Người chăn nuôi tại Đồng Nai "ôm" lỗ khi giá gia cầm chạm đáy

(PLVN) - Đồng Nai là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước. Ngoài dẫn đầu về đàn heo thì Đồng Nai còn có tổng đàn gia cầm cũng xếp TOP của cả nước với khoảng hơn 32 triệu con. Tuy nhiên, hiện nay giá gia cầm và trứng giảm thấp tận đáy khiến người nuôi gia cầm tại Đồng Nai lao đao vì lỗ nặng hoặc không có lãi, mất thu nhập.
Người nông dân "ôm" lỗ khi cung gia cầm vượt cầu.
Người nông dân "ôm" lỗ khi cung gia cầm vượt cầu.

Cung vượt cầu khiến giá chạm đáy

Theo ghi nhận thực tế, hiện tại tổng đàn gà của Đồng Nai khoảng 21,772 triệu con; đàn vịt, ngan, ngỗng khoảng 2 triệu con, đàn chim cút khoảng 6,8 triệu con. Đồng Nai hiện đã xây dựng được 2 trại cút, 295 trại gà, 30  trại vịt an toàn. Áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt với 80 trại gà, 1 trại vịt được chứng nhận VietGAHP với sản lượng được chứng nhận là 21.121 tấn gà thịt/năm và 315 triệu quả trứng/năm.

Ngoài ra trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng đã hình thành các chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn gồm 4 chuỗi trứng gà (Cơ sở Lâm Thanh Đức, Công ty Vương Huỳnh, Công ty C.P, Nhà máy lựa trứng Đồng Nai) mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 200 triệu quả trứng. 3 chuỗi thịt gà gồm: Công ty Bình Minh, Công ty TNHH Chăn nuôi Long Bình và chuỗi thịt gà chế biến xuất khẩu của công ty Koyu & Unitek Nhật Bản (mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 17 ngàn tấn thịt).

Mặc dù ngành chức năng và các hộ chăn nuôi gia cầm đã cố gắng làm đủ mọi cách để tránh cảnh giá thấp tận đáy khi cung ứng ra thị trường. Tuy nhiên, hiện tại do dịch Covid-19 nên tình trạng gia cầm và trứng bị mất giá vẫn xảy ra.

Theo ngành chức năng, gia cầm và trứng mất giá nguyên nhân là do dịch tả lơn châu Phi bùng phát khiến đàn heo trong nước giảm mạnh, nhiều người chăn nuôi cho rằng người tiêu dùng chuyển sang ăn gia cầm. Vì vậy người chăn nuôi cũng chuyển sang nuôi gia cầm, tăng đàn lên rất nhiều dẫn đến cung vượt cầu, giá cả lại hạ xuống rất thấp. Khiến người chăn nuôi tại Đồng Nai đang khổ sở vất vả, nợ chồng nợ.

Theo nhiều hộ nuôi gia cầm, hiện nay giá gà trắng chỉ từ 18.000 - 23.000 đồng/kg, gà tam hoàng - gà lương phượng lông màu giá khoảng 31.000-34.000 đồng/kg. Riêng giá vịt nằm ở mức cũng khoảng 34.000-38.000 đồng/kg, còn trứng gà công nghiệp chỉ 900 - 1.200 đồng/quả, trứng cút giá khoảng 180 đồng/quả. Với mức giá này người nuôi cũng chỉ đang hòa vốn hoặc lỗ, coi như làm ăn thua trắng.

Cụ thể, qua tìm hiểu của phóng viên hiện nay giá trứng gà bán ra tại trại chỉ còn khoảng 900-1.200 đồng/quả tùy loại, trứng vịt giá cũng còn khoảng 1.5.00-1.600 đồng/quả. Còn giá trứng chim cút giảm chỉ còn 160-180 đồng/quả. Với giá trứng này người chăn nuôi đã chịu lỗ từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.

Bà Nguyễn Lan Hương (ngụ huyện Thống Nhất, Đồng Nai) cho biết, gia đình bà nuôi 5.000 gà và 3.500 vịt đẻ trứng. Hiện tại, giá trứng giảm mạnh nên gia đình bà đang khổ sở chật vật. Theo bà Hương, giá trứng gà bán tại trại chỉ còn khoảng 1.200 đồng/quả loại 1, giảm khoảng 300 đồng/quả so với trước Tết; trứng vịt còn khoảng 1.600 đồng/ quả. Cùng với rớt giá, thì hiện thị trường tiêu thụ trứng cũng rất chậm so với trước đây. Với mức giá này, mỗi tháng gia đình bà đang mất khoảng gần 100 triệu đồng.

Ảnh hưởng từ dịch Covid-19, giá gia cầm tại Đồng Nai đang bị hạ thấp tận đáy
 Ảnh hưởng từ dịch Covid-19, giá gia cầm tại Đồng Nai đang bị hạ thấp tận đáy

Loay hoay tìm đầu ra

Trại gia cầm của ông Tư Phương (ngụ tại huyện Trảng Bom) hiện cũng đang có khoảng hơn 15.000 con gà đẻ. Tuy nhiên, trứng gà không xuất đi được, phải chấp nhận chờ. Ông Phương cho biết, thời gian trước giá trứng khá thấp nhưng chưa đến mức lỗ vẫn cầm cự được. Khoảng 1 tuần nay các trại xuất ra chỉ được giá hơn 1.000 đồng nên ông rất lo lắng. Trại ông trước đây có mối chuyên nhập trứng nhưng mấy ngày liền ông gọi điện họ hứa hẹn vào lấy trứng rồi im bặt.

“Dịch Covid-19 khiến các bếp ăn không hoạt động ổn định, hơn nữa đàn giờ quá nhiều so với năm ngoái nên cung vượt cầu. Trứng hay thịt đều lỗ nặng và tình hình căng thẳng này dự kiến phải kéo dài hết năm nay may ra mới hạ nhiệt. Cứ nghĩ heo đắt họ chuyển sang ăn trứng, ăn gà vịt nhưng không ngờ tính toán sai là ôm lỗ vào người. Thiết nghĩ Nhà nước cần có chuỗi liên kết để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi, nếu không chúng tôi sẽ còn khổ sở lâu dài”, ông Phương bày tỏ.

Còn bà Hoàng Linh, người nuôi gà vịt tại huyện Trảng Bom than thở, hôm nay bà vừa xuất chuồng lứa gà trắng với giá chỉ 18.000 đồng/kg. Với giá xuất chuồng như vậy thì gia đình bà đã lỗ mất cả trăm triệu đồng cho lứa gà này.

“Người chăn nuôi như chúng tôi thì lấy đâu ra tiền sẵn, toàn là vay ngân hàng, vay anh em bà con để làm ăn. Nuôi con gì cũng cầu trời cho suôn sẻ để khi thu hoạch có tiền trả nợ. Tiền vốn đem trả, tiền lời được chút đỉnh lại gom góp lo cho lứa mới vậy mà từ đầu năm đến nay lứa nào xuất chuồng cũng lỗ, tiền đâu không thấy chỉ thấy nợ ngày càng tăng. Tình trạng này nếu kéo dài chúng tôi không biết sẽ xoay xở thế nào”, bà Linh nói.

Đại diện hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nhận định: “Người nuôi gia cầm đang lỗ nặng, do giá bán ra thấp, bằng khoảng một nửa chi phí chăn nuôi. Nguyên nhân dẫn đến giá gà, vịt giảm sâu là do học sinh nghỉ học dài ngày, nhiều nhà máy xí nghiệp cũng chưa hoạt động bình thường trở lại, nên các bếp ăn tập thể đồng loạt cắt giảm nhiều loại thực phẩm.

Hiện nay, mặc dù các trường, học sinh đã đi học trở lại nhưng các bếp ăn vẫn chưa có xu hướng hoạt động ổn định nên dự đoán tình hình vẫn rất khó khăn. Hy vọng đến quý III mọi thứ sẽ được ổn định, giá thịt, trứng gia cầm sẽ tăng lên, ổn định cho người chăn nuôi đỡ khổ sở vất vả”.