Người dân miền núi Quảng Ngãi và nỗi lo sạt lở khi mưa lũ về

(PLVN) - Cứ vào mùa mưa bão người dân ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi lại canh cánh nỗi lo sạt lở đất, lũ quét có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chứng kiến sức tàn phá của cơn bão số 3 và 4 vừa qua, nỗi lo ấy càng thêm chất chứa…

Quá khứ kinh hoàng và nỗi lo hiện tại

Quay ngược thời gian, hôm 27/10/2020, trận sạt lở đất kinh hoàng đã vùi lấp cả làng Mang Rin (thôn Mang He, xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây). Rất may, đêm trước ngày xảy ra sạt lở núi, anh Đinh Văn Trúc (cán bộ văn phòng UBND xã Sơn Bua) đã ở lại và vận động dân làng di dời đến Trường mầm non Tu Kpan gần đó, tránh được một thảm kịch…

Đến nay, anh Trúc vẫn nhớ như in cái ngày 27/10/2020 ấy. Anh kể, sáng hôm đó, mưa trút xuống xối xả, nước từ thượng nguồn đổ về nhanh chóng bao vây nhiều khu vực, trong đó có trường mầm non Tu Kpan. Thấy không an toàn, anh Trúc dẫn theo 15 hộ với 40 nhân khẩu đến ngọn núi phía đông của ngôi làng.

Trận sạt lở núi kinh hoàng đã vùi lấp làng Mang Hin. (Ảnh chụp năm 2020)

“Y rằng, vừa tới nơi thì ngọn ngọn núi phía tây hướng về làng Mang Rin bỗng chốc đổ ầm xuống, cả làng bị cuốn trôi trong phút chốc. Thật may mắn, tất cả mọi người đã sơ tán chứ không thì…”, anh Trúc nhớ lại.

Thật vậy, quyết định di dời dân làng của anh Trúc đã kịp thời cứu sống tất cả các hộ dân làng Mang Rin. Sau vụ sạt lở ấy, người dân được đến nơi ở mới và được bố trí tái định cư. Ngôi làng Mang Rin cũ giờ đây chỉ còn cây cỏ mọc lên, không còn ai đến hay canh tác đề phòng sạt lở núi có thể xảy ra lần nữa. Chính quyền xã Sơn Bua cũng cắm biển cảnh báo sạt lở nguy hiểm tại đây.

Ông Cao Văn Chung - Chủ tịch UBND xã Sơn Bua cho biết, ngoài điểm làng Mang Rin cũ, hiện các ngọn núi quanh khu dân cư Nước Toa (thôn Mang Tà Bể) cũng nằm trong diện nguy cơ sạt lở cao của địa phương trong mùa mưa lũ năm nay. Đáng lo hơn là những ngọn núi này cao 300 - 500m và đã từng xảy ra sạt lở vào năm 2019 và năm 2006.

Người dân làng Mang Hin xây nhà trên khu tái định cư, sau khi sạt lở núi vùi lấp cả làng.

Theo ông Chung, khu vực trên có khoảng 58 hộ dân sinh sống, trong đó 25 hộ nguy cơ cao. Mỗi lần có thông tin mưa bão, địa phương đều di dời các hộ này đến nơi tránh trú an toàn.

Thôn Ra Pân (xã Sơn Long, huyện Sơn Tây) cũng từng xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng vào tháng 11/2020 khiến hàng chục hộ dân phải tháo chạy lánh nạn. Ký ức về trận sạt lở đó vẫn ám ảnh người dân và chính quyền địa phương nơi đây.

Theo ông Đỗ Thanh Vượt - Chủ tịch UBND xã Sơn Long, hiện có 35 hộ dân vùng núi lở thôn Ra Pân đã có cuộc sống ổn định ở khu tái định cư. Đây là nơi có độ an toàn cao nên bà con rất yên tâm. Tuy nhiên, trên địa bàn xã vẫn còn 3 điểm có nguy cơ sạt lở ở các thôn Mang Hin và Tà Vây, ảnh hưởng trực tiếp 11 hộ dân.

Di dời, sơ tán dân và dự trữ nhu yếu phẩm

Tuyến đường gần nhất vào thôn Tre (xã Trà Tây, huyện Trà Bồng) là từ tỉnh lộ ĐT.622 đi theo đường đất dài khoảng 3 km. Tiếp tục đi thêm 14km nữa sẽ đến các tổ trong thôn. Cuối năm 2023, sau những ngày mưa lũ, tuyến đường đất này bị sạt lở nghiêm trọng, tạo thành hố sâu gây nguy hiểm cho người dân khi đi lại.

Đường vào thôn Tre thường bị chia cắt vào mùa mưa lũ.

Anh Hồ Văn Bình (trú thôn Tre) cho biết, đường dẫn vào làng là đường đất nên mùa mưa đi lại rất khó khăn, hay bị chia cắt khiến nhiều tổ trong thôn bị cô lập. Sau mưa lũ, đất đá trồi lên, đi rất dễ bị trượt ngã, nguy hiểm. Lúc này, đường hình thành rãnh lớn, khoét sâu, các xe tải chở keo không thể lưu thông vào thôn được. Xe máy cũng vật vã giữa những rãnh đường lởm chởm đất đá mới vào đến làng. Đáng ngại hơn là mưa, lũ gây sạt lở núi, người dân sống ở bên sườn, đồi rất lo sợ.

“220 hộ dân với 900 nhân khẩu của thôn Tre đi lại chỉ có đường đất băng qua rừng để về nhà. Chuyện này đã kéo dài hơn chục năm qua, đời sống người dân còn gặp muôn vàn khó khăn trong khi sạt lở thì luôn rình rập”, ông Bình nói.

Ông Hồ Văn Long - Chủ tịch UBND xã Trà Tây cho biết, trước tình hình mưa, lũ sắp đến địa phương đã lên phương án tập trung di dời các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở núi, lũ quét đến tại nhà văn hóa thôn, trường học trên địa bàn.

Tuyến đường liên thôn ở huyện Sơn Tây bị sạt lở nghiêm trọng vào năm 2023.

“Hiện trên địa bàn xã có 3 điểm nguy cơ sạt lở vào mùa mưa, gồm: Tổ 3 (thôn Tây), tổ 7,8 (thôn Vàng) và thôn Bắc Dương với khoảng 70 hộ dân sinh sống. Vào mùa mưa bão, các tổ phòng, chống thiên tai ở các thôn được thành lập nhằm trao đổi thông tin nhanh nhất để địa phương có phương án xử lý. Riêng thôn Tre, địa phương đã vận động người dân dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm cho mùa mưa sắp đến. Vì vào mùa mưa tuyến đường này sẽ bị sạt lở gây cô lập”, ông Long chia sẻ.

Theo ông Đinh Trường Giang - Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, sau cơn bão số 3 gây thiệt hại cho các tỉnh phía bắc của nước ta, huyện đã cho rà soát tất cả các điểm sạt lở theo phương án huyện kiểm tra xã, xã kiểm tra thôn, rà soát điểm sạt lở cũ, điểm nguy cơ mới và điểm nghi ngờ nguy cơ sạt lở. Qua đó, phân công bố trí lực lượng túc trực, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, đặc biệt tích trữ lương thực, nhu yếu phẩm, chọn địa điểm như trường học có nhà bán trú, nhà ở kiên cố để thực hiện di dời, xen ghép.

“Sau khi rà soát, toàn huyện có 6 điểm nguy cơ sạt lở ở cấp độ 1 với 53 hộ/189 khẩu; có 32 điểm nguy cơ sạt lở cấp độ 2 với 233 hộ/896 khẩu và 2 điểm có nguy cơ sạt lở cấp độ 3 với 28 hộ/105 khẩu”, ông Giang thông tin.

Miền núi Quảng Ngãi có nhiều điểm nguy cơ cao xảy ra sạt lở.

Theo khảo sát, tỉnh Quảng Ngãi có 137 điểm có nguy cơ cao sạt lở núi, lũ quét và 157 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài hơn 217.200 m. Nhiều điểm có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản và hạ tầng thiết yếu của người dân. Riêng địa bàn 5 huyện miền núi của tỉnh có hơn 1.800 hộ với trên 7.300 nhân khẩu đang sinh sống ở vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.

Để chủ động ứng phó với mùa mưa bão sắp tới, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang yêu cầu các địa phương rà soát, thống kê đầy đủ, cụ thể từng điểm có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét và các vị trí đứt gãy địa chất trên địa bàn… để chủ động ứng phó khi có mưa, lũ xảy ra.

Đặc biệt chú trọng kiểm tra, rà soát các khu dân cư, nhà dân, trụ sở cơ quan, đơn vị trên địa bàn (nhất là tại các khu vực miền núi) nằm trong vùng có nguy cơ cao sạt lở, lũ quét, phải có phương án đối phó sớm, cụ thể để đảm bảo an toàn cho người dân; chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, kịp thời di dời, sơ tán người dân trong khu vực đến nơi an toàn.

Đọc thêm