Người dân cần được cảnh báo kịp thời về ô nhiễm không khí

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mới đây, theo báo cáo “Kết quả nghiên cứu tác động ô nhiễm không khí (ONKK) do bụi PM2,5 lên sức khỏe cộng đồng tại Hà Nội năm 2019” của nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Y tế Công cộng, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, đã chỉ ra những tác động nguy hại của ONKK với sức khoẻ con người.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Cụ thể, về gánh nặng bệnh tật do phơi nhiễm với bụi mịn PM2,5 tại Hà Nội năm 2019, có 2.855 ca tử vong sớm, chiếm khoảng 12% số ca tử vong ở nhóm trên 25 tuổi. Có 1.062 ca nhập viện tăng thêm do bệnh tim mạch, chiếm khoảng 1,2% tổng số ca nhập viện ở nhóm bệnh này; có 2.969 ca nhập viện tăng thêm do bệnh hô hấp, chiếm khoảng 2,4% tổng ố ca nhập viện nhóm bệnh hô hấp. Nghiên cứu ước tính tác hại của ô nhiễm bụi mịn PM2,5 khiến tổng số năm sống bị mất đi của người dân Hà Nội là 79.933 năm.

So sánh với số liệu trên thế giới năm 2019, có 6,67 triệu người chết do phơi nhiễm với ONKK, trong đó có 4,14 triệu ca tử vong do bụi PM 2.5 trong không khí bên ngoài. Cách đây 5 năm Ngân hàng Thế giới cũng đã công bố tỉ lệ tử vong quy cho ONKK ở Việt Nam năm 2016 là 64,5 ca/100.000 dân. Tỉ lệ này ở các nước thu nhập cao là 17,8 ca/100.000 dân; các nước thu nhập thấp và trung bình thấp là 132,1 ca/100.000 dân.

Cũng theo kết quả nghiên cứu chỉ ra, nếu nồng độ PM 2.5 trung bình năm tại Hà Nội được kiểm soát tốt, sức khoẻ của người dân cũng sẽ được cải thiện đáng kể, thể hiện rõ nét ở các yếu tố: số ca tử vong tránh được, số năm sống bị mất tránh được và số năm sống kỳ vọng tăng lên.

Những năm gần đây, thành phố Hà Nội đã rất nỗ lực để cải thiện chất lượng không khí (CLKK). Theo một đại diện từ Chi cục Bảo vệ Môi trường- (Sở TN-MT Hà Nội), trong 3 năm qua, Hà Nội đã ban hành các giải pháp như Chỉ thị 19 và hai Chỉ thị 15 liên quan đến rơm rạ và bếp than tổ ong và đã thu được những kết quả khả quan. Số lượng than tổ ong hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội đã giảm đáng kể trên 90%; hiện tượng đốt rơm rạ cũng đã giảm so với các năm trước. Mặc dù vậy, hiện tượng đốt rác thải sinh hoạt vẫn còn tiếp diễn. Hiện nay, thành phố Hà Nội đã ra Chỉ thị cho Sở TN-MT phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan, tổ chức liên quan để mở rộng nghiên cứu về ONKK, không chỉ đối với bụi PM2.5. Từ đó thành phố có đầy đủ cơ sở, nền tảng để đánh giá được thiệt hại sức khỏe, kinh tế của ONKK, nhằm đưa ra những chính sách hiệu quả và khả thi.

Trước năm 2019, rất ít người dân biết và quan tâm đến các vấn đề chất lượng không khí. Tuy nhiên, khi nhận thức người dân tăng lên về các mối nguy hại, họ đều có nhu cầu theo dõi tin tức qua điện thoại, qua bản tin dự báo thời tiết, thông tin môi trường được công bố từ các doanh nghiệp, viện nghiên cứu. Điều quan trọng nữa là người dân cần được cảnh báo kịp thời, đầy đủ hơn nữa về vấn đề ONKK từ các nguồn thông tin chính thống. Ví dụ như tại Hàn Quốc, khi nồng độ bụi mịn tăng cao trong không khí, người dân đều được nhận ngay tin nhắn yêu cầu hạn chế ra đường hoặc nên đeo khẩu trang, khuyến khích bớt đi lại trong giờ tan tầm, cao điểm. Như vậy, các cá nhân, gia đình cần có những hiểu biết rõ ràng và chỉ dẫn cụ thể để có thể cùng tham gia kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, hạn chế khí thải và bảo vệ sức khoẻ của chính mình, người thân và cộng đồng.