Người đàn ông bất ngờ phải đi cấp cứu khi đang ngồi phòng điều hòa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đang ngồi trong phòng điều hòa, người đàn ông bỗng cứng đờ 1 nửa người, không thể nói và cử động, đến viện được chẩn đoán đột quỵ não.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong 2 tuần qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc tiếp nhận số lượng người bệnh nhập viện do đột quỵ tăng đáng kể. Điển hình là trường hợp người bệnh N.V.L (54 tuổi, trú tại Vĩnh Yên) nhập viện trong tình trạng liệt hoàn toàn nửa người phải, đột ngột lơ mơ, rối loạn chức năng ngôn ngữ.

Ông L kể lại, sau giờ nghỉ trưa, khi đang ngồi làm việc trong phòng điều hòa, ông cảm thấy cứng đờ nửa người bên phải, không nói, không cử động và không đi đứng được.

Đồng nghiệp sau khi phát hiện đã nhanh chóng đưa ông L đi cấp cứu. Tại bệnh viện, qua thăm khám ban đầu, các bác sĩ nhận định người bệnh bị đột quỵ não tối cấp. Kết quả chụp mạch máu não cho hình ảnh tắc động mạch não giữa cấp tính.

Sau khi xác định rõ tình trạng của bệnh nhân, các bác sĩ đã thống nhất áp dụng phương pháp can thiệp nội mạch, hút huyết khối gây tắc mạch nhằm tái thông mạch não cho người bệnh.

Can thiệp xong, người bệnh đã tỉnh táo trở lại, sức cơ bên liệt dần phục hồi, không còn tình trạng liệt mặt, nói méo tiếng. Người bệnh được tầm soát các yếu tố nguy cơ về bệnh lý tim mạch, đột quỵ trước khi ra viện trong trạng thái hoàn toàn khỏe mạnh 4 ngày sau đó.

Theo bác sĩ Bùi Đức Thọ - Khoa Cấp cứu của bệnh viện, nắng nóng, nền nhiệt độ tăng cao cùng nhiều cơn mưa lớn đã kéo theo nhiều loại hình bệnh tật như say nắng, say nóng, các bệnh lý truyền nhiễm, hô hấp, tiêu hóa… đặc biệt đây cũng là yếu tố nguy cơ cao của đột quỵ.

“Trong thời tiết này, người dân hay có thói quen sử dụng điều hòa với nhiệt độ thấp đến rất thấp, gây ra sự chênh lệch nhiệt độ cao giữa các phòng. Theo đó, việc di chuyển giữa các khu vực có nhiệt độ chênh lệch lớn, cơ thể phải điều chỉnh liên tục để ứng phó với sự thay đổi. Khi nhiệt độ cao, các mạch máu sẽ giãn ra để tăng cường quá trình tản nhiệt, ngược lại, khi nhiệt độ lạnh đột ngột, mạch máu sẽ co lại, sự co giãn mạch bất thường này kết hợp với các yếu tố nguy cơ hiện hữu như người có bệnh lý nền về tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, rối loạn nhịp tim… làm tăng nguy cơ tổn thương mạch máu, tắc mạch gây nên đột quỵ”, bác sĩ Thọ thông tin.

Để phòng tránh những nguy cơ bị đột quỵ trong thời tiết nắng nóng, bác sĩ khuyến cáo: Người già và người mắc bệnh mạn tính nên hạn chế ra ngoài đường khi nắng gắt, chỉ nên ra ngoài vào buổi sáng sớm và chiều muộn khi trời đã dịu mát.

Người dân có thể dùng điều hòa để làm mát nhưng chỉ nên giới hạn nhiệt độ ở khoảng 27 độ C cùng mức chênh lệch trong và ngoài phòng không nên vượt quá 7 độ C.

Ngoài ra, thời tiết nóng khiến cho cơ thể mất nhiều nước, do đó cần chú ý thường xuyên bổ sung đủ nước trong ngày để giúp tăng thể tích dịch cơ thể, tránh máu tăng đặc dẫn tới sự hình thành huyết khối (cục máu đông). Đồng thời xây dựng lối ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, kiểm soát cân nặng ổn định và không sử dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá,…

Người dân cũng cần đặc biệt cảnh giác với các dấu hiệu sớm của tai biến và đột quỵ, khi thấy bản thân hoặc người xung quanh xuất hiện những biểu hiện như: Đau nhức đầu; Hoa mắt, choáng váng, mất thăng bằng; Không thể cử động tay, tê cứng hoặc yếu liệt 1 bên cơ thể; Sự biến đổi bất thường trên khuôn mặt: liệt cơ mặt, méo miệng, mặt xệ xuống; Khó nói, nói đớ, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường;Thay đổi hành vi như rối loạn tâm thần, mất phương hướng, lên cơn co giật; Ngất xỉu, bất tỉnh...

Lúc này cần ngay lập tức chuyển người bệnh đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt, để không bỏ lỡ “thời gian vàng", cứu cứu người bệnh kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Đọc thêm