Người được khắc 2 tấm bia thơ tại cõi thiêng Đồng Lộc - Truông Bồn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Vương Trọng là nhà thơ đương đại hiếm hoi có đến 2 tác phẩm được khắc bia đá tại 2 di tích lịch sử linh thiêng Ngã ba Đồng Lộc và Truông Bồn – những tọa độ lửa khốc liệt của đất nước một thời bị bom cày đạn xới.
Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc.
Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc.

Những vần thơ “thường trực” nơi cõi thiêng

Đại tá – nhà thơ Vương Trọng sinh năm 1943 tại xã Trung Sơn (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An). Ông từng công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội và là tác giả của hàng chục đầu sách với nhiều giải thưởng về văn học, trong đó có Giải thưởng Nhà nước về Văn học & Nghệ thuật đợt 2 năm 2007.

Ngày 1/7 vừa qua, bài thơ “Khúc tưởng niệm liệt sĩ Truông Bồn” của Vương Trọng đã được Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Truông Bồn (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) khắc vào bia đá đặt tại Khu di tích.

Trước đó 26 năm, bài thơ “Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc” cũng của tác giả Vương Trọng đã được khắc bia tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).

Chia sẻ với PLVN, nhà thơ lão thành không khỏi xúc động khi trên hai khu di tích lịch sử lớn của đất nước, ông đã có hai bài thơ “thường trực với linh hồn của hơn 2000 liệt sĩ Thanh niên xung phong, quân đội và đồng bào đã ngã xuống trên hai vùng đất ác liệt này”.

Nhà thơ Vương Trọng bên bia khắc bài thơ "Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc".

Nhà thơ Vương Trọng bên bia khắc bài thơ "Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc".

Ngược về quá khứ, hơn nửa thế kỷ trước, Truông Bồn và Ngã ba Đồng Lộc đều là những vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trên tuyến huyết mạch chi viện cho chiến trường Miền Nam, đồng thời cũng là mục tiêu bị đế quốc Mỹ ngày đêm trút bom đánh phá.

Nếu như tại Truông Bồn, bình quân một phút rưỡi lại có một quả bom trút xuống thì tại Ngã ba Đồng Lộc, bình quân mỗi m2 đất cũng phải hứng chịu hơn 3 quả bom. Hàng trăm thôn, làng bị tàn phá. Mặt đất biến dạng, không một cành cây, ngọn cỏ, bom chồng bom, hố bom chồng hố bom.

Trong trận chiến khốc liệt ấy, với tinh thần “sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, 842 Anh hùng, liệt sĩ ngành Giao thông vận tải đã hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc; 1.240 cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống tại Truông Bồn.

Và có những ngày đau xót đã đi vào lịch sử. Ngày 24/7/1968, cả Tiểu đội 4 Thanh niên xung phong thuộc Đại đội 2, Tổng đội 55 Hà Tĩnh gồm 10 cô gái tuổi từ 17 đến 24 đã hi sinh nơi Đồng Lộc.

Chưa đầy 100 ngày sau, ngày 31/10/1968, 13 chiến sĩ thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 2, Đại đội 317, Tổng đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An cũng ngã xuống Truông Bồn. 11 cô gái và 2 chàng trai, có người đã nhận quyết định ra quân, có người định ngày đám cưới… Nhưng họ đã vĩnh viễn cùng nằm lại mảnh đất này khi chỉ còn ít giờ nữa (0 giờ ngày 1/11/1968) là thời điểm ngừng ném bom trên toàn miền Bắc.

“Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc”

Sinh ra tại vùng đất đỏ lửa miền Trung và trưởng thành, chiến đấu trong bom đạn, nhà thơ Vương Trọng thấm thía nỗi đau xương máu của đồng bào, đồng đội. Nhưng đến hè năm 1995, lần đầu tiên ông mới có dịp về thăm Đồng Lộc trong chuyến đi sáng tác cho Quân khu IV. Khi nén hương lần lượt thắp lên 10 phần mộ và chứng kiến những kỷ vật các cô để lại, ông tự hỏi “nếu 10 cô gái hiển linh, họ sẽ nghĩ như nào”?

Lực lượng dân công hỏa tuyến lấp hố bom của địch, mở đường mới cho xe ra chiến trường tại Ngã ba Đồng Lộc. Nguồn: TTXVN

Lực lượng dân công hỏa tuyến lấp hố bom của địch, mở đường mới cho xe ra chiến trường tại Ngã ba Đồng Lộc. Nguồn: TTXVN

Bài thơ "Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc" hoàn thành vào ngày 5/7/1995. “Ở bài thơ này, tôi không nói cảm xúc của nhà thơ khi đến nghĩa trang, mà nói lời thỉnh cầu của 10 liệt sĩ với những người đến viếng”, nhà thơ kể. Ông muốn ca ngợi thêm một lần nữa phẩm chất anh hùng của các liệt sĩ – lòng vị tha, luôn luôn nghĩ về người khác.

Bài thơ có 4 khổ thì 3 khổ đầu dành sự quan tâm cho những đồng đội đã khuất “Mười bát nhang, hương cắm thế đủ rồi/ Còn hương nữa, dành phần cho đất/ Ngã xuống nơi này đâu chỉ có chúng tôi/ Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc”; đồng thời nhắn nhủ những người còn sống, nhắn em nhỏ “Tìm cây non trồng lên đồi Trọ Voi và bao vùng đất trống”, nhắn bạn đồng trang lứa “Về bón chăm cho lúa được mùa hơn”, bởi xây dựng cuộc sống ấm no cũng là một cách tri ân những người đã hi sinh vì độc lập dân tộc.

Chỉ còn một chút lời riêng: “Cần gì ư?- Lời ai hỏi trong chiều/ Tất cả chưa chồng và chưa ngỏ lời yêu/ Ngày bom vùi tóc tai bết đất/ Nằm xuống mộ rồi, mái đầu chưa gội được/ Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang/ Cho mọc dậy vài cây bồ kết/ Hương chia đều trong hư ảo khói nhang”.

Bài thơ đã làm lay động trái tim nhiều người và 3 năm sau được in trong một tuyển tập thơ về Ngã ba Đồng Lộc, nhân kỷ niệm 30 năm ngày các chị hy sinh. Người đầu tiên đưa bài thơ khắc bia đá tại đây là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Nguyễn Tiến Tuẫn, thời đó là Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh. Ông nguyên là tổ trưởng tổ Cảnh sát giao thông ở bến phà Cầu Phủ và Ngã ba Đồng Lộc. Chiến đấu cùng thời với 10 cô gái và từng 2 lần được đơn vị "truy điệu sống", Đại tá Nguyễn Tiến Tuẫn rất xúc động khi đọc bài thơ, đồng thời thấu hiểu cuộc sống và nỗi lòng những người “em gái” trên chiến trường. Ông đã tìm hai cây bồ kết, xin phép trồng ở nghĩa trang như một cách đáp lời “thỉnh cầu” của các nữ liệt sĩ. Với mong muốn nhiều người biết đến bài thơ hơn, bốn năm sau, ngày 14/8/2002, ông xin phép các cơ quan có thẩm quyền và nhà thơ Vương Trọng khắc bài thơ lên tấm bia đá 80cmx40cm dựng cạnh hai cây bồ kết.

Trải qua thời gian, để thay tấm bia cũ nhỏ và nhiều chữ đã mờ nét, đầu năm 2009, Sở VH-TT-DL Hà Tĩnh và Ban Quản lý khu di tích liệt sĩ TNXP Ngã ba Đồng Lộc đã dựng tấm bia đá cao 2,5m (đế bia 0,5m), rộng 1m, dày 20cm như hiện nay, khắc bài thơ bằng tiếng Việt và bản dịch tiếng Anh của luật sư Việt kiều Trần Đình Hoành.

“Khúc tưởng niệm liệt sĩ Truông Bồn”

Từ khi có thơ khắc vào bia đá ở Đồng Lộc, nhà thơ Vương Trọng lại càng thêm trăn trở. Ông cảm thấy mình “có nợ với Truông Bồn” - nơi thấm đẫm máu xương của bao người dân Đô Lương quê ông. Nung nấu lòng tri ân với mảnh đất quê hương, năm 2014, nhà thơ có chuyến đi thực tế về Truông Bồn. “Khúc tưởng niệm liệt sĩ Truông Bồn” được viết theo thể văn tế đã ra đời vào ngày 15/4/2014, một năm trước khi khánh thành Khu di tích.

Các nữ thanh niên xung phong vót cọc tiêu dẫn xe qua Truông Bồn. Nguồn: Báo Nghệ An

Các nữ thanh niên xung phong vót cọc tiêu dẫn xe qua Truông Bồn. Nguồn: Báo Nghệ An

Nhà thơ cho biết, ông chọn thể văn tế bởi sức nặng trong chuyển tải chi tiết, hình ảnh của thể loại này không kém bút ký, đồng thời có thể truyền xúc động mạnh mẽ đến với người đọc qua những câu biền ngẫu ấn tượng. Và sau hơn nửa thế kỷ thi đàn Việt Nam vắng bóng những tác phẩm văn tế thì “Khúc tưởng niệm liệt sĩ Truông Bồn” đã vang lên, vừa chân chất giản dị “Nước nhút, quả cà/ Rau lang, ngọn đỗ/ Bữa ăn muộn quây quần trận địa, bờ hố bom mỳ luộc thay cơm/ Giấc ngủ khuya chen chúc chỗ nằm, đáy hầm kèo rơm khô lót ổ, vừa đau xót ruột gan “Mặt đất đung đưa/ Khung trời sụp đổ/ Tan khói bom vắng biệt bóng người”; lại vừa kiên cường, hào sảng “Sống cho nước, xả thân vì nước, để muôn đời ngào ngạt danh thơm/ Chết vì dân, chiến đấu cho dân, lưu vạn thuở rạng ngời gương tỏ”...

Tháng 7/2024 vừa qua, tròn 10 năm sau tác phẩm ra đời, Ban quản lý Khu di tích xin phép nhà thơ khắc bia đá “Khúc tưởng niệm liệt sĩ Truông Bồn”. Tấm bia đặt tại Khu di tích có trọng lượng khoảng 2 tấn, chiều ngang 2m, cao 1,5m, độ dày 12cm.

Bia đá khắc "Khúc tưởng niệm liệt sĩ Truông Bồn" tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn.

Bia đá khắc "Khúc tưởng niệm liệt sĩ Truông Bồn" tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn.

Đại tá, nhà thơ xứ Nghệ chia sẻ thêm một điều vui là không chỉ ở Đồng Lộc mà ngày nay Truông Bồn cũng đã trồng thêm rất nhiều cây bồ kết. Đồi bồ kết tốt tươi nở hoa, hương thơm vấn vít trong khói nhang như hoa với tấm lòng tri ân của hậu thế tưởng nhớ anh linh các anh hùng, liệt sĩ.

Vương Trọng tâm sự: “Nhiều người nói tôi rất may mắn được khắc bia đá 2 tác phẩm tại 2 di tích lịch sử linh thiêng và nổi tiếng của đất nước. Tôi cũng nghĩ mình may mắn, nhưng có thể một phần còn do quan điểm về thơ của tôi. Đó là đề cao ý thức và trách nhiệm công dân của nhà thơ. Nhà thơ phải làm một công dân tốt, tác phẩm phải có ích. Một bài thơ hay giúp người đời ngâm nga cũng tốt, nhưng nếu ý tưởng bài thơ giúp thay đổi những bất hợp lý của hiện tại thì càng tốt hơn. Một bài thơ làm ra được những người dân bình thường tìm đọc và nhập tâm, với tôi đã là hạnh phúc”.

Đọc thêm