Người dịch “chuẩn”, không cần chứng thực chữ ký?

Theo quy định của pháp luật về chứng thực thì bản dịch do người dịch (đủ điều kiện theo quy định của pháp luật dịch) phải được chứng thực chữ ký người dịch, Dự thảo Luật chứng thực quy định theo hướng nếu bản dịch do thành viên của các tổ chức có tư cách pháp nhân dịch thuật thực hiện, có chữ ký của người dịch, xác nhận của người đứng đầu doanh nghiệp, đóng dấu của tổ chức đó thì không cần chứng thực...

Cùng là chứng thực sơ yếu lý lịch nhưng có cơ quan thực hiện chứng thực theo hình thức chứng thực chữ ký, có cơ quan chứng thực nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của người khai sơ yếu lý lịch… Bộ Tư pháp cho rằng, sở dĩ có tình trạng trên là do chưa có những quy định rõ ràng về trình tự, thủ tục cũng như giá trị pháp lý của những hành vi chứng thực…

Ảnh minh họa

Phòng Tư pháp “mắc” trong chứng thực bản dịch

Nói về những bất cập của Nghị định 79/CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, Bộ Tư pháp thừa nhận “trên thực tế, nhiều văn bản chứng thực được công nhận một cách tự phát, theo thói quen mà không có cơ sở pháp lý rõ ràng, chưa được điều chỉnh bằng pháp luật  hoặc có quy định nhưng chưa đầy đủ. Do đó, mỗi cơ quan thực hiện chứng thực một cách khác nhau đối với cùng loại việc”.

Theo quy định của Nghị định số 79/CP thì phòng Tư pháp cấp huyện có thẩm quyền chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài.

Tuy nhiên, trên thực tế thời gian qua, việc thực hiện quy định này vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do một số cán bộ làm công tác chứng thực tại phòng Tư pháp cấp huyện trình độ còn hạn chế, chưa nhận thức rõ bản chất của việc chứng thực chữ ký người dịch nên tự thấy đây là việc vượt quá khả năng của mình; mặt khác, một số địa phương lại có vướng mắc trong việc tổ chức đội ngũ cộng tác viên dịch thuật…

Trường hợp “đặc biệt”: không cần chứng thực

Vì những bất cập trong Nghị định 79 hiện hành, Bộ Tư pháp khẳng định xây dựng Luật Chứng thực là cần thiết. Theo đó, dự thảo Luật chứng thực sẽ tập trung vào một số vấn đề mới mang tính đột phá trong hoạt động chứng thực.

 Theo quy định của pháp luật về chứng thực thì bản dịch do người dịch (đủ điều kiện theo quy định của pháp luật dịch) phải được chứng thực chữ ký người dịch, Dự thảo Luật chứng thực quy định theo hướng nếu bản dịch do thành viên của các tổ chức có tư cách pháp nhân dịch thuật thực hiện, có chữ ký của người dịch, xác nhận của người đứng đầu doanh nghiệp, đóng dấu của tổ chức đó thì không cần chứng thực.

Bởi xuất phát từ bản chất và mục đích của việc chứng thực này suy cho cùng là chứng thực hình thức. quy định nói trên, theo Bộ Tư pháp vừa giảm tải lượng việc chứng thực chữ ký người dịch của Phòng Tư pháp cấp huyện, vừa tạo thuận lợi cho người dân mà vẫn bảo đảm chất lượng của bản dịch.

Cũng theo quy định của Nghị định số 79/CP thì người dân có quyền nộp bản sao chứng thực hoặc bản sao không chứng thực kèm bản chính để đối chiếu. Tuy nhiên, thực tế, phần lớn các cơ quan đều yêu cầu bản sao có chứng thực mà không chấp nhận bản sao và đối chiếu với bản chính, bởi người tiếp nhận không muốn phải chịu trách nhiệm. Đây là hành vi vi phạm quy định pháp luật nhưng chưa có chế tài hoặc cơ chế phù hợp để chấn chỉnh hiện tượng này. Đồng thời, gây tốn kém cả về thời gian, nhân lực, vật lực cho cả Nhà nước và người dân.

Dự thảo Luật Chứng thực quy định theo hướng các bên tham gia giao dịch có quyền nộp bản sao chưa chứng thực trong trường hợp nộp trực tiếp và kèm theo bản chính để đối chiếu trừ trường hợp các giấy tờ, văn bản này lại được tập hợp trong một bộ hồ sơ khác để phục vụ giao dịch khác hoặc giao dịch 3 bên. Như vậy, hạn chế các trường hợp phải chứng thực so với quy định hiện nay.

Chưa thể giao cán bộ tư pháp ký chứng thực

Tại Công văn số 6551/VPCP-PL ngày 16/9/2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý để Bộ Tư pháp nghiên cứu giao thẩm quyền ký văn bản chứng thực cho cán bộ Tư pháp - Hộ tịch, thay vì giao cho chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND cấp xã như hiện nay để bảo đảm trách nhiệm cá nhân rõ ràng đồng thời bảo đảm thực hiện kịp thời yêu cầu chứng thực của người dân.

Trong khi đó, chủ tịch hoặc phó Chủ tịch UBND cấp xã không phải là một chức danh tư pháp nên nhiều trường hợp không có trình độ chuyên môn về luật, do đó ảnh hưởng đến chất lượng của văn bản chứng thực. Tuy nhiên, khi sửa đổi, bổ sung Nghị định 79/2007/NĐ-CP thì vấn đề này gặp phải khó khăn trong việc ký văn bản và sử dụng con dấu theo quy định của pháp luật hiện hành.

(Nguồn: Bộ Tư pháp)

Thanh Nhàn

Đọc thêm