Những “kịch bản” chi tiết
Lãnh đạo và người lao động của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) chẳng thể nào quên những ngày tháng 3 năm 2020, thời điểm nhiều người dùng từ “khủng hoảng kép” để nói về sự khó khăn mà ngành Dầu mỏ thế giới cũng như Việt Nam phải đối mặt. Dịch bệnh xuất hiện và gần như cùng lúc giá dầu thế giới lao dốc khiến cho ngành năng lượng toàn cầu chao đảo.
Mỗi ngày giá dầu giảm trung bình gần 2 con số (7 - 8%). Vẫn nhớ, ngày 18/3/2020, giá dầu Brent giảm “sốc”, chỉ còn dao động quanh mốc 24 - 25 USD/thùng. Không thể nào quên thời điểm ngày 20/4/2020, trong phiên giao dịch ở Mỹ, lần đầu tiên trong lịch sử, giá dầu thô WTI lao xuống dưới mức… 0 đồng/thùng.
“Năm 2020, PVN là một trong số ít doanh nghiệp dầu khí trên thế giới có lãi. Cuối tháng 11/2020, PVN đã hoàn thành kế hoạch cả năm 2020 ở 3 chỉ tiêu: Gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 15 triệu tấn quy dầu; khai thác dầu 10,62 triệu tấn; sản xuất đạm 1,562 triệu tấn”.
Những ngày “đen tối” của dầu mỏ thế giới, PVN dường như tất thảy đứng ngồi không yên, ai nấy đều sửng sốt, âu lo... Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng chạy đôn chạy đáo, liên tục chủ trì các cuộc họp chính thức rồi đột xuất trực tuyến với các đơn vị thành viên để nắm tình hình sản xuất, kinh doanh, mong sao có được giải pháp hạn chế bớt thiệt hại và sớm vượt qua khủng hoảng.
Nhưng như một đám “cháy lan” của lửa, ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam bị ảnh hưởng rất nhanh từ khâu đầu đến khâu cuối trong sản xuất. Những dự án trọng điểm về tìm kiếm, thăm dò, khai thác đều chịu tác động bởi dịch bệnh. Nhiều nhà thầu không thể cử nhân sự sang triển khai các các dự án tại Việt Nam; tiến độ cung cấp vật tư thiết bị cho nhiều dự án từ các nước khi đó bị gián đoạn do phải phong toả, cách ly diện rộng...
Không chỉ khâu thăm dò khai thác, hoạt động sản xuất và kinh doanh xăng dầu thành phẩm cũng chứng kiến sự giảm sụt chưa từng có khi nhu cầu vận tải, lưu thông xuống thấp. Đó là chưa kể các cửa hàng, đại lý xăng dầu hạn chế nhập hàng để chờ giá giảm, chiết khấu bán lẻ tăng - đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới các sản phẩm của 2 Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất, Nghi Sơn. Thời điểm này, hàng tồn kho của Nghi Sơn cao chưa từng thấy; ở Dung Quất cũng gặp khó khăn tương tự do khách hàng lùi lịch giao, nhận.
Nhiều “kịch bản” với các phương án ứng phó đã được nghĩ tới lúc bấy giờ, nếu không hàng tỷ USD có thể bay biến trong một khoảng thời gian ngắn. Cụ thể, nếu giá dầu ở mức 60 USD/thùng, thì doanh thu bán dầu thô của PVN là hơn 4,6 tỷ USD. Nhưng xấu hơn, giá xuống 30 USD/thùng, thì doanh thu chỉ còn một nữa. Nguy hơn, số nộp ngân sách Nhà nước cũng giảm tương ứng từ 1,594 tỷ USD xuống còn 806 triệu USD, PVN mất 2,3 tỷ USD doanh thu và giảm gần 800 triệu USD nộp ngân sách Nhà nước.
Tỏa sáng tinh thần “người đi tìm lửa”
Nhận định đây là thời điểm cam go nhất của PVN nên việc chắc “tay chèo” mới có cơ thoát khỏi những khó khăn đang bủa vậy. Thậm chí, Chủ tịch PVN khi đó là ông Trần Sỹ Thanh còn nghĩ tới việc tạm thời cho “nghỉ đông” một số giếng dầu và luân phiên cắt giảm nhân sự. PVN cũng tính toán phương án mua dự trữ dầu thô, sản phẩm xăng dầu nhằm tranh thủ cơ hội giá dầu chạm đáy để làm động lực tăng trưởng khi thị trường “ấm” lại. Theo đó, cách này vừa giúp gia tăng dự trữ dầu thô, củng cố an ninh năng lượng quốc gia, vừa giúp ngân sách tiết kiệm một khoản ngoại tệ khi phải nhập khẩu dầu lúc giá lên...
Được biết, đã có 8 nhóm giải pháp cụ thể được PVN đưa ra, nhưng đáng lưu ý là 2 nhóm giải pháp được thực hiện đồng bộ, quyết liệt: Nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, rà soát hệ thống văn bản, quy chế quản lý nội bộ, thực hiện số hóa, rà soát và nâng cao công tác quản trị rủi ro; Phát huy các giải pháp công nghệ để tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất, xem xét tiết giảm, dừng giãn thanh toán, lùi thời gian thực hiện các chi phí sản xuất kinh doanh chưa cấp bách nhằm giảm giá thành sản phẩm.
Một điều đáng nói nữa, là trong thời điểm khó khăn nhất, những người lao động dầu khí đã biết “đồng cam, cộng khổ”, cùng “thắt lưng buộc bụng”, chia sẻ khó khăn bằng những việc làm cụ thể, thiết thực mà ít ai nghĩ có thể diễn ra ở một tập đoàn kinh tế trụ cột như PVN đó là việc cắt, giảm lương, thu nhập của mỗi cá nhân trong giai đoạn đó.
Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng tự hào, ở một tập đoàn kinh tế với hàng vạn người lao động, thực tế đã chứng minh, càng trong những lúc khó khăn, gian nan nhất thì ý chí, nghị lực và bản lĩnh của những con “người đi tìm lửa” nơi đây càng được phát huy và tỏa sáng. Mỗi người lao động dầu khí với tinh thần “tận tâm, tận lực”, tuyệt đối tuân thủ sự chỉ đạo của cấp trên, của tập thể, là nguồn năng lượng giúp PVN đi qua những ngày “giông bão” không thể nào quên trong lịch sử mấy mươi năm sản xuất kinh doanh của tập đoàn.
Những con số “cô” được sau một năm sản xuất, kinh doanh đầy biến động nhưng nhiều cảm xúc của ngành Dầu khí đã thể hiện được niềm tự hào của ông Tổng Giám đốc PVN khi nói về truyền thống của những “người đi tìm lửa”.