Người đàn ông 37 tuổi bị nhồi máu cơ tim, nguyên nhân có thể nhiều đàn ông mắc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Người đàn ông 37 ở Hà Nội tuổi bị nhồi máu cơ tim, bác sĩ xác định tiền sử hút thuốc lá lâu năm, tần suất 1-2 bao/ngày có thể là nguyên nhân.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Anh Nguyễn Trung Sơn (tên bệnh nhân đã được thay đổi), 37 tuổi ở Hà Nội có tiền sử hút thuốc lá lâu năm, mỗi ngày 1 bao, thậm chí 2 bao/ngày khi công việc quá áp lực, stress. Trước đó, anh đột ngột xuất hiện cơn đau ngực trái, sau đó lan ra sau xương ức và cổ. Cơn đau kéo dài 30 phút không có dấu hiệu thuyên giảm, vật vã, khó thở, toát mồ hôi nên được người nhà đưa đi cấp cứu tại một bệnh viện tư ở Hà Nội.

Tại đây, các bác sĩ khẩn trương đo điện tim, kết hợp song song siêu âm tim cấp cứu ngay tại giường bệnh, lấy máu xét nghiệm. Kết quả phát hiện bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh lên (một dạng nhồi máu cơ tim nguy hiểm, cần can thiệp mở thông mạch vành khẩn cấp). Đồng thời, chụp động mạch vành qua da cho thấy, nhánh chéo của động mạch liên thất trước (diagonal) bị tắc hoàn toàn, động mạch mũ hẹp nặng tới 90%. Đây chính là nguyên nhân cản trở máu đến tim, gây ra cơn nhồi máu cơ tim cấp.

Bệnh nhân nhanh chóng được can thiệp đặt stent nhánh diagonal dưới hướng dẫn của hệ thống chụp can thiệp mạch cánh tay robot xoay 360 độ, tích hợp phần mềm hình ảnh độ phân giải cao. Stent được đưa vào cơ thể người bệnh từ động mạch quay ở cổ tay chuẩn xác và nhanh chóng, giảm nguy cơ biến chứng rối loạn nhịp, thậm chí tử vong. Để rút ngắn thời gian can thiệp, giảm mất máu, người bệnh được nghỉ ngơi, hồi sức, sau 2 ngày bác sĩ tiếp tục đặt stent tái thông động mạch còn lại.

Sau can thiệp, người bệnh sinh hoạt ăn uống bình thường, không cần kiêng khem hay nằm bất động như phương pháp cũ. Bên cạnh đó, người bệnh cần phối hợp dùng thuốc chống đông theo chỉ định của bác sĩ sau đặt stent.

“Nếu được cấp cứu và can thiệp kịp thời trong khung giờ “vàng”, tỷ lệ hồi phục của cơ tim càng cao hơn. Trường hợp phát hiện muộn và can thiệp kéo dài, thường sau 8 tiếng đồng hồ, cơ tim bắt đầu hoại tử gây thủng, tràn máu màng tim, chèn ép khiến tim ngừng co bóp. Bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao”, bác sĩ điều trị cho anh Sơn cho biết.

Trước đây, đột quỵ tim thường xảy ra ở người từ 50 tuổi trở lên. Tuy nhiên thời gần đây, bệnh gia tăng ở người trẻ dưới 40 tuổi, thậm chí ngoài 20 tuổi. Các yếu tố nguy cơ chính khiến bệnh tim mạch nói chung và nhồi máu cơ tim nói riêng gia tăng ở người trẻ là lạm dụng rượu bia; ít vận động; thừa cân, có tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp; thức khuya; căng thẳng, áp lực tâm lý; chế độ ăn uống không khoa học dẫn đến béo phì… Trong đó, hút thuốc lá (cả chủ động lẫn thụ động) là yếu tố nguy cơ đáng báo động.

Bác sĩ cho biết, hút thuốc lá làm thay đổi thành phần trong máu, gây tắc động mạch với sự tích tụ của mảng xơ vữa. Điều đó khiến máu khó lưu thông, tăng nguy cơ tắc nghẽn gây ra cơn nhồi máu cơ tim cấp. Người trẻ bị nhồi máu cơ tim cũng phải đối mặt với những rủi ro giống như bệnh nhân lớn tuổi, đều có nguy cơ tử vong cao.

“Để phòng ngừa đột quỵ tim, người bệnh cần kiểm soát chỉ số đường huyết, mỡ máu, huyết áp, không hút thuốc lá, ăn uống lành mạnh, vận động nhẹ nhàng (đi bộ, đạp xe, yoga…), tầm soát 2-3 năm/lần nếu thuộc đối tượng nguy cơ cao. Khi có triệu chứng như đau thắt ngực, mệt mỏi, hồi hộp, khó thở, vã mồ hôi…, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được can thiệp kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc”, bác sĩ khuyến cáo.

Đọc thêm