Người đầu tư Việt Nam giao dịch tiền điện tử nhiều thứ 4 trên Binance

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thống kê của Wall Street Journal (WSJ) cho thấy người đầu tư Việt Nam giao dịch khoảng 20 tỷ USD trên Binance (sàn tiền điện tử lớn nhất thế giới) với hình thức chiếm 90% là giao dịch hợp đồng tương lai (Future). Hiện tiền ảo nói chung không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Với con số trên, Việt Nam chiếm gần 5% tổng khối lượng giao dịch trên Binance trên toàn cầu.

Trong số các quốc gia có hoạt động giao dịch tiền điện tử trên Binance, Trung Quốc là nước có lượng giao dịch hàng tháng cao nhất, đạt 90 tỷ USD, tiếp theo là Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ với 60 tỷ và 45 tỷ USD. Quần đảo Virgin của Anh nằm trong top 5 với 18 tỷ USD.

Đáng chú ý là Trung Quốc chiếm 20% tổng khối lượng giao dịch trên Binance mặc dù chính phủ của nước này đã cấm hoạt động giao dịch và đầu tư tiền điện tử từ năm 2021. Binance cũng đã tuyên bố không còn hoạt động tại Trung Quốc.

Theo thông tin đồn đoán, hiện có 900.000 nhà đầu tư Trung Quốc hoạt động trên Binance, trong khi tổng số nhà đầu tư tiền điện tử tại quốc gia này là 5,6 triệu. Binance đã điều hướng người dùng Trung Quốc đến các trang web có tên miền trong nước trước khi chuyển tới sàn giao dịch. Nhiều người dùng Trung Quốc cũng sử dụng VPN để tránh bị kiểm duyệt.

Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng với điểm tuyệt đối trong Báo cáo về Chỉ số Chấp nhận Tiền điện tử Toàn cầu (GCAI) 2022 của công ty nghiên cứu Chainalysis.

Công văn 5747/NHNN-PC của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 21/07/2017 gửi Văn phòng Chính phủ đã khẳng định: "Tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Chế tài xử lý hành vi này đã được quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng và Bộ luật Hình sự 2015 (đã sửa đổi, bổ sung)”.

Do đó, Việt Nam chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo, cũng chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo.

Vì vậy, các hoạt động mua bán, trao đổi các đồng tiền ảo do một số cá nhân tại Việt Nam thực hiện thông qua các sàn giao dịch tiền ảo quốc tế như Binance, Coinbase… hoặc thông qua hình thức thỏa thuận trực tiếp tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Đọc thêm