Năm 2023, thực hiện Chính sách giảm nghèo bền vững, tỉnh Yên Bái được giao 278,3 tỷ đồng; trong đó, vốn đầu tư phát triển 127 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 151,3 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, tại vùng lõi nghèo Trạm Tấu đã xuất hiện các mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả, bắt kịp với xu thế kinh tế thị trường, mang lại thu nhập cao cho bà con dân tộc thiểu số. |
Từ các nguồn vốn của Chương trình, tỉnh Yên Bái đã đầu tư cho 23 công trình chuyển tiếp, đầu tư mới 7 công trình phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, thiết yếu phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; duy tu và bảo dưỡng các công trình phục vụ dân sinh, sản xuất, thiết yếu trên địa bàn huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải.
Đồng thời, từ nguồn vốn sự nghiệp của Chương trình, tỉnh đã mở các lớp đào tạo nghề thuộc dự án phát triển giáo dục, việc làm bền vững; triển khai các hoạt động truyền thông, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ làm công tác giảm nghèo. Đến nay, các địa phương đang tích cực triển khai, sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Nằm trên đỉnh núi cao, bản Cu Vai, xã Xà Hồ (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) là điểm tái định cư của gần 50 hộ đồng bào dân tộc Mông. Không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, Cu Vai còn là nơi khởi đầu cho cuộc sống mới tươi sáng hơn của người dân nơi đây.
Thông qua các chương trình, dự án, chính sách đã làm cho cuộc sống vật chất của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Trạm Tấu đổi thay rõ rệt. |
Gia đình anh Mùa A Sinh là một trong gần 50 hộ về sinh sống tại bản Cu Vai, xã Xà Hồ từ năm 2013. Anh Sinh kể rằng, trước đây gia đình anh quanh năm bám đồng ruộng, trồng đủ các loại cây nhưng cái nghèo vẫn cứ đeo bám.
Từ năm 2021, được sự hỗ trợ về cây giống đào Cu Vai và hướng dẫn về khoa học kỹ thuật của các chuyên gia đến từ Tổ chức nghiên cứu Nông Lâm Quốc tế và Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế - Xã hội DTTS và miền núi, hai vợ chồng anh đã quyết tâm bắt tay vào trồng, nhân rộng giống đào bản địa Cu Vai trên diện tích canh tác của gia đình.
“Được Nhà nước hỗ trợ vốn, các tổ chức, dự án cho cây giống, phân bón trồng. Đặc biệt, được cán bộ chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc tận tay nên cây đào trồng sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, chống chịu được với các hiện tượng thời tiết cực đoan như băng giá, sương muối, rét đậm rét hại. Nhờ đó, cây đào ra hoa đúng dịp Tết, bán có giá cao; thu nhập nâng lên nhiều lần so với các cây trồng truyền thống. Đến nay, gia đình tôi đã thoát nghèo, có của ăn của để; cuộc sống khấm khá, sung túc lên từng ngày”, anh Mùa A Sinh nói.
Tương tự, gia đình anh Sùng Vảng Dê ở xã Bản Mù (huyện Trạm Tấu) trước đây cũng là hộ nghèo, cuộc sống rất khó khăn. Căn cứ vào điều kiện kinh tế khó khăn, gia đình anh Sùng Vảng Dê được vay vốn theo các chương trình ưu đãi của Nhà nước với lãi suất thấp, để đầu tư cho sản xuất, chăn nuôi.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, anh học tập kinh nghiệm từ chính các hộ dân trong bản và tham gia các buổi hướng dẫn kỹ thuật tại xã nên đã chuyển đổi các diện tích cây trồng năng suất thấp sang trồng ngô đồi và chăn nuôi đại gia súc, gia cầm. Đến nay, hộ anh Sùng Vảng Dê đã trở thành hộ điển hình, được xã khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong làm kinh tế giỏi của Bản Mù.
Người dân huyện Trạm Tấu nhận giống từ nguồn vốn chính sách. |
Anh Sùng Vảng Dê chia sẻ: "Không chỉ gia đình mình mà đồng bào trong bản cũng được nhận nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước; được vay vốn phát triển sản xuất, đi khám bệnh có thẻ bảo hiểm y tế; điện, đường, các công trình thủy lợi được đầu tư về tận bản… cuộc sống của người Mông hôm nay đã thay đổi rất nhiều”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu Khang A Chua cho biết, năm 2022, toàn huyện đã có 424 hộ thoát nghèo (đạt 106,9% kế hoạch năm). Huyện Trạm Tấu phấn đấu năm 2023, tỉ lệ giảm nghèo đa chiều đạt trên 8%; đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 49,87%, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 6,26%...
“Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình, dự án, chính sách đã làm cho cuộc sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Trạm Tấu có những đổi thay rõ rệt. Các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước là điểm tựa lớn để đồng bào thoát nghèo, đó là động lực quan trọng giúp Đảng bộ huyện hoàn thành các mục tiêu nghị quyết đề ra”, Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu Khang A Chua nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu Khang A Chua cũng cho biết thêm, những năm qua, công tác giảm nghèo luôn được huyện đặc biệt quan tâm, trong đó công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân, để người dân khơi dậy ý thức tự lực tự cường, vươn lên thoát nghèo luôn được chú trọng.
Bên cạnh đó, huyện Trạm Tấu đã đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; chú trọng tuyên truyền, phổ biến các chế độ chính sách an sinh xã hội đang triển khai trên địa bàn đến người dân, quan tâm các giải pháp tạo việc làm cho lao động địa phương, tích cực triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia để xây dựng cơ sở hạ tầng tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, giáo dục ý thức tự thoát nghèo.
Thời gian tới, cùng với công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người nghèo, hộ nghèo ngày càng có ý thức tự phấn đấu vươn lên giảm nghèo; biết học hỏi cách làm ăn, tận dụng các cơ hội và sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, huyện Trạm Tấu tiếp tục huy động, sử dụng hiệu quả nguồn vốn của chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững cũng như các chương trình khác, sử dụng linh hoạt lồng ghép nguồn vốn từ trung ương tới địa phương tập trung cho công tác giảm nghèo, đầu tư các hạng mục thiết yếu cho các xã đặc biệt khăn.