Bệnh nhân là ông H.V.K (60 tuổi, ở huyện Thanh Sơn) đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ do đau đầu và liệt nửa người phải. Người bệnh cho biết bản thân hay sử dụng các thực phẩm chưa chín như tiết canh, rau sống…
Sau khi tiến hành thăm khám, chụp chiếu, kết hợp với các biểu hiện lâm sàng, người bệnh được hội chẩn và chẩn đoán đa u nang trong não, chưa loại trừ nang sán não. Trong nhu mô não có rất nhiều nang to, nhỏ. Trong đó, nang kén lớn nhất kích thước khoảng 5cm x 7cm, đè ép nhu mô não khiến người bệnh yếu, liệt nửa người.
Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật, bệnh phẩm sau phẫu thuật gửi khoa giải phẫu bệnh cho kết quả đúng như hội chẩn: Đa nang kén sán não.
Người bệnh được điều trị hậu phẫu và dùng thuốc diệt ấu trùng sán theo phác đồ hội chẩn cùng chuyên khoa Bệnh nhiệt đới.
|
Ảnh MRI trước mổ của bệnh nhân liệt nửa người: Nang sán lớn nhất nằm trong nhu mô bán cầu não bên trái |
PGS.TS Nguyễn Văn Sơn – Trưởng Khoa Ngoại thần kinh – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết: "Bệnh sán não gọi chính xác hơn là u não do ấu trùng sán dây, thuộc nhóm nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh với mức độ nguy hiểm rất cao. Bệnh có thể dẫn đến tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bệnh phát triển âm thầm cho đến khi phát hiện những triệu chứng rõ rệt thường khá muộn".
Cũng theo bác sĩ Sơn, nguyên nhân mắc bệnh là do ăn phải ấu trùng sán dây lợn hoặc bò. Khi người ăn phải thịt lợn, thịt bò nhiễm ấu trùng sán (lợn gạo, bò gạo) mà chưa được nấu chín như thịt tái, nem chạo, thịt nướng chưa chín kỹ; hoặc ăn phải thức ăn (rau sống, tiết canh lợn, thực phẩm nhiễm bẩn…), nước uống, tay bẩn có nhiễm trứng hoặc ấu trùng sán lợn. Trứng sán vào người rồi phát triển thành ấu trùng sán, chui qua thành ruột vào máu để đến cơ và não, có khi vào mắt. Nếu ấu trùng lên tá túc ở não gây bệnh ấu trùng sán não.
Người bệnh khi mắc bệnh sẽ có biểu hiện, sốt cao, đau đầu, nôn do tăng áp lực nội sọ có thể dẫn đến co giật, thậm chí có trường hợp liệt mặt ngoại biên (liệt thần kinh VII, liệt nửa người…).
Thông thường, ấu trùng sán sẽ chết khi được đun sôi trong 5 phút. Để chủ động phòng bệnh, bác sĩ Sơn khuyến cáo:
– Thực hiện ăn chín, uống chín, ăn các thức ăn được nấu chín kỹ, chế biến hợp vệ sinh.
– Không ăn tiết canh lợn, thịt lợn tái, thịt lợn chưa nấu chín; không ăn thịt lợn gạo, không ăn rau sống mà phải nấu chín kỹ mới ăn.
– Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, vệ sinh môi trường sạch sẽ, không đại tiện bừa bãi, không nuôi lợn thả rông.
– Khi bị nghi ngờ nhiễm phải đến cơ sở y tế khám, xác định và tẩy sán dây lợn sớm.
– Khi thấy đau đầu hoa mắt, chóng mặt thường xuyên hoặc co giật, bạn nên đến cơ sở y tế được khám và phát hiện điều trị bệnh kịp thời.