Người dân học tiếng Anh để thu hút du khách quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Du khách quốc tế đến Việt Nam thường gặp phải rào cản ngôn ngữ khi họ không biết tiếng Việt và khả năng giao tiếp tiếng Anh của người dân còn nhiều hạn chế. Nhận thức được tầm quan trọng của tiếng Anh, một số thành phố du lịch, khu du lịch cộng đồng ở nước ta đã chú trọng cải thiện tiếng Anh cho người bản xứ để thu hút du khách nước ngoài.
Người dân biết tiếng Anh là lợi thế hút du khách quốc tế đến địa phương. (Ảnh minh họa)
Người dân biết tiếng Anh là lợi thế hút du khách quốc tế đến địa phương. (Ảnh minh họa)

Sáng kiến từ tỉnh Khánh Hòa

Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa và Tập đoàn Vingroup đã phối hợp tổ chức Lễ khởi động Dự án “Người dân Khánh Hòa nói tiếng Anh” cho học sinh, sinh viên và người dân trên địa bàn tỉnh. Dự án kéo dài 5 năm do UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì, giao cho Tỉnh đoàn Khánh Hòa là cơ quan thường trực, thành lập Ban Chỉ đạo. Tập đoàn Vingroup là đơn vị tài trợ kinh phí và kết nối triển khai, đồng thời còn tư vấn chuyên môn, hỗ trợ giáo trình, vận hành và tài chính cho dự án.

Ông Đinh Văn Thiệu, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chương trình “Người dân Khánh Hòa nói tiếng Anh” cho biết: “Trong 05 tháng vừa qua, Ban Chỉ đạo chương trình đã phối hợp chặt chẽ và hiệu quả với Ban Quản lý dự án, Trường Đại học VinUni (thuộc Tập đoàn Vingroup) triển khai tuyên truyền rộng rãi về ý nghĩa, tính nhân văn của Dự án đến đoàn viên, thanh thiếu nhi, thành lập các Câu lạc bộ tiếng Anh để đảm bảo chương trình “Người dân Khánh Hòa nói tiếng Anh” được triển khai từ cấp tỉnh đến cấp thôn, tổ dân phố và vận động các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia chương trình”.

Chương trình bước đầu được thí điểm tại thành phố Nha Trang và huyện Cam Lâm dành cho 5 nhóm đối tượng chính: Học sinh - Sinh viên - Cán bộ công nhân viên chức - Tiểu thương, người lao động - Doanh nghiệp; sau đó sẽ mở rộng ra quy mô toàn tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.

Dự án lấy người dân làm trọng tâm, tập trung vào kỹ năng nói và thực hiện chủ yếu bằng lực lượng tình nguyện viên, bên cạnh lực lượng giảng viên, giáo viên tiếng Anh. Trong năm đầu tiên, chương trình đặt mục tiêu giúp 50.000 người dân tiếp cận và sử dụng ứng dụng điện thoại (Mobile app) học tiếng Anh, được xây dựng riêng cho dự án. Đồng thời, tuyển 500 tình nguyện viên tham gia giảng dạy và sinh hoạt tại 150 Câu lạc bộ (CLB) tiếng Anh được thành lập mới trong các môi trường cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường và cộng đồng. Sau lễ phát động, các CLB tiếng Anh sẽ chính thức đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, hàng loạt sự kiện sẽ được triển khai bao gồm: Phong trào 1 tuần 10 phút nói tiếng Anh nơi làm việc; 1 tháng 1 ngày toàn Khánh Hòa nói tiếng Anh tại các tụ điểm công cộng lớn; Định kỳ hàng tháng, quý, dự án sẽ tổ chức các sự kiện nói tiếng Anh, các cuộc thi hát, viết rap, làm viral Tiktok bằng tiếng Anh cũng như Gameshow, Đấu trường 1000… nhằm tạo cảm hứng và phong cách tươi mới cho phong trào học tiếng Anh của người dân Khánh Hòa.

Chương trình thúc đẩy việc đưa tiếng Anh đi vào cuộc sống, giúp người dân địa phương giao tiếp tiếng Anh cơ bản. Mục tiêu hướng tới là đại bộ phận người dân Khánh Hòa có thể tự tin giao tiếp với các du khách nước ngoài, chủ động tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa và thương mại. Cụ thể, dự kiến tới năm 2030 dự án sẽ thành lập được 500 CLB tiếng Anh trên toàn tỉnh.

Bà Lê Mai Lan, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học VinUni chia sẻ: “Phổ cập tiếng Anh sẽ thúc đẩy mạnh mẽ ngành công nghiệp không khói, góp phần củng cố thương hiệu và nâng hạng cạnh tranh của tỉnh Khánh Hòa. Người dân nói được tiếng Anh, dù chỉ ở mức độ đơn giản nhất cũng giúp họ tự tin hơn, thân thiện hơn khi tiếp xúc với người nước ngoài, góp phần quan trọng mang lại hình ảnh về một đất nước Việt Nam cởi mở, thanh bình, mến khách”.

Dự án được kỳ vọng tạo ra tác động sâu rộng đối với kinh tế xã hội và cuộc sống của người dân tỉnh Khánh Hòa, góp phần đưa Khánh Hòa đón đầu thị trường đầu tư – du lịch thế giới và trở thành một thành phố quốc tế trong tương lai. Trong bối cảnh ngành du lịch nước nhà thúc đẩy thu hút du khách quốc tế trong năm 2023, việc người dân có thể giao tiếp tiếng Anh sẽ là một lợi thế quan trọng và cũng là động lực thúc đẩy du khách đến Việt Nam hơn.

Muốn làm du lịch quốc tế, nên biết ngoại ngữ

Năm 2023, ngành Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế. Trong những thị trường du khách mục tiêu, khách du lịch đến từ châu Âu, châu Mỹ và một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á nói riêng, châu Á nói chung chiếm chủ yếu. Theo nhiều khảo sát, bên cạnh những thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, du khách thường lựa chọn tới các thành phố du lịch biển như Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc,…; hay những điểm du lịch cộng đồng trên núi cao như Hà Giang, Lạng Sơn, Bạc Liêu… Tuy nhiên, bởi hạn chế về khả năng giao tiếp tiếng Anh của người dân, nhiều điểm đến vẫn chưa thể tiếp cận là thu hút đông đảo du khách nước ngoài, đặc biệt là khách Âu – Mỹ.

Nhìn từ bài học trong khu vực, quốc đảo Singapore đã dành ra vài chục năm phổ biến tiếng Anh cho người bản xứ. Sau đó ngành du lịch của đất nước này đã phát triển vượt bậc, trở thành một trong những địa điểm thu hút khách du lịch hàng đầu Đông Nam Á. Có thể thấy, việc tạo một môi trường học tập Anh ngữ cho người dân được xem là chiếc “chìa khóa vàng” mở ra tương lai của những thành phố du lịch năng động và hội nhập.

Một ví dụ khách tại Việt Nam có thể kể tới thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam), hầu như mọi người đều biết đôi chút về ngoại ngữ, từ trẻ em đến người già, dù phần lớn là “học bồi” nhưng họ vẫn rất chủ động, hào hứng giao tiếp với du khách nước ngoài.

Bên cạnh đó, nhiều điểm du lịch homestay trên cả nước cũng ngày càng chú trọng đến việc nâng cao ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh, cho người dân bản địa để có thể giao tiếp cơ bản với khách du lịch nước ngoài. Đơn cử, bản Đá Bia, một trong những bản mới có hoạt động du lịch cộng đồng trên khu vực hồ Hòa Bình. Cách đây vài năm, Dự án du lịch cộng đồng Đà Bắc đã tổ chức các lớp đào tạo tiếng Anh cho các hộ dân làm du lịch. Đến nay, những người làm homestay trong bản đã có ý thức học ngoại ngữ, không chỉ xuất phát từ thực tế muốn giao tiếp mà còn để cung cấp sản phẩm du lịch tốt hơn.

Đọc thêm