Người đi đường tử vong do sụp “ổ gà”: Đơn vị quản lý đoạn đường chịu trách nhiệm gì?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hậu quả của vụ tai nạn giao thông là rất nghiêm trọng, do đó, các chuyên gia pháp lý cho rằng, cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan để xử lý nghiêm, răn đe, không để những vụ việc tương tự xảy ra trong tương lai.
Hiện trường vụ tai nạn.
Hiện trường vụ tai nạn.

Đang trong thời hạn bảo hành vẫn lởm chởm “ổ gà”

Ngày 12/11/2021, vào lúc 20h50, ông Huỳnh Minh Phúc (44 tuổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thị ủy Đông Hòa (tỉnh Phú Yên) điều khiển xe máy đi một mình trên QL1A theo hướng Bắc - Nam. Khi đến đoạn đường trên, ông Phúc ngã xuống đường và tử vong lúc 23h cùng ngày tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên.

Lãnh đạo Công an thị xã Đông Hòa cho biết, bước đầu xác định ông Phúc bị sụp “ổ gà” khi đang điều khiển xe máy.

Theo Công an Đông Hòa, kết quả khám nghiệm hiện trường cho thấy, có ba “ổ gà” ở phía Bắc cách vị trí ngã của xe do ông Phúc điều khiển khoảng 30m. Xe của ông Phúc không có dấu hiệu tác động của ngoại lực. Đoạn đường xảy ra tai nạn nằm trong gói thầu tăng cường kết cấu mặt đường thuộc dự án nâng cấp mở rộng QL1A, đoạn đường vẫn trong thời hạn bảo hành. Tuy nhiên, công tác sửa chữa của đơn vị quản lý đường bộ vẫn rất chậm trễ, chưa có giải pháp triệt để khắc phục tình trạng nêu trên.

LS Trịnh Thúy Huyền (GĐ Cty Luật Apra) cho biết, căn cứ điểm a khoản 3 Điều 48 Luật Giao thông đường bộ thì trách nhiệm tổ chức quản lý, bảo trì hệ thống QL thuộc về Bộ GTVT.

Đồng thời, theo khoản 3 Điều 52 Luật Giao thông đường bộ: “Đơn vị quản lý công trình đường bộ có trách nhiệm bảo đảm an toàn kỹ thuật của công trình, liên đới chịu trách nhiệm với tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra do chất lượng quản lý, bảo trì công trình; trường hợp phát hiện công trình bị hư hỏng hoặc có nguy cơ gây mất an toàn giao thông thì phải xử lý, sửa chữa kịp thời, có biện pháp phòng, chống khắc phục kịp thời hậu quả do thiên tai gây ra với công trình đường bộ”.

Trong sự việc này, tuyến QL1A đoạn qua tỉnh Phú Yên thuộc dự án mở rộng QL1A, được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) giao cho một Ban Quản lý dự án (BQLDA) thuộc Bộ này làm đại diện chủ đầu tư. Do đó, BQL này là đơn vị có trách nhiệm trong vụ tai nạn của ông Phúc.

Hậu quả pháp lý nào?

Theo Luật sư (LS) Huyền, BQLDA có trách nhiệm kiểm tra, giám sát các đơn vị thi công thực hiện đúng quy định về bảo dưỡng, bảo trì công trình, đảm bảo an toàn kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật. “Nguyên nhân của việc không khắc phục kịp thời các công trình giao thông bị hư hỏng, đe dọa an toàn giao thông là gì; cần phải được điều tra làm rõ”, LS Huyền nói.

Theo Điều 15 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, tùy thuộc hành vi vi phạm và mức độ lỗi, BQLDA và tổ chức liên quan có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 6 – 8 triệu đồng.

Mặt khác, Điều 281 Bộ luật Hình sự cũng đã có tội danh vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông; các cá nhân có trách nhiệm trong việc duy tu, sửa chữa, quản lý đoạn đường có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi không khắc phục kịp thời các công trình giao thông bị hư hỏng, đe dọa an toàn giao thông, và/hoặc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các biện pháp hướng dẫn, điều khiển giao thông, đặt biển hiệu, cọc tiêu, rào chắn ngăn ngừa tai nạn khi công trình giao thông đã bị hư hại chưa kịp hoặc đang tiến hành duy tu, sửa chữa.

“Hậu quả của vụ TNGT rất nghiêm trọng, ông Phúc đã tử vong. Đây có thể là một vụ TNGT điển hình. Nếu các cơ quan chức năng không vào cuộc làm rõ thì không biết sẽ có bao nhiêu vụ tai nạn nữa sẽ xảy ra tiếp theo. Với thiệt hại liên quan đến tài sản và tính mạng của người tham gia giao thông trong vụ việc, BQLDA còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự”, LS Huyền nói.

Liên quan đến hư hỏng trên tuyến QL1A đoạn qua tỉnh Phú Yên, đại diện Bộ GTVT khẳng định, thời gian qua nhiều lần có văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ chỉ đạo các đơn vị sửa chữa những hư hỏng trên các tuyến QL. Mới đây, Bộ trực tiếp yêu cầu BQLDA Thăng Long sử dụng tiền bảo hành công trình để thuê đơn vị khác đủ năng lực thực hiện công tác bảo hành công trình trên tuyến QL1A qua tỉnh Phú Yên.

Tổng cục Đường bộ cho rằng, BQLDA Thăng Long dù có văn bản chỉ đạo nhà thầu sửa chữa bảo hành, tuy nhiên việc thực hiện chưa quyết liệt, tiến độ khắc phục rất chậm. Hiện các hư hỏng trên đường chưa được khắc phục kịp thời, chất lượng công tác sửa chữa không đảm bảo nên sau khi sửa chữa tiếp tục hư hỏng, lan rộng, tạo “ổ gà” sâu nguy hiểm, gây mất an toàn giao thông…

Đọc thêm