Theo lời chia sẻ của bệnh nhân: “Cách đây 20 năm, tôi đã được chẩn đoán mắc bệnh Gout. Do tâm lý chủ quan, không thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, thường xuyên sử dụng rượu bia khiến các khớp, đặc biệt là khớp ngón chân, bàn chân, khớp ngón tay, khuỷu tay đau nhức dữ dội. Tại các khớp xuất hiện các khối u, phát triển ngày càng lớn khiến tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc sinh hoạt như cầm nắm và đi lại. Điều này cũng khiến tôi rất mặc cảm trong việc giao tiếp với mọi người”.
Qua thăm khám lâm sàng, kết hợp với kết quả xét nghiệm máu, chụp X-quang, kiểm tra bằng siêu âm bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị U phần mềm tứ chi do Gout, các khối u cứng chứa tinh thể Urat (còn gọi là hạt tophi) xâm lâm gây tổn thương các khớp.
Hình ảnh hai chân người bệnh biến dạng vì bệnh gout. Ảnh: BVCC |
Người bệnh được chỉ định mổ bóc u. Ca phẫu thuật diễn ra thành công sau 90 phút. Bác sĩ Thuyên đã bóc các u do hạt tophi tại mu hai bàn chân, mu bàn tay phải, khuỷu trái. Các hạt tophi dính và tàn phá các mặt khớp, gân dẫn tới biến dạng các khớp bàn tay, bàn chân hai bên. Người bệnh cần phải tiến hành thêm 1-2 lần phẫu thuật nữa mới lấy gần hết các khối u do gout.
Một trong nhiều hạt tophi được bóc ra. Ảnh: BVCC |
Gout là bệnh lý khá phổ biến, có xu hướng ngày càng tăng trong những năm gần đây. Bệnh do rối loạn chuyển hóa acid uric trong cơ thể.
Bác sĩ Trần Văn Thuyên cho biết: “Bệnh Gout nếu không được phát hiện và chữa trị một cách hiệu quả có thể gây ra các biến chứng như, viêm khớp, ảnh hưởng chức năng vận động các khớp, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của người bệnh, thậm chí có thể gây tàn phế, suy thận….”.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh Gout
Ăn nhiều thực phẩm giàu chất đạm (hải sản, nội tạng động vật, trứng …)
Sử dụng chất kích thích, uống rượu bia thường xuyên.
Thừa cân, mắc bệnh béo phì.
Mắc bệnh lý về thận, tim mạch.
Trong gia đình có người có tiền sử mắc bệnh gout.