Chiều 28/5, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã ký kết dự án “Tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ với an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ của Việt Nam (viết tắt là SACCR)”. Theo đó, Quỹ Khí hậu xanh (GCF) viện trợ không hoàn lại 30,2 triệu USD cho 5 tỉnh, trong đó có Đắk Lắk và Đắk Nông.
Theo đó, Dự án SACCR sử dụng nguồn vốn không hoàn lại của GCF thông qua UNDP để hỗ trợ người dân 5 tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đắk Nông, Đắk Lắk. Dự án nhằm trao quyền cho các hộ nông dân nhỏ dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và người dân tộc thiểu số ở các vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ để quản lý rủi ro khí hậu ngày càng tăng đối với sản xuất nông nghiệp bằng cách đảm bảo sự sẵn có của nguồn nước, áp dụng các hoạt động nông nghiệp thích ứng với khí hậu và tăng khả năng tiếp cận thông tin khí hậu nông nghiệp, tín dụng và thị trường.
Dự án được thế kế theo một các tiếp cận tổng hợp và sáng tạo để xây dựng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu được Chính phủ Việt Nam đưa ra và được đồng phát triển với UNDP và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Khoản viện trợ không hoàn lại của GCF bổ sung và thúc đẩy đầu tư của ADB vào các hệ thống thủy lợi hiện đại hóa thông qua dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho các tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán (WEIDAP); Đồng thời, đảm bảo lợi ích mở rộng cho những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất.
Biến đổi khí hậu khiến một số sông suối Tây Nguyên cạn kiệt nước |
Dự án gồm các hợp phần: Tăng cường an ninh nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp của nông hộ quy mô nhỏ dễ bị tổn thương trong bối cảnh biến động về lượng mưa và hạn hán do biến đổi khí hậu; Tăng khả năng chống chịu về sinh kế cho nông hộ nhỏ thông qua sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và tiếp cận với thông tin khí hậu, tài chính và thị trường.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Đây là khoản viện trợ không hoàn lại rất lớn nhất trong khoản viện trợ không hoàn lại Bộ NN&PTNT nhận được từ các tổ chức quốc tế trong thời gian qua. Dự án này sẽ tăng cường kết nối của hệ thống tưới, tăng cường năng lực quản lý, sử dụng hiệu quả hệ thống và thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Vì thế, đề nghị lãnh đạo các tỉnh quan tâm chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện dự án đúng quy định và văn kiện ký kết. Các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT và UNDP để dự án triển khai một cách nhanh chóng, hiệu quả. Ban Quản lý Trung ương các dự án thủy lợi tiếp tục bám sát nội dụng kế hoạch, các tiến độ đã được duyệt để tổ chức triển khai dự án.
Dự án thực hiện trong 6 năm kể từ khi được phê duyệt, từ quý IV/2020 đến quý I/2026./.