Ngồi cạnh bàn thờ chồng, bà Nguyễn Thị Thu (SN 1964, ngụ xóm Đại Lợi, xã Đức Thanh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) một mực cho rằng cái chết oan khuất của chồng mình có trách nhiệm của ông Phan Văn Hợi, Trạm trưởng trạm y tế xã.
“Từ trước đến nay, chồng tôi chưa có bệnh lý gì nguy hiểm. Vậy mà sau khi được ông Hợi truyền liên tục 3 chai dịch, anh ấy ra đi không kịp trăn trối với gia đình. Chồng tôi chết quá oan ức”, lời bà Thu.
“Y sĩ làng” làm chết 2 bệnh nhân?
Theo tường trình của gia đình, sáng ngày 12/12/2016 (âm lịch) ông Toàn vẫn khỏe mạnh, đi chăn trâu, làm đồng ruộng như mọi hôm. Đến khoảng 18h45, sau khi kéo xe củi về, ông Toàn kêu mệt trong người nên lên giường nằm nghỉ. Thấy bố rét run, cô con gái Nguyễn Thị Hiền (SN 2000) đắp chăn lên bao nhiêu chăn, nhưng ông Toàn vẫn kêu lạnh.
Lo lắng, cô con gái liền báo cho người chú sống sát nhà. Sau khi bàn bạc, họ quyết định mời y sỹ Phan Văn Hợi đến thăm khám. “Lúc ông Hợi đến nhà khoảng 19h40. Sau khi đo huyết áp, ông ấy chỉ bảo là huyết áp thấp phải chuyền chứ không nói rõ là bao nhiêu. Chúng tôi không rành về y học nên chỉ biết nghe theo”, người chú kể lại.
Khoảng 20h, y sỹ Hợi bắt đầu truyền chai dịch thứ nhất cho người bệnh. Trong quá trình truyền dịch ông Hợi có tiêm thêm một lọ thuốc. Hết chai dịch đầu tiên, y sỹ Hợi tiếp tục truyền chai thứ hai. Theo gia đình, hai chai dịch nhưng ông Hợi chỉ truyền trong hơn hai tiếng. Thấy vậy, một người trong gia đình bệnh nhân có lên tiếng hỏi: “Tại sao lại truyền nhanh thế?” thì ông này trả lời không sao, truyền nhanh để huyết áp lên.
Lúc truyền xong chai thứ hai là khoảng 22h đêm, vị y sỹ bắt đầu cho truyền chai thứ ba. Nhưng vừa thay chai mới thì người con trai đầu Nguyễn Văn Tiến (SN 1996) thấy miệng bố mình có rỉ máu ở chân răng, đồng thời đi ngoài không kiểm soát. “Thấy lạ, cháu có hỏi ông Sỹ thì ông ấy trả lời miệng chảy máu là do rách da. Còn việc bố đi ngoài không kiểm soát không sao cả, rồi bảo gia đình dọn phân đi”, Tiến kể lại.
Y sỹ Hợi tiếp tục cho truyền chai dịch thứ 3, được nửa chai thì ông Toàn có hiện tượng tràn dịch màu đen ở miệng và mũi. Hoảng hốt, gia đình vội gọi y sỹ Hợi lại kiểm tra, người này mới rút dây truyền dịch ra. Lúc đó khoảng 22h43, những người có mặt vội hỏi ông Sỹ tại sao nhưng ông này không trả lời. Ít phút sau, ông Toàn nấc lên vài tiếng rồi ra đi trước sự bàng hoàng của người thân.
Người thân bệnh hỏi dồn, vị trạm trưởng trạm y tế cho rằng: “Do bệnh nhân có khối u trong người nên bị u vỡ ra rồi chết”.
Không đồng tình với câu trả lời, gia đình đã trình báo lên cơ quan chức năng, yêu cầu đến làm rõ sự việc. Ngày 13/12, dưới sự chứng kiến của gia đình, cơ quan pháp y tỉnh đã vào cuộc.
Theo gia đình, cơ quan pháp y thông báo 1 tháng sau sẽ có kết quả. Nhưng sau đó hơn 2 tháng, ngày 14/3/2017, cơ quan chức năng mới gọi điện cho anh Tiến lên công an huyện nhận kết quả khám nghiệm. Tiến đi cùng chú lên huyện nghe kết quả. Kết luận của cơ quan pháp y cho rằng nguyên nhân chính của cái chết ông Toàn là do phù phổi cấp ở người bị bệnh lý xơ gan.
Vợ con bên di ảnh ông Toàn |
“Không đồng tình với kết luận trên, chúng tôi không ký vào biên bản làm việc ngày hôm đó. Điều chúng tôi khó hiểu hơn, là dù thông báo công khai nhưng khi gia đình xin chụp lại, hoặc photocopy bản kết luận thì họ không cho. Cuối cùng, tôi đành phải xin họ ghi lại kết luận qua tờ giấy nhỏ”, em trai nạn nhân cho biết.
Theo tố cáo của gia đình ông Toàn, đây không phải là lần đầu tiên ông Hợi truyền dịch khiến bệnh nhân chết. Trước đó vào năm 2016, trong quá trình truyền dịch cho một bệnh nhân 85 tuổi tại nhà, bệnh nhân này cũng tử vong bất thường.
"Vỡ u xơ" nên tử vong?
Trong đơn cầu cứu cơ quan chức năng, gia đình nạn nhân cho rằng từ trước đến nay, ông Toàn là người khỏe mạnh, không mắc bệnh hiểm nghèo và chưa từng đi bất kỳ bệnh viện nào. Do vậy việc bệnh nhân chết nhanh và bất ngờ như vậy là có nhiều điều nghi vấn, trực tiếp liên quan Trạm trưởng trạm y tế xã Đức Thanh, y sỹ Phan Văn Hợi.
PLVN đã liên hệ với ông Hợi và được người này trả lời, ông Toàn bị bệnh nhiều năm nay do nghiện rượu. “Hôm đó, ông Toàn nôn thốc nôn tháo do xơ gan nên người nhà mời gọi tôi đến cấp cứu. Mà đã cấp cứu thì 9 phần chết, 1 phần sống”, ông Hợi nói.
Ông Hợi cho biết thêm: “Lúc tôi đến, chân tay ông Toàn đã co quắp, sau một hồi xoa bóp bệnh nhân mới trở lại bình thường. Tôi có đề nghị gia đình đưa đi bệnh viện nhưng họ không đồng ý, nhờ tôi cấp cứu. Với trách nhiệm là người chăm sóc sức khỏe, tôi đã chiều theo ý gia đình.
Tiến hành đo huyết áp, tôi thấy huyết áp bệnh nhân lúc đó thấp và không đều, lúc thì 40/20, khi thì 50/20 nên tiến hành truyền 3 chai dịch Natri clorid để tăng huyết áp. Đang trong quá trình chữa trị thì bệnh nhân vỡ u xơ dẫn đến chuyện chết bất ngờ”.
“Tôi làm ơn thì mắc oán. Họ không hiểu cho tôi. Với trách nhiệm là người chữa bệnh, hôm đó tôi đã đội mưa chạy đến nhà họ chữa trị. Thấy bệnh tình nặng, tôi khuyên gia đình đưa đi viện nhưng họ không chịu, bảo “còn nước còn tát”. Vậy mà khi chẳng may gặp chuyện lại quay sang đổ tội cho tôi. Sau khi sự việc xảy ra, gia đình yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc, tôi hoàn toàn nhất trí chuyện đó”, ông Hợi nói. Ông Hợi cho rằng chuyên môn của mình không sai.
Nói về sự việc, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng huyện Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh) cho rằng: “Theo thông tin tôi nắm được, bệnh nhân Toàn bị xơ gan, phù phổi cấp”.
Trước câu hỏi việc truyền 3 chai nước liên tiếp để tăng huyết áp như lời ông Hợi trình bày, theo chuyên môn có đúng không, ông Dũng cho hay: “Vấn đề đó thuộc về hội đồng chuyên môn của Sở Y tế tỉnh. Tuy vậy, trong nhiều trường hợp huyết áp của bệnh nhân thấp thì tiến hành truyền dịch, nhưng cũng có trường hợp không thể xử lý như vậy được. Vì ở cơ sở nên y sỹ không tiên lượng được bệnh nhân, trình độ năng lực có hạn”.