Bạc Liêu trở thành điểm sáng giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới nhờ nguồn vốn tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việc sử dụng nguồn vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã góp phần quan trọng thiết thực giúp tỉnh Bạc Liêu trở thành điểm sáng khu vực ĐBSCL về giảm nghèo bền vững, giúp bà con giải quyết việc làm, đầu tư phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới.
Vốn tín dụng ưu đãi đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách thay đổi nếp nghĩ, cách làm, biết phát huy nội lực tự vươn lên trong sản xuất, thoát nghèo bền vững.
Vốn tín dụng ưu đãi đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách thay đổi nếp nghĩ, cách làm, biết phát huy nội lực tự vươn lên trong sản xuất, thoát nghèo bền vững.

Điểm tựa cho người dân xóa nghèo

Về Bạc Liêu những ngày này, điều dễ nhận thấy cả tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới 67/67 ấp được công nhận là ấp nông thôn mới kiểu mẫu. Cùng với đó, kinh tế nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, theo hướng ứng dụng công nghệ cao; đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và bền vững, chỉ còn 3.886 hộ, (chiếm 1,7%).

Thành tựu đó không những góp thêm gam màu sáng cho bức tranh toàn cảnh của công cuộc đổi mới trên vùng đất nằm ở miền Tây Nam Bộ, mà đã ghi nhận sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị, cùng các ban ngành, cơ quan, các tầng lớp nhân dân thông qua việc thực hiện mới chủ trương, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, trong đó kể đến Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”.

Người dân tăng năng suất lao động, mở rộng sản xuất nhờ nguồn vốn tín dụng.

Người dân tăng năng suất lao động, mở rộng sản xuất nhờ nguồn vốn tín dụng.

Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, tỉnh Bạc Liêu đã tạo được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị trong huy động mọi nguồn lực, tập trung các nguồn vốn để giúp dân giảm nghèo, cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế xã hội thực hiện giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Cụ thể tỉnh ủy, UBND đã ban hành các văn bản, kế hoạch về việc triển khai thực hiện Chỉ thị đến Sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND cấp huyện. Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy trực thuộc căn cứ tình hình cụ thể của địa phương đã đề ra chương trình hành động thực hiện Chỉ thị.

Đặc biệt, giữa thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, tỉnh ủy còn có công văn chỉ đạo các tổ chức Đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các hội đoàn thể các cấp trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền sâu rộng chỉ thị, trong đó nhấn mạnh đến nhiệm vụ trọng tâm là ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH), để bổ sung nguồn vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn kịp thời phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Đầm tôm ở Bạc Liêu phát triển nhờ nguồn vốn tín dụng.

Đầm tôm ở Bạc Liêu phát triển nhờ nguồn vốn tín dụng.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Bạc Liêu, ông Trần Quang Sơn cho biết, việc lãnh đạo, chỉ đạo và quan tâm của địa phương đã góp phần tiếp thêm sức mạnh, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của nguồn vốn tín dụng chính sách trên toàn địa bàn.

Tính đến 30/4/2024 số vốn ngân sách từ UBND tỉnh cùng 7 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc đã chuyển sang NHCSXH là 222 tỷ đồng, tăng 209 tỷ đồng so với trước khi thực hiện Chỉ thị 40; góp lực nâng tổng nguồn vốn tín dụng chính sách toàn tỉnh đạt 3.133 tỷ đồng, tạo đà cho NHCSXH Bạc Liêu đạt tỷ lệ tăng 144%, hỗ trợ kịp thời gần 570 nghìn lượt hộ vay vốn với tổng số tiền trên 8.695 tỷ đồng.

Sử dụng hiệu quả nguồn vốn

Cùng với việc tập trung huy động các nguồn lực là sự phối hợp giữa các ngành, các tổ chức chính trị xã hội với NHCSXH trong suốt quá trình quản lý, sử dụng và nâng cao chất lượng vốn tín dụng chính sách được chặt chẽ, nhịp nhàng hơn kể từ khi thực hiện Chỉ thị.

Vào thời điểm toàn tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị 40 của Đảng, NHCSXH Bạc Liêu đã xây dựng đề án tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng. Được biết quá trình thực hiện Đề án đích thân Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban đại diện NHCSXH Bạc Liêu, ông Phạm Văn Thiều, đã chỉ đạo thường xuyên sát sao.

Theo đó, nhiều cán bộ điều hành, tác nghiệp về tín dụng chính sách có năng lực tốt, nhiệt huyết cao từ nhiều vùng miền được tăng cường, luân chuyển đến tham gia trực tiếp thực hiện Đề án. Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn cũng được bổ sung vào Ban Đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện.

Nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo nhờ vay vốn tín dụng chính sách.

Nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo nhờ vay vốn tín dụng chính sách.

Song song việc đổi mới quy trình, thủ tục cấp tín dụng trực tiếp, thuận tiện, thu nợ, thu lãi tại nhà, NHCSXH đẩy mạnh phương thức cho vay ủy thác thông qua 4 tổ chức hội: nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên, để chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng với chất lượng tốt, đồng thời chú trọng khâu củng cố, sắp xếp mạng lưới Tổ tiết kiệm vay vốn theo hướng liền canh, liền cư, đảm bảo 3 tiêu chí: đủ số thành viên, đủ vốn hoạt động, đủ tổ trưởng có trình độ quản lý kinh tế, quản lý tín dụng…

Nhờ đó, nguồn vốn tín dụng chính sách ở tỉnh Bạc Liêu đã tăng trưởng nhanh, số nợ quá hạn, lãi tồn đọng mới giảm và trong tầm kiểm soát được và hơn thế số người nghèo và các đối tượng chính sách đã có cơ hội tiếp cận đầy đủ các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40 ở tỉnh Bạc Liêu, đồng vốn của NHCSXH đã đầu tư đúng đối tượng, có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vay vốn để người dân đầu tư phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Dòng vốn chính sách được khơi thông, chảy đều đặn, phủ khắp làng quê vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long; giúp cho 94.062 vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho 108.265 lao động; xây dựng 110.199 công trình nước sạch và nhà vệ sinh ở khu vực nông thôn; hỗ trợ 25.882 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học…

Mô hình trồng rau màu của đồng bào dân tộc Khmer tại thành phố Bạc Liêu.

Mô hình trồng rau màu của đồng bào dân tộc Khmer tại thành phố Bạc Liêu.

Nhiều mô hình làm ăn hiệu quả như: Mô hình Nuôi tôm càng xanh tại huyện Phước Long; Mô hình trồng màu (hẹ bông, quế giống...), trồng lúa luân canh hoa màu tại huyện Hòa Bình; mô hình “Lúa-Tôm”tại thị xã Giá Rai; Mô hình nuôi cá chạch lấu, nuôi cua biển huyện Đông Hải; mô hình nuôi vịt trên ruộng lúa kết hợp thả cá đồng, nuôi cá lóc mùng tại huyện Hồng Dân; mô hình lúa 3 vụ, mô hình cánh đồng lớn tại huyện Vĩnh Lợi; mô hình trồng màu của đồng bào dân tộc Khmer tại thành phố Bạc Liêu; mô hình nuôi lươn tuần hoàn, nuôi lươn không bùn, nuôi cua đinh…

Có thể khẳng định, Chỉ thị 40 của Ban Bí Thư đã thực sự đi vào cuộc sống ở tỉnh Bạc Liêu, tạo sự chuyển biến lớn về nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ và nhân dân về tính dụng chính sách. Vốn tín dụng ưu đãi đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách thay đổi nếp nghĩ, cách làm, biết phát huy nội lực tự vươn lên trong sản xuất để tăng thu nhập, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Nguồn vốn trên cũng góp phần thực hiện phong trào sử dụng nông thôn mới; gắn kết người nghèo, gắn kết cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, an toàn trật tự xã hội.

Đọc thêm