Người chị của những cô gái bán dâm…

Có những hôm trời mưa, đường trơn trượt, chị bị ngã trầy cả đầu gối; có bữa nắng to bị say nắng tưởng không trụ nổi; đặc biệt những đợt bị cơ quan chức năng truy quét gắt gao, chị em phải dịch chuyển vào hẻm sâu, xa xôi nhưng chị vẫn không bỏ bê công việc của mình. Chỉ bởi một lẽ giản đơn: “Không có chị, chị em sẽ lơ là việc tự bảo vệ mình…”.

Hơn chục năm trời gắn bó với công việc tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS và phân phát bao cao su (BCS) cho chị em đường phố (phụ nữ bán dâm đứng đường), chị Lý Thị Ngọc Sương (sinh năm 1960) ở phường Lê Bình, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ đã thấu hiểu rất sâu sắc nỗi lòng của chị em. Chính vì thế,  chị mong muốn họ tự bảo vệ mình trước nguy cơ lây nhiễm vô cùng lớn của các căn bệnh xã hội, trong đó có HIV/AIDS.

Chị Lý Thị Ngọc Sương đang chia sẻ hoạt động của mình.
Chị Lý Thị Ngọc Sương đang chia sẻ hoạt động của mình.

… Tôi gặp chị trong một buổi sáng cách đây gần 4 năm, trong một buổi truyền thông nhóm của Dự án Defied (một dự án hỗ trợ về truyền thông và can thiệp giảm hại – CTGH trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS), khi ấy chị tham gia với vai trò của một trưởng nhóm đồng đẳng viên. Khuôn mặt thân thương, đầy thiện cảm, nụ cười tươi rói luôn thường trực trên môi, cách diễn đạt có duyên cộng với bề dày kiến thức mà chị đã tích lũy được khiến các các đối tượng đích (vốn là phụ nữ bán dâm) không thể không chăm chú lắng nghe.

Từ những thông tin mới về dự phòng lây nhiễm HIV đến những kinh nghiệm, kỹ năng truyền thông, thuyết phục khách hàng sử dụng BCS khi quan hệ tình dục của chị Sương đã mang đến cho chị em những cái nhìn mới về hoạt động nhạy cảm này.

Là một phụ nữ dân tộc Khơ me, với trình dộ văn hóa thấp, sau khi chia tay người chồng vũ phu, gàn dở, vô trách nhiệm, suốt ngày say xỉn, đánh đập vợ con, Ngọc Sương đành phải làm đủ thứ nghề chân tay (bốc vác, giặt đồ, rửa bát thuê…) để nuôi hai con ăn học. Vất vả là vậy nên chị rất cảm thông với những ai có hoàn cảnh giống mình, trong đó có chị em bán dâm đứng đường.

Cũng chính vì lý do này, sau khi được giới thiệu vào làm trong CLB Sức khỏe phụ nữ TP Cần Thơ, Lý Thị Ngọc Sương đã đem hết khả năng, kiến thức và tình cảm của mình để hỗ trợ và giúp đỡ các chị em vì hoàn cảnh xô đẩy vào con đường “bán thân nuôi miệng”. Tấm chân tình cộng với niềm thương cảm sâu sắc đó của chị không chỉ giúp chị em biết cách phòng thân, bảo vệ mình mà còn cảm hóa được không ít người lầm đường lạc lối trở về với bến bờ hoàn lương.

Đầu năm 2005, Ngọc Sương được nhận vào làm trong Dự án Defied với vai trò Trưởng nhóm đồng đẳng viên phường Lê Bình – là một “điểm nóng” về tệ nạn xã hội của quận Cái Răng và TP. Cần Thơ. Đây cũng là địa bàn có tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS cao nhất của quận. Với kinh nghiệm lâu năm trong hoạt động này và nhiệt huyết tràn trề, chị cùng các đồng đẳng viên khác len lỏi vào tận cùng ngõ hẻm, các tụ điểm phức tạp để tuyên truyền, phân phát tờ rơi, BCS cho đối tượng đích; vận động họ đi khám sức khỏe, xét nghiệm HIV và các bệnh lây qua đường tình dục.

Có những hôm trời mưa, đường trơn trượt, chị bị ngã trầy cả đầu gối; có bữa nắng to bị say nắng tưởng không trụ nổi; đặc biệt những đợt bị cơ quan chức năng truy quét gắt gao, chị em phải dịch chuyển vào những hẻm sâu, xa xôi nhưng chị vẫn không bỏ bê công việc của mình. Chỉ bởi một lẽ giản đơn: “Không có chị, chị em sẽ lơ là việc tự bảo vệ mình…”.

Tiếp cận với chị em bán dâm, nhất là chị em đứng đường không hề đơn giản chút nào, Ngọc Sương cho hay. Nhất là những chị em vừa bán dâm vừa nghiện hút ma túy. Mỗi khi “lên cơn” họ bất chấp tất cả để có tiền “chơi” thuốc, cũng chẳng cần thiết phải nghe tuyên truyền hay sử dụng BCS làm gì cả. Tuy nhiên, Ngọc Sương vẫn kiên nhẫn tuyên truyền, vận động, thuyết phục họ bằng tất cả kiến thức, kinh nghiệm và tấm lòng của mình.

Tất cả những điều đó đã giúp chị cảm hóa được những chị em thuộc thành phần bất hảo, khó tính nhất, đồng thời góp phần đạt, vượt tất cả các chỉ tiêu mà dự án giao. Khi Dự án Defied kết thúc, namw 2006 chị lại tiếp tục chuyển sang cộng tác với Dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ trong hoạt động này với mục đích được làm tiếp công việc này, để trang bị cho chị em những hành trang cần thiết trong cuộc mưu sinh đầy vất vả, cực nhọc và chất chứa những ẩn họa khó lường.

Dù cuộc sống vẫn chưa dứt khỏi khó khăn, nhưng Ngọc Sương luôn sẵn sàng hỗ trợ các chị em có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ qua cơn hoạn nạn. Có chị hết thời làm ăn, không có tiền sinh sống phải đến nương náu ở nhà chị hàng tháng trời; có trường hợp con cái  bị bệnh nan y, nhờ chi cưu mang và hỗ trợ tiền điều trị bệnh cho con; thậm chí nhiều trường hợp mong muốn hoàn lương cũng được chị hỗ trợ vốn để mở cửa hàng, buôn bán sinh sống để tìm đường hướng thiện…

“Chị Ngọc Sương làm việc vì tình thương là chính nên chị dễ dàng đồng cảm và thuyết phục được mọi người. Không chỉ có vậy, chị còn là người chịu thương, chịu khó và không quản ngại vất vả… Đó là những điều rất cần thiết đối với những người làm côgn tác phòng, chống AIDS” – Bác sỹ Hà Thị Nguyền – nguyên GĐ Trung tâm y tế dự phòng quận Cái Răng nhận xét về người phụu nữ này.

… Bốn năm sau, may mắn gặp chị trong một hội nghị trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực CTGH, nhân chuyến đi thực tế tìm hiểu công tác can thiệp, dự phòng phòng, chống HIV/AIDS do Bộ Y tế và CLB Nhà báo Việt Nam với công tác phòng, chống HIV/AIDS vừa tổ chức tại hai tỉnh, thành Cần Thơ và Kiên Giang.

Khuôn mặt xương xương, vẫn nước da rám nắng và khuôn mặt đầy thiện cảm và nụ cười tươi rói trên môi, Ngọc Sương chia sẻ với chúng tôi những kinh nghiệm, buồn vui, gian truân và niềm hạnh phúc trong của một đồng đẳng viên phòng chống AIDS. Và tôi chỉ còn biết cảm phục khi chứng kiến những thành quả mà chị đã đạt được sau hơn chục năm dòng gắn bó với công việc này.

Thêm một chiếc BCS được phát đi, thêm một người được tuyên truyền, hỗ trợ, giúp đỡ là Ngọc Sương lại có thêm một niềm vui. Và niềm hạnh phúc đó luôn đầy ắp trong cuộc sống của người đàn bà dân tộc Khơ me này.

Nhận được khoản thù lao (hơn một triệu/tháng) từ Dự án của Ngân hàng Thế giới, cuộc sống của mẹ con Ngọc Sương cũng cải thiện được phần nào, nhưng niềm vui lớn nhất của chị vẫn là giúp cho chị em bán dâm biết bảo vệ mình. “Mình làm như thế là giúp cho nhiều người khỏi bệnh tật, thoát khỏi cái chết… Đó cũng coi là làm phước để lấy phúc cho con cháu thôi…” – chị cười đôn hậu.

Nụ cười của chị làm sáng lên cả một góc phòng. Nó cũng khiến tôi tin tưởng vào sự thành công trong công cuộc phòng, chống AIDS của Cái Răng, TP. Cần Thơ nói riêng cũng như cả nước nói chung. Nếu như ai cũng có được sự tận tâm và nhiệt thành như Ngọc Sương, chúng ta có quyền hy vọng vào một tương lai tươi sáng đó.

Lâm Quỳnh

Đọc thêm