Người dân thụ hưởng thành quả xây dựng nông thôn mới ở Vĩnh Phúc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với trăn trở “Người dân Vĩnh Phúc phải được hưởng thành quả từ sự phát triển”, cùng phương châm “Dân biết, dân làm, dân kiểm tra”, tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm đến câu chuyện “dân thụ hưởng”….
Người dân tập luyện thể dục-thể thao tại nhà văn hóa thôn Phú Hạnh, xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc (Ảnh: Kim Ly)
Người dân tập luyện thể dục-thể thao tại nhà văn hóa thôn Phú Hạnh, xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc (Ảnh: Kim Ly)

Về làng quê đáng sống…

Mặc dù trời bất ngờ đổ mưa song suốt dọc đường từ trung tâm huyện Vĩnh Tường về xã nông thôn mới (NTM) Thượng Trưng chúng tôi vẫn cảm nhận được sự khang trang, sạch sẽ và bình yên. Nhìn đồng hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường, ông Lê Chí Thái Thái cho biết, giờ này mọi hôm là người dân đổ ra các công viên, khu sinh hoạt cộng đồng thể thao, dân vũ rất đông…

Không được chứng kiến cảnh sinh hoạt cộng đồng của bà con sau một ngày làm việc nhưng đường sá, cầu cống, đường điện, vườn hoa, đặc biệt những tuyến đường liên thôn, ngõ xóm được tô điểm bởi những bức vẽ nhiều màu sắc, trồng xen lẫn các chậu hoa, cây cảnh dọc các tuyến đường… đã phần nào nói lên thành quả của công cuộc xây dựng NTM nơi đây.

Lễ hội làng Phú Hạnh

Lễ hội làng Phú Hạnh

Mưa đã ngớt. Tại Nhà văn hóa thôn Phú Hạnh, trẻ con hồn nhiên nô đùa trên các thiết bị vui chơi ngoài trời trong ánh mắt lấp lánh của các bà các cô đang hàn huyên trong Nhà văn hóa.

Ông Lê Hoàng Cơ, đảng viên thôn Phú Hạnh nhớ lại, khi thôn được chọn là một trong các thôn đầu tiên của xã xây dựng NTM, bà con rất hào hứng và tham gia rất nhiệt tình. Không chỉ bà con đang sống tại thôn, những người con xa quê của Phú Hạnh khi được kêu gọi, rất nhiệt tình đóng góp xây dựng quê hương. “Vừa rồi thôn tổ chức lễ phát mộc tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa đình Phú Hạnh với kinh phí 5,6 tỷ đồng, chủ yếu là tiền của bà con đóng góp…”, ông Cơ chia sẻ.

Người dân hào hứng với nghề làm bánh của địa phương
Người dân hào hứng với nghề làm bánh của địa phương

Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Chi hội phó Chi hội phụ nữ thôn cho biết, nếu như trước đây đi làm về là “nhà nào biết nhà nấy” thì ngày nay các hoạt động văn hóa thể thao giúp mọi người gắn kết với nhau, yêu thương, sẻ chia nhiều hơn. Đặc biệt tạo điều kiện cho nhau cùng phát triển kinh tế. Sau 2 năm đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, hiện thôn không còn hộ nghèo…

Ngoài công việc đồng áng, thôn Phú Hạnh còn được biết đến với nghề làm bánh đúc, bánh hòn tai nổi tiếng trong vùng mà theo lời ông Hoàng Văn Cơ, “không đặt trước là không còn”. Không những tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con, nghề làm bánh còn giúp giữ gìn nét đẹp truyên thống, gắn kết người dân trong thôn.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan tham dự hội nghị họp bàn về phát triển kinh tế xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu tại xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường (Ảnh: Sỹ Hào).
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan tham dự hội nghị họp bàn về phát triển kinh tế xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu tại xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường (Ảnh: Sỹ Hào).

Người dân thụ hưởng…

Ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND xã Thượng Trưng (huyện Vĩnh Tường), cho biết, xác định xây dựng NTM nâng cao là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nên cùng với bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp, Thượng Trưng đã quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, hỗ trợ bà con nông dân tiếp cận vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế, đưa giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi…

Nhờ xây dựng NTM đã góp phần đưa tổng giá trị sản xuất năm 2022 của Thượng Trưng đạt hơn 643 tỷ đồng, tăng gần 77 tỷ đồng so với năm 2021. Trong đó, lĩnh vực thương mại - dịch vụ đạt gần 250 tỷ đồng, tăng hơn 37 tỷ đồng so với cùng kỳ; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 65 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,5%.

“Với việc xác định rõ các tiêu chí ưu tiên và việc công khai, minh bạch “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, xã Thượng Trưng sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao đúng thời gian đăng ký”, ông Long khẳng định.

Diện mạo NTM xã Tam Phúc (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) ( Ảnh: Thế Hùng)
Diện mạo NTM xã Tam Phúc (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) ( Ảnh: Thế Hùng)

Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường, ông Lê Chí Thái chia sẻ, nhờ xây dựng NTM, hạ tầng trong thôn xã được khang trang, hiện đại, từ đó kinh tế phát triển hơn. Kinh tế phát triển, quay trở lại tạo điều kiện cho đời sống văn hóa phát triển... “Đó là vòng quay không có điểm cuối…”, ông Thái khẳng định.

Báo cáo của Sở NN&PTNT cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Vĩnh Phúc đã có 20 xã được công nhận xã NTM nâng cao. Ước thực hiện năm 2023 có thêm 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Dự kiến đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 32 xã NTM nâng cao.

Đối với xã NTM kiểu mẫu, năm 2023 có 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu là xã Ngũ Kiên (vừa xét công nhận) và xã Vũ Di (đang triển khai thực hiện phấn đấu đạt chuẩn vào cuối năm 2023) huyện Vĩnh Tường. Như vậy, xã Ngũ Kiên là xã đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu.

Đối với thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, thôn thông minh, trong 6 tháng đầu năm 2023, đã công nhận 1 thôn đạt chuẩn thôn thông minh; 2 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 89 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu, đạt 65,2% kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Xã Ngũ Kiên là xã đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu (ảnh Trà Hương)
Xã Ngũ Kiên là xã đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu (ảnh Trà Hương)

Chia sẻ bài học kinh nghiệm trong xây dựng NTN của Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt nhấn mạnh vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM. “Người dân có vai trò là hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến sự thành công và bền vững của kết quả các tiêu chí NTM…”- Ông Huy nhấn mạnh.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT tĩnh Vĩnh Phúc cho biết, trong nhiều năm qua. Vĩnh Phúc đã luôn lấy phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” trong việc quyết định nội dung, quản lý, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM ở địa phương là kim chỉ nam cho quá trình xây dựng NTM bền vững.

Đặc biệt, tỉnh thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến hài lòng của người dân khi xét công nhận đạt chuẩn NTM đã tạo ra hiệu ứng rất tốt trong xã hội, Bên cạnh đó, những nội dung mà tỷ lệ người dân hài lòng chưa cao chính là những kênh thông tin quan trọng để cấp ủy, chính quyền các cấp đề ra các giải pháp khắc phục nhằm xây dựng NTM bền vững...

“Người dân phải được thụ hưởng từ sự phát triển…”

Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành cho biết, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thuý Lan đã nói" Mọi người dân Vĩnh Phúc đều phải được hưởng thành quả từ sự phát triển". Thực tế, sau 25 năm tái lập tỉnh, năm 2022 vừa qua, lần đầu tiên thu ngân sách của Vĩnh Phúc vượt mốc 40 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, điều Ban thưởng vụ tỉnh ủy luôn đau đáu là “Người dân Vĩnh Phúc được hưởng gì từ những thành quả của sự phát triển?” “Chúng tôi xác định, thực hiện an sinh xã hội là việc làm lâu dài, song hành với quá trình phát triển, và không thể để bất kỳ ai đứng sau, mọi người dân phải được thụ hưởng thành quả của sự phát triển…”, ông Thành nói.

Trong thời gian qua, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành 30 nghị quyết liên quan đến lĩnh vực an sinh xã hộ. Hiện tại, 16 nghị quyết đã và đang được thực hiện, mức chi cho các đối tượng an sinh xã hội được phủ kín và mở rộng, cao hơn từ 1,2 – 1,3 lần so với toàn quốc. Nếu như năm 2020, chi đảm bảo xã hội từ ngân sách là trên 21 tỷ đồng thì , đến năm 2022 là gần 900 tỷ đồng và năm 2023 là 1.300 tỷ đồng.

Về đầu tư công, ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh Vĩnh Phúc dồn 30% nguồn lực cho các công trình tuyến huyện, tuyến xã (cao hơn nhiều so với nhiệm kỳ trước). Những dự án dù không quá lớn nhưng là những dự án gần dân hơn, gắn với dân hơn và phục vụ trực tiếp người dân hơn. Không những vậy, hàng trăm tỷ đồng từ các nguồn lực xã hội hóa, nguồn đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm đóng góp cho quỹ người nghèo quỹ an sinh, quỹ phòng chống dịch (120 tỷ đồng) và đặc biệt quỹ khuyến học khuyến tài (40 tỷ đồng) đã thổi bùng lên ngọn lửa nhân ái, những tấm lòng thơm thảo, lá lành đùm lá rách, cả xã hội chung tay xây dựng cuộc sống ấm no cho người dân.

Đáng chú ý, Vĩnh Phúc xác định tiếp tục xây dựng đồng bộ chính sách, cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tiếp cận, được hưởng các chính sách ưu đãi, từ đó, động viên, khích lệ để người dân tự “đứng dậy”, vươn lên vượt khó, thoát nghèo. Chương trình xây dựng nông thôn mới, làng văn hóa kiểu mẫu mà Vĩnh Phúc đang triển khai chính là hiện thực hóa mục tiêu người dân được thụ hưởng từ sự phát triển của địa phương…

Đọc thêm