Linh hoạt, sáng tạo thực hiện hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW
Cùng các chính sách, chương trình giảm nghèo của Đảng, Nhà nước, tỉnh Gia Lai đã huy động cả hệ thống chính trị, các cơ quan, ban ngành triển khai thực hiện nhiều giải pháp phù hợp với từng huyện, xã, đồng thời đã tập trung mọi nguồn lực trong đó coi nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đóng vai trò “trụ cột” ưu tiên đầu tư vùng sâu, vùng xa biên giới, vùng dân tộc thiểu số giúp hộ nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập nâng cao đời sống, nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo đã giảm dần qua từng năm.
Phong cảnh vùng biên Gia Lai đổi thay từng ngày. |
Đến nay, toàn tỉnh còn 31.502 hộ nghèo (chiếm 8,11%), trong đó có 28.173 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 17,05% tổng số hộ DTTS, đạt và vượt chỉ tiêu, giảm tỷ lệ hộ nghèo 3%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025.
Nhờ sự triển khai quyết liệt, đồng bộ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững, trong đó có Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” (Chỉ thị) đã tạo bước chuyển biến mới cho toàn bộ hoạt động của tín dụng chính sách, góp phần thiết thực đến các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới ở một tỉnh miền núi phía bắc khu vực Tây Nguyên có diện tích lớn thứ 2 cả nước.
NHCSXH tỉnh Gia Lai đã thực hiện đa dạng, nhiều giải pháp linh hoạt để đem nguồn vốn tín dụng đến đúng đối tượng thụ hưởng. (Ảnh: Cuộc họp ban đại diện HĐQT tỉnh Gia Lai) |
Theo ông Lê Văn Chí - Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh tỉnh Gia Lai: Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40, hoạt động tín dụng chính sách ở vùng cao nguyên biên giới đã thực sự có nhiều chuyển biến mới. Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã thống nhất nhận biết về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của nguồn vốn ưu đãi trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội.
Theo đó, ngành lao động - thương binh và xã hội phối hợp với chính quyền các cấp tiến hành việc điều tra, rà soát, bổ sung danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo đúng quy định, tạo thuận lợi để NHCSXH giải ngân đúng đối tượng, nhanh chóng. Ngành tài chính của tỉnh cũng căn cứ tình hình ngân sách của địa phương, ưu tiên bổ sung nguồn vốn cho NHCSXH thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Tính đến ngày 30/6/2024, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác là 470 tỷ đồng, tăng gấp 15,6 lần so với trước khi thực hiện Chỉ thị số 40, góp lực nâng tổng nguồn vốn chính sách của tỉnh Gia Lai đạt 7.305 tỷ đồng, tăng 4.504 tỷ đồng so với 10 năm trước.
Với phương châm “Trung ương và địa phương cùng làm” “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”, UBND từ tỉnh đến huyện đều ưu tiên dành nguồn vốn ngân sách ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn mở rộng cho vay, phối hợp với nguồn vốn Trung ương cấp.
Điểm giao dịch NHCSXH. |
Bên cạnh đó, NHCSXH tỉnh đã tập trung khai thác nguồn vốn từ thị trường với những giải pháp sáng tạo, phù hợp tạo nguồn lực để từng bước mở rộng đối tượng, nâng mức cho vay, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Đến nay, tín dụng chính sách đã giúp cho 532.257 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; giúp cho 55.555 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; giúp cho 15.357 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện đi học; tạo điều kiện cho 53.968 lao động vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, tăng thu nhập; xây dựng 242.017 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt chuẩn quốc gia; hỗ trợ xây dựng 3.022 căn nhà cho hộ nghèo và người dân tộc thiểu số...
Các chương trình tín dụng chính sách xã hội tại NHCSXH được triển khai kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng, có hiệu quả, góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Nguồn vốn chính sách hỗ trợ thiết thực, giúp dân bản xóa đói, giảm nghèo
Cán bộ tín dụng NHCSXH thăm hộ vay vốn hiệu quả. |
Trước kia, gia đình ông Nguyễn Văn Bích (thôn 2 xã Hòa Phú, huyện Chư Páh) là một trong những hộ nghèo của xã, gia đình ông Bích có 6 nhân khẩu sống trong căn nhà tạm bợ “mưa tạt, gió lùa”, không có vốn liếng lại không có đất sản xuất nên cái nghèo cứ đeo bám mãi. Đến năm 2018, ông Bích được chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng căn nhà kiên cố và vay 50 đồng từ NHCSXH. Từ đó, ông Bích đầu tư trồng 2 sào cà phê, chăn nuôi thêm vài chục con gà. Năm 2021, có kinh tế ổn định ông Bích đã tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo để nhường sự hỗ trợ của Nhà nước cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn hơn.
Tương tự, với nguồn vốn vay ban đầu 50 triệu đồng để nuôi bò sinh sản, đến nay gia đình ông Đinh Im (xã Ia Ka) đã có 4 con bò và 3 sào cà phê giống mới. Năm ngoái, gia đình ông Im đã ra khỏi hộ nghèo.
Nhiều mô hình phát triển kinh tế của người dân nhờ nguồn vốn tín dụng. |
Đánh giá về hiệu quả và ảnh hưởng từ nguồn vốn tín dụng chính sách, Phó Bí thư tỉnh ủy Gia Lai - ông Rah Lan Chung cho biết: Việc đưa chỉ thị 40 của Đảng vào cuộc sống được xem là khâu đột phá trong chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Do vậy, nguồn vốn chính sách ở tỉnh cao nguyên biên giới không những tăng trưởng nhanh, mà còn tạo ra hiệu ứng thiết thực, giúp người dân vươn lên phát triển sản xuất, nâng cao cuộc sống.
Cuộc hành trình của tín dụng chính sách vì an sinh xã hội ở tỉnh Gia Lai đã bước sang năm thứ 22, đạt kết quả đáng mừng, trong đó đáng ghi nhận phần góp sức, đồng lòng của NHCSXH. Các vùng sâu, vùng biên giới, ngày càng tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời thêm mến yêu đội ngũ cán bộ tín dụng chính sách NHCSXH tỉnh Gia Lai tiếp tục thực hiện sâu rộng Chỉ thị 40 và Kết luận 06 của Đảng, tập trung huy động mọi nguồn lực, kịp thời chuyển tải mọi nguồn vốn đến đúng đối tượng, địa chỉ thụ hưởng, phấn đấu đầu tư có hiệu quả khắp vùng đất phía bắc Tây Nguyên thêm no đủ, sáng ngời.