Người dân vẫn hờ hững với việc hạn chế đồ nhựa dùng một lần

(PLVN) - Dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, văn bản pháp luật nhằm hạn chế ô nhiễm nhựa nhưng nhiều người dân vẫn khó bỏ được thói quen sử dụng nhựa một lần.
Nạn ô nhiễm nhựa ở Việt Nam ngày càng nghiêm trọng.

Phấn đấu “nói không với rác thải nhựa”

Đầu tháng 2/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 175/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021 - 2025” nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử trách nhiệm của toàn xã hội trong việc sử dụng, quản lý rác thải nhựa. Theo đó, Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa xả thải ra môi trường.

Tại Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó đặt mục tiêu “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương”.

Đặc biệt, ngày 20/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa nhằm tiếp tục tăng cường hiệu quả các hoạt động quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý nhựa đã qua sử dụng, giảm thiểu phát thải chất thải nhựa ra môi trường.

Có thể nói, Việt Nam đã và đang từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật để thúc đẩy việc hạn chế, giảm thiểu rác thải nhựa, hướng tới cấm đồ nhựa dùng một lần trong cuộc sống. Mới nhất, Chính phủ các nước Ecuador, Ghana, Đức và Việt Nam đang lên kế hoạch với một số quyết định hướng tới một

Thỏa thuận toàn cầu mới về ô nhiễm nhựa, dự kiến được thông qua tại Hội nghị quốc tế cấp Bộ trưởng về rác thải biển và ô nhiễm nhựa. Sự kiện dự kiến sẽ được tổ chức vào nửa cuối năm 2021, trước thềm Kỳ họp thứ hai của Hội đồng Môi trường Liên Hợp quốc lần thứ năm (UNEA 5.2) vào tháng 2/2022.

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020 đã đưa ra các quy định mới về quản lý chất thải rắn, trong đó có chất thải nhựa. Về phía người dân, phải thực hiện phân loại rác tại nguồn. Về phía nhà sản xuất, Luật quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất để định hình hướng đến nền kinh tế tuần hoàn.

Trông chờ ý thức người dân?

Ngày 9/6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phát động “Phong trào toàn quốc chống rác thải nhựa”, cùng với mục tiêu phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Theo đó, đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Mặc dù phong trào trên đã được người dân, tổ chức, doanh nghiệp hưởng ứng mạnh mẽ nhưng xem ra kết quả vẫn chưa được như mong muốn.  

Lý giải vấn đề này, theo các chuyên gia trong và ngoài nước thì hiện nay các giải pháp hạn chế, cấm nhựa ở Việt Nam hay trên thế giới mới đang dừng ở việc khuyến khích sự tự giác, chờ đợi ý thức chấp hành của người dân. Đơn cử, trong năm 2019, sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào chống rác thải nhựa, hàng loạt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các cá nhân tại nhiều tỉnh, thành đã tích cực tham gia.

Nhưng đến năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát nhiều lần trong cộng đồng khiến các nỗ lực chống rác thải nhựa bị “chững lại”. Một nguyên nhân đến từ thói quen tiêu dùng của người dân đã phải chuyển dịch từ mua đồ trực tiếp qua mua đồ trực tuyến để thích nghi với bối cảnh, dẫn đến rác thải, bao bì nhựa gia tăng.

Còn một nguyên nhân khác đến từ nhu cầu sử dụng các thiết bị, vật dụng y tế cá nhân gia tăng như găng tay, khẩu trang, mặt nạ, áo chống dịch… Phần lớn những sản phẩm này đều là đồ nhựa dùng một lần.

Đến nay, nhiều người dân vẫn khó thể bỏ thói quen dùng đồ nhựa vì nhiều lý do. Túi ni lông vẫn được ưa chuộng bởi sự tiện lợi – nhỏ, nhẹ, rẻ, đựng được nhiều đồ. Nhiều người mua sắm bày tỏ quan ngại khi mua đồ không có túi ni lông để xách, khiến việc vận chuyển trở nên cồng kềnh. Ngay cả khi mua một vài món hàng nhỏ, người dân vẫn có thói quen xin túi ni lông để mang theo, người bán nếu từ chối có thể sẽ bị mất khách. 

Theo quan sát, tại Thủ đô Hà Nội, có thể thấy đồ nhựa dùng một lần hiện diện trong mọi mặt của cuộc sống. Từ các phiên chợ sáng, các quán ăn sáng, trà đá vỉa hè, cà phê, đến các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị lớn, trung tâm thương mại,… đâu đâu cũng thấy đồ nhựa. Nhiều gian hàng ở các chợ truyền thống và thậm chí cả siêu thị lớn vẫn chưa cung cấp các lựa chọn thân thiện với môi trường hơn để thay thế túi ni lông. 

Trong những năm gần đây, các phương tiện truyền thông đã tích cực đưa tin để người dân ngày càng hiểu rõ hơn về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường và con người. Dù vậy, để thay đổi hành vi và thói quen lâu nay của người dân vẫn là điều khó khăn, không thể đạt được trong thời gian ngắn. 

Đọc thêm