Người dân phấn khởi, vui mừng
Hà Nội trở thành địa phương thứ 3 sau Phú Thọ, Bắc Ninh thí điểm lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân và sẽ là địa phương đầu tiên triển khai diện rộng trên toàn thành phố. Ban đầu, Sở Y tế tổ chức triển khai điểm tại 10 xã, phường, thị trấn bao gồm: phường Phúc Đồng, Phúc Lợi (quận Long Biên); phường Ngọc Hà, Phúc Xá (quận Ba Đình); phường Tây Mỗ, Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm); xã Phù Linh, thị trấn Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn); xã cổ Bi, Kim Lan (huyện Gia Lâm). Với 10 đoàn khám, mỗi đoàn có 25 cán bộ, nhân viên thực hiện khám kiểm tra sức khỏe toàn diện cho người dân ở các chuyên khoa nội, ngoại, sản, răng hàm mặt, tai mũi họng, mắt, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, đồng thời nhập dữ liệu kết quả khám vào phần mềm quản lý sức khỏe. Theo thống kê từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, sau 5 ngày thí điểm tổ chức khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho người dân tại 10 xã, phường của 5 quận, huyện, đã có 15.633 người dân được khám và lập hồ sơ quản lý sức khỏe.
Với mô hình này, trạm y tế xã sẽ thực hiện việc tầm soát sức khỏe cho người dân trong diện quản lý sức khỏe theo hồ sơ sức khỏe cá nhân. Người dân được khám sức khỏe tổng thể, tất cả dữ liệu nhập vào hệ thống trên mạng tạo một hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử. Mục tiêu nhằm thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, tư vấn, chuyển tuyến. Nhờ hồ sơ sức khỏe cá nhân, mỗi người dân có thể tự biết tình trạng sức khỏe của mình thông qua hệ thống quản lý sức khỏe toàn dân, qua mã định danh (ID) và các thông tin bảo mật khác như điện thoại, số CMND, mã vạch... Các cơ sở khám chữa bệnh có thể lấy thông tin hành chính, lịch sử bệnh, yếu tố nguy cơ, vùng dịch để tham khảo cho công tác khám chữa bệnh..., giúp tiết kiệm thời gian, thống nhất, khoa học và chính xác. Hệ thống này cũng cảnh báo về thông tin y tế quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, quản lý, theo dõi thường xuyên, kịp thời các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với cộng đồng.
Mỗi người dân đều mong muốn được khám, kiểm tra, tư vấn, chăm sóc sức khỏe ngay từ đầu, nhất là những người nghèo, người chưa được khám bao giờ. Anh Nguyễn Đức Toàn, (một trong những người dân được tham gia khám sức khỏe đầu tiên tại Hà Nội) cho biết: “Trước đây, chỉ cán bộ các cấp, người giàu, cán bộ, nhân viên của một số doanh nghiệp, cơ quan mới có chế độ kiểm tra sức khỏe định kỳ, còn nông dân, đặc biệt nông dân vùng sâu, vùng xa hầu như không bao giờ được kiểm tra, thường khi đi khám là lúc bệnh đã nặng rồi. Giờ đây, những người lao động tự do, ít có điều kiện khám sức khỏe như chúng tôi cũng đã được khám sức khỏe định kỳ. Chưa bao giờ nghĩ sẽ có ngày nông dân cũng được quản lý hồ sơ sức khỏe như đội ngũ cán bộ. Niềm vui lớn quá, kể sao hết được thành lời”.
Còn tại xã Cổ Bi (Gia Lâm, Hà Nội), nhiều người dân bày tỏ, đây là lần đầu tiên họ biết đến hồ sơ sức khỏe nhưng rất phấn khởi khi mô hình này được triển khai. Không ít những bà bầu vui mừng, hồ hởi vì hồ sơ sức khỏe của những em bé sẽ được cập nhật, quản lý ngay từ khi bé còn nằm trong bụng mẹ cho đến suốt đời. Cùng chung tâm trạng phấn khởi nhưng đâu đó vẫn có nhiều người còn mang chung tâm trạng lo lắng liệu trang thiết bị y tế cũng như công nghệ điện tử tại địa phương có đủ để đáp ứng nhu cầu thực tiễn hay không?
Sẽ thực hiện đồng loạt để người dân cùng được hưởng lợi
Có thể thấy, thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt được một số thành tựu quan trọng, tuy nhiên, công tác này còn phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Mô hình bệnh tật kép, bệnh không lây nhiễm và tai nạn, thương tích tăng nhanh, tỉ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm vẫn ở mức cao. Sự gia tăng các yếu tố nguy cơ đòi hỏi hệ thống y tế phải có những thay đổi phù hợp cả về tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ và khả năng cung ứng các dịch vụ. Trong khi đó, cơ chế tài chính y tế chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội, chi tại y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu còn thấp... Do đó việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân bảo đảm mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe duy nhất và thống nhất lưu trữ trong hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử quốc gia, mang lại nhiều lợi ích.
Như vậy, với hồ sơ sức khỏe cá nhân, hầu hết các bệnh thông thường sẽ được phát hiện sớm và giải quyết sớm ngay tại tuyến khám chữa bệnh ban đầu, hạn chế biến chứng và diễn biến bệnh tật nặng, giúp giảm quá tải bệnh viện, giảm áp lực đối với ngành y tế. Mặt khác, khi thông tin về sức khỏe của người bệnh thông suốt các tuyến, giúp việc chẩn đoán chính xác, phối hợp điều trị thống nhất, hiệu quả điều trị sẽ cao hơn. “Tại Việt Nam có đến 70% người bệnh ung thư đến bệnh viện khi bệnh đã nặng, giai đoạn muộn... Việc sàng lọc, phát hiện bệnh, quản lý sức khỏe từ sớm thông qua quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ giúp phát hiện bệnh sớm, chất lượng điều trị sẽ tăng và chất lượng sống của người dân cũng tăng lên” – PGS, TS Lương Ngọc Khuê (Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh) kỳ vọng.
Trả lời lo lắng của người dân rằng liệu trang thiết bị y tế cũng như công nghệ điện tử tại địa phương có đủ để đáp ứng nhu cầu thực tiễn hay không, được biết để phục vụ khám, lập hồ sơ cho 10 xã phường, 5 quận huyện đã phải huy động bác sĩ tại các bệnh viện đa khoa trên địa bàn để hỗ trợ khám, nhưng để triển khai đồng loạt, sẽ gặp khó khăn về vấn đề nhân lực.
Hơn nữa, Bộ Y tế chưa xây dựng hồ sơ quản lý sức khỏe chuẩn hoặc các chỉ số cơ bản cần có. Đặc biệt, thanh toán bảo hiểm y tế đối với mỗi gói khám sức khỏe là bao nhiêu vẫn chưa được phê duyệt. Đồng thời nhiều người dân vẫn chưa hiểu về việc khám, lập hồ sơ sức khỏe bởi vậy nhiều người còn chưa đi khám. Dù còn một số khó khăn nhưng hầu hết các quận, huyện trên địa bàn thành phố phấn đấu dự kiến đến cuối tháng 9 năm nay, hơn 7 triệu người dân trên địa bàn sẽ được lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử.