Người dân ở cơ sở không dễ để tiếp cận pháp luật đầy đủ

(PLO) - Đa số người dân đã nhận thức được vai trò của pháp luật, hình thành thói quen xử lý các công việc hành chính và tranh chấp dân sự tại cơ quan nhà nước. Song, không có nghĩa là việc tiếp cận pháp luật của người dân ở cơ sở đã đáp ứng yêu cầu.

lThi tìm hiểu pháp luật cũng là dịp tốt để người dân tiếp cận pháp luật.
lThi tìm hiểu pháp luật cũng là dịp tốt để người dân tiếp cận pháp luật.
Dân thiếu chủ động, chính quyền lơ là
Đánh giá thực trạng tiếp cận pháp luật (TCPL) ở địa phương, Sở Tư pháp  Điện Biên, Thái Bình cùng phản ánh, do điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực nên có lúc, có nơi những quy trình giúp cho người dân tại cơ sở thuận lợi trong việc TCPL như quy trình niêm yết công khai các thủ tục hành chính; thông báo rộng rãi về các chủ trương, chính sách quản lý, điều hành của địa phương có liên quan tới quyền lợi của người dân; lấy ý kiến của nhân dân trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật... còn chưa được thực hiện đúng, đủ.
Mặt khác, các nguồn lực đầu tư cho việc đảm bảo TCPL của nhân dân tại cơ sở chưa được quan tâm thực hiện như hệ thống bảng thông tin, các phương tiện truyền thanh tại cơ sở, các điểm truy cập internet, tủ sách pháp luật tại các cơ quan, trường học. Tương tự ở Thái Bình, một số Điểm Bưu điện văn hóa xã, phường, thị trấn gần như không hoạt động, không có thư viện xã, phường và không có địa điểm thuận lợi để phục vụ người dân tra cứu cơ sở dữ liệu về pháp luật qua máy vi tính.
Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã còn thấp, khả năng hướng dẫn người dân thực hiện pháp luật và tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật còn hạn chế. Trong khi đó, dù nhu cầu về tiếp cận thông tin nói chung và TCPL nói riêng của người dân ngày càng cao nhưng người dân chưa có ý thức chủ động tìm hiểu pháp luật; khả năng TCPL còn nhiều hạn chế, nhất là đối với các khu vực vùng sâu, vùng cao, biên giới, nơi đời sống thường ngày của người dân còn bị chi phối bởi nhiều phong tục tập quán nên vẫn còn tư tưởng chưa vận dụng pháp luật vào việc xử lý các mối quan hệ hành chính, dân sự trong đời sống thường ngày. 
Khiếu kiện nhiều vì thiếu hiểu biết pháp luật
Thực trạng này được nhiều địa phương phản ánh để khẳng định thêm vai trò của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong cuộc sống. Tuy nhiên, đáng lưu ý là không phải ở đâu, công tác này cũng phát huy được hiệu quả. Như bà Ngô Thị Thu Hà, Trung tâm Hỗ trợ kỹ năng cho phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, mục đích của hoạt động tuyên truyền pháp luật là tạo điều kiện cho người dân TCPL và quan trọng là cả người dân và cán bộ đều áp dụng được pháp luật, song “nhiều người dân phản ánh không hiểu những gì cán bộ phổ biến”.
Hậu quả là nhiều văn bản pháp luật vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống nên khiếu kiện vẫn nhiều. Chỉ vì không hiểu biết pháp luật mà phát sinh nhiều tranh chấp trong cộng đồng, thậm chí biến tranh chấp dân sự thành hình sự. 
Cũng đánh giá về vai trò công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đối với quyền TCPL của người dân, bà Hà Thị Thanh Vân – Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh: “Người dân TCPL tốt thì khiếu kiện, bạo lực gia đình, tranh chấp nhỏ giảm. Nhưng văn bản pháp luật muốn đi vào cuộc sống cần hình thành ý thức, tình cảm pháp luật và hành vi của người dân, nên tuyên truyền pháp luật chỉ là một công cụ”.
Còn với ông Ngô Văn Hà – Phó phòng Tư pháp huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, ban hành nhiều luật mà cán bộ không thực hiện được đầy đủ thì dân cũng không thể biết. Nên quan tâm đến cơ chế, chính sách để cán bộ, người dân có thể TCPL đầy đủ là rất quan trọng để pháp luật không xa lạ trong đời sống.
“Thúc đẩy TCPL của người dân cần có cách thức cung cấp thông tin đảm bảo tính minh bạch, cung ứng dịch vụ công tốt hơn ở cấp chính quyền cơ sở chứ không chỉ phụ thuộc vào lượng thông tin được cung cấp” là quan điểm của đại diện Viện Nghiên cứu phát triển thực hành pháp luật.
Cùng với đó, phải hạn chế chủ thể ban hành văn bản pháp luật để giảm số lượng văn bản qui phạm pháp luật ở cấp địa phương, giảm mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật. 
Trong tiến trình bảo đảm TCPL của người dân, nhiều chuyên gia nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kiên quyết loại bỏ những thủ tục gây phiền hà cho người dân, công khai, minh bạch thủ tục để tạo thuận lợi cho người dân trong giải quyết công việc.
Đặc biệt, tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật để tạo điều kiện cho người dân sử dụng pháp luật làm phương tiện, công cụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, của Nhà nước và xã hội, nâng cao dân trí pháp lý trong cán bộ và nhân dân…/.

Đọc thêm