủ tục đầu tiên là phát số thứ tự) thường hay gắt gỏng. Rồi thì thủ tục khám bệnh quá rườm rà, mất thời gian, để được phát vài viên thuốc cũng phải chen lấn toát mồ hôi hột. Những người yếu tim hay bị bệnh tiền đình có khi lại rước thêm bệnh vào người chỉ vì phải đi lại nhiều lần để làm thủ tục.
Mà đâu chỉ khám là xong, nếu phải điều trị thì bệnh nhân nhiều khi phải nằm ghép 2-3 người/giường. Đối với bệnh nhân chẳng may gặp những bệnh nan y thì hầu như những loại thuốc đặc trị đắt tiền lại nằm ngoài danh mục thuốc chi cho BHYT.
Bài toán kinh tế
Có thể nói, chính sách hỗ trợ cho người cận nghèo tham gia BHYT đã được triển khai từ nhiều năm nay. Nếu trước đây người cận nghèo tham gia BHYT sẽ được Nhà nước hỗ trợ 50% mức phí thì từ ngày 1/1/2012, mức hỗ trợ này đã tăng lên 70%; có nghĩa là với hơn 6 triệu người cận nghèo, mỗi năm dự tính ngân sách nhà nước sẽ phải chi gần 2.400 tỷ đồng để mua BHYT cho họ.
Nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ băn khoăn, trong khi ngân sách nhà nước dành một khoản tiền lớn để hỗ trợ cho người cận nghèo mua BHYT, nhưng số người tham gia lại rất ít nên số tiền này khó giải ngân hết; đồng nghĩa với đó là chính sách của Nhà nước không đến được người dân, hay nói đúng hơn là chính sách ưu việt này đã không phát huy hiệu quả, trong khi nhiều năm liền chúng ta vẫn duy trì. “Phải chỉ rõ cơ quan nào, ban ngành nào chịu trách nhiệm chính về vấn đề này? Bởi nếu cơ quan được giao chịu trách nhiệm chính để đưa chính sách vào cuộc sống nhưng không làm hết trách nhiệm, cơ quan nọ đùn đẩy cho ban ngành kia thì đương nhiên quyền lợi của người cận nghèo không được đảm bảo. Vì thế cần phải có hình thức xử lý nghiêm minh, phải quy trách nhiệm cụ thể mới mong chính sách đạt được kết quả”- một chuyên gia y tế khẳng định.
Ngành Y tế hiện đang có chủ trương phát hành thẻ BHYT tương ứng với 70% mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước (quyền lợi được hưởng là 70%). Hiện đối tượng cận nghèo được Quỹ BHYT chi trả 80% khi đi khám chữa bệnh (người bệnh đồng chi trả 20%) thì với tấm thẻ này, Quỹ bảo hiểm chỉ chi trả 70% chi phí (người bệnh đồng chi trả 30%). Nếu chủ trương trên đi vào thực tế thì tương lai không xa, 100% hộ cận nghèo sẽ có thẻ BHYT và họ sẽ được nhận thẻ miễn phí mà không phải đóng thêm 30% giá trị thẻ. Và như vậy thì tiền hỗ trợ của Nhà nước mới đến được tay đối tượng được thụ hưởng.
Người cận nghèo được hưởng quyền lợi gì? Theo Luật BHYT, người cận nghèo tham gia BHYT được hưởng các quyền lợi cụ thể như sau: Đối với khám chữa bệnh thông thường: người có thẻ BHYT cận nghèo khi đi khám chữa bệnh được hưởng 80% chi phí khám chữa bệnh (cùng chi trả 20%) khi tổng chi phí lần khám chữa bệnh cao hơn 15% mức lương tối thiểu (trừ trường hợp khám chữa bệnh tại tuyến xã thì không phải thực hiện cùng chi trả). Đối với sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao chi phí lớn: được hưởng 80% chi phí nhưng tối đa không quá 40 tháng lương tối thiểu cho một lần sử dụng dịch vụ. Ngoài ra, bệnh nhân là người cận nghèo được thanh toán chi phí vận chuyển người bệnh từ bệnh viện tuyến huyện trở lên trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú nhưng vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở y tế. Khi toàn bộ các thành viên trong hộ cận nghèo tham gia BHYT, mức đóng sẽ được giảm trừ dần theo tỷ lệ %. Theo đó, hiện nay ngân sách nhà nước đang hỗ trợ 70% mệnh giá thẻ thì người thứ nhất đóng bằng 30% mệnh giá thẻ BHYT, người thứ hai đóng bằng 90% mức đóng của người thứ nhất, người thứ ba đóng bằng 80% mức đóng của người thứ nhất, người thứ tư đóng bằng 70% mức đóng của người thứ nhất và từ người thứ năm trở đi đóng bằng 60% mức đóng của người thứ nhất. |
Anh Thư- Thanh Quý