Người dân vùng cao Quảng Nam đổ xô đi đãi vàng dưới hồ thuỷ điện

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ sáng sớm, từng tốp người Giẻ Triêng ở huyện miền núi Phước Sơn (Quảng Nam) tay xách nách mang dụng cụ thô sơ, kéo nhau ngược theo bờ suối phía trên nhà máy thủy điện Đắk Mi 4 để mót vàng sa khoáng.
Dù biết sai luật, nhưng vì áp lực cơm áo gạo tiền, nhiều người dân vùng cao Quảng Nam đành chấp nhận mót vàng, kiếm thêm thu nhập.
Dù biết sai luật, nhưng vì áp lực cơm áo gạo tiền, nhiều người dân vùng cao Quảng Nam đành chấp nhận mót vàng, kiếm thêm thu nhập.

Những ngày này, lòng hồ thuỷ điện Đắk Mi 4 (xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn) bắt đầu cạn, để lộ ra những bãi cát dài chừng 2km, rộng hơn 300m. Khu vực này, vào mùa mưa lũ, đất đá trên những triền núi đang lở nham nhở trôi xuống tập kết tại đây. Ẩn sâu trong lớp đất đá ấy là những hạt vàng cám nhỏ li ti.

Tranh thủ mùa khô, mực nước lòng hồ cạn, người dân cơm đùm gạo nắm, kéo nhau ra đây đãi cát tìm vàng.

Người dân đi theo nhóm, phân tán nhiều khu vực để đãi vàng. Mỗi nhóm như vậy tầm 3 đến 4 thành viên. Dụng cụ người dân mang theo cũng hết sức thô sơ như máng, mâm, xẻng, xô nhựa, rổ, bát...

Anh H.V.H., (trú xã Phước Chánh) cho biết, nhóm của anh gồm 3 hộ gia đình, tổng cộng có 12 người, mỗi người có một việc khác nhau. Anh Đ., cùng vợ đóng 3 cọc gỗ dài 1m trên bãi cát để làm máng. Trên máng, anh để lớp vải nhung và thảm nhựa gai hoa cúc để giữ vàng.

“Ngày thường chúng tôi quanh quẩn làm việc, trông chờ mùa màng trên nương rẫy nhưng cũng lúc được lúc mất, cuộc sống rất khó khăn. Đến mùa keo thì đi bóc vỏ kiếm ngày công. Hai vợ chồng đắp đổi cũng qua ngày được. Nhưng con cái ngày càng lớn, chí phí sinh hoạt tăng cao, trong khi chẳng biết đào đâu ra tiền nên tranh thủ nước hồ cạn, hai vợ chồng ra sông đãi vàng”, anh H., chia sẻ.

Công việc đãi cát tìm vàng của người dân bắt đầu từ sáng sớm đến khoảng 17 giờ chiều.

Những người đàn ông có sức khoẻ thì lo xúc cát, sỏi ở lòng hồ đổ lên rổ nhựa, phía dưới là máng đã dựng từ trước. Nước đẩy cát trôi, vàng nằm lại tấm vải và thảm nhựa, đá ở trong rổ.

Tầm 20 phút đãi trên máng, người dân dùng tấm vải nhung thảm gai hoa cúc rũ sạch vào mâm làm bằng gang hình giống chiếc nón, để lấy vàng.

Cánh phụ nữ thì lại có cách đãi thủ công hơn chút khi dùng chiếc sàn bằng sắt nhấn chìm xuống nước, xoay tròn, cố gạn đi những hạt sạn to đến khi chỉ còn lại đám bụi li ti ở dưới đáy sàn thì đổ ra chiếc ca nhỏ để trên bờ, chờ lắng lại.

Công việc đãi vàng khá vất vả khi phải thường xuyên khom lưng hay ngâm mình trong nước nhiều tiếng đồng hồ.

Chị H.T.N., (trú xã Phước Chánh) chia sẻ, gia đình chị thuộc diện khó khăn ở địa phương, đã vậy, con gái chị mắc bệnh từ nhỏ, phải thường xuyên xuống TP Đà Nẵng chữa trị nên hai vợ chồng chị phải cố gắng cày cuốc để lo cho con.

Công việc đãi vàng này cũng hên xui, có ngày may mắn thì đãi được gần phân vàng, bán đi kiếm được 300.000 đồng, còn ngày thường thì đâu đó tầm 100.000 đồng. Cả hai vợ chồng chị tích góp lại để dành cho con gái xuống thành phố chữa bệnh.

Vàng sa khoáng được bỏ vào chậu mang về nhà. Người dân sau đó sẽ dùng thủy ngân để tách lấy vàng nguyên chất.

Ông Hồ Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Phước Chánh cho biết, việc người dân ra hồ thủy điện đãi vàng là trái phép, địa phương cũng có tổ chức nhắc nhở, tuyên truyền người dân. Tuy nhiên, đa số người dân đãi vàng dưới lòng hồ đều là những người có hoàn cảnh khó khăn, họ không còn cách nào khác để mưu sinh nên mới lén lút đãi vàng.

Huyện Phước Sơn được mệnh danh là "thủ phủ" vàng của tỉnh Quảng Nam, có trữ lượng lớn thứ hai cả nước, chỉ sau mỏ Bồng Miêu, huyện Phú Ninh. Hiện địa phương này có 13 mỏ vàng, được cấp phép cho 8 công ty khai thác.