Người gầy muốn béo nên cẩn trọng

(PLO) - Để tăng cân không ít người đã duy trì thói quen ăn nhiều mỡ, ăn liên tục, tích cực ăn đêm đều đặn mỗi ngày, tuy nhiên đây lại là phương pháp sai lầm vì nếu chỉ tập trung ăn nhiều chất béo sẽ khiến cơ thể khó tiêu hóa, đặc biệt gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Ngoài ra, nếu không chăm sóc hệ tiêu hóa, hay khi cơ thể tích tụ nhiều độc tố, khả năng hấp thụ kém cũng là những nguyên nhân khiến người gầy dù ăn nhiều, ngủ nhiều, áp dụng mọi biện pháp vẫn không tăng cân được.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bị ám ảnh tâm lý vì gầy trơ xương

Có nhiều người ra sức giảm cân, ngược lại, cũng có nhiều người ái ngại về vóc dáng liêu xiêu của mình. Sự gầy gò không chỉ về mặc cảm quan nhìn thiếu sức sống, uể oải mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Do đó, có không ít trường hợp những người gầy ra sức cố gắng ăn “cật lực” để đăng cân. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít trường hợp ăn nhiều nhưng “gầy vẫn hoàn gầy”, trở thành nỗi ám ảnh đối với bản thân họ.  

Chị Nguyễn Thu Huyền (27 tuổi) nhiều năm liền ra sức ăn, kiên trì tập gym để tăng cân nhưng vẫn thất bại. Chị lập ra cho bản thân chế độ nghỉ ngơi hợp lý và chăm sóc sức khỏe tinh thần tốt hơn, không căng thẳng, mệt mỏi nhưng cân nặng của chị vẫn chẳng thể cải thiện được là bao. Lâu nay chị chưa khi nào được thực sự ưng ý trong mỗi lần đi mua quần áo bởi thử ra, thử vào quá nhiều nhưng chị vẫn chẳng chọn được bộ nào vừa với vóc dáng của cơ thể mình. Thêm nữa, trong mỗi lần đi dạo hoặc về quê cùng chồng là một lần chị bị ám ảnh nặng về tâm lý bởi chị rất ái ngại khi luôn được mọi người đặt cho biệt danh  là “bộ xương di động”, “cây tre miễu”, “người dây” qua cầu gió bay,…

Cùng chung hoàn cảnh “khổ sở” vì cơ thể quá gầy, anh Nguyễn Xuân Dương (30 tuổi) chia sẻ: “Người gầy cũng khổ lắm. Con số 53kg là nỗi ám ảnh khiến tôi chẳng dám giao tiếp với mọi người, nhiều khi mọi người nghĩ chắc mình nghèo khổ quá, không có tiền mua thức ăn nên gầy vậy. Ai cũng vốn nghĩ, tôi ăn ít nhưng thực tế tôi ăn rất tốn cơm mà vẫn gầy vậy. Niềm ao ước, mong mỏi được béo hơn mãi xa vời với tôi”.

Lý giải điều này, lương y Vũ Quốc Trung cho biết, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, trong đó, cơ thể bị rối loạn tiêu hóa, không hấp thu hoặc hấp thu kém các chất dinh dưỡng từ thức ăn là nguyên nhân chủ yếu. Bên cạnh đó, một số người tuy ăn nhiều nhưng thành phần dinh dưỡng lại không hợp lý khiến cơ thể không thể hấp thụ các vitamin và khoáng chất để tham gia quá trình trao đổi chất và năng lượng, đảm bảo cho các hoạt động của cơ thể.

 Để tăng trọng lượng cơ thể cần hai yếu tố: khách quan và chủ quan. Trước hết, để đảm bảo cân nặng đạt chuẩn, cần đưa năng lượng vào cơ thể chuẩn về số lượng lẫn chất lượng, chứ không phải cứ ăn nhiều sẽ tăng cân. Điều quan trọng, cơ thể cần ăn đầy đủ và cân đối các nhóm dinh dưỡng. Có 3 nhóm chất quan trọng bao gồm bột đường, chất đạm và chất béo. Bên cạnh đó, vitamin và khoáng chất cũng khá quan trọng đối với cơ thể. Do đó, chúng ta cần chủ động và ý thức việc cân đối đủ 4 nhóm chất này trong các bữa ăn, bởi thiếu hụt bất cứ thành phần nào cũng đều khiến cơ thể trở nên gầy yếu.

Làm sao để tăng cân an toàn

Khi cơ thể quá gầy, khả năng miễn dịch của cơ thể suy giảm, chúng ta dễ bị các loại virus, vi khuẩn có hại tấn công và nhiễm bệnh. Thực chất tăng cân không hề khó, việc này đơn giản hơn giảm cân rất nhiều. Áp lực trong công việc, cuộc sống, mất ngủ, ngủ không sâu giấc, tinh thần bất ổn... cũng là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mệt mỏi, chán ăn, cân nặng bị giảm sút và khó tăng cân. Do đó, muốn tăng cân những người gầy phải biết được nguyên nhân vì sao gầy, đồng thời người gầy nên ăn nhiều bữa, ăn nhiều món trong một bữa, ăn vặt sau khi ăn bữa cơm chính, uống nhiều sữa trong ngày…

Các chuyên gia cho rằng việc cố ăn nhiều hơn để mong tăng cân mà không kèm thêm phương pháp hỗ trợ là một sai lầm thường thấy ở những đối tượng muốn tăng cân càng ngày càng tạo nên tâm lý dồn ép càng khiến việc tăng cân trở nên khó hơn. Tập thể dục nhẹ nhàng cùng với việc ăn uống điều độ, đúng giờ sẽ giúp cơ thể hấp thu dưỡng chất tốt hơn việc ra sức ăn cho nhiều, nặng bụng mà không vận động. Và để duy trì được lâu dài, người gầy ngoài việc kiên trì, tuân thủ thực đơn cân bằng dưỡng chất, cũng có thể linh hoạt thay đổi các nhóm thực phẩm có cùng nhóm chất để tạo sự sáng tạo trong bữa ăn tránh sự nhầm chán.

Cùng với đó quan niệm ăn nhiều mỡ để tăng cân nhanh là một quan niệm hoàn toàn sai lầm, khi ăn quá nhiều mỡ sẽ khiến cơ thể khó tiêu, dễ mắc các bệnh về tim mạch, thừa mỡ có thể dẫn đến gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ,… Mặt khác, việc ăn quá nhiều, ăn liên tục và ăn vào ban đêm cũng là những sai lầm trong việc giúp tăng cân dễ gây rối loạn tiêu hóa và các bệnh lý khác. 

Các chuyên gia khuyến cáo, tăng cân hay giảm cân đều đòi hỏi một chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học và tập luyện một cách hợp lý. Khi cơ thể tăng cân khoa học phải là sự gia tăng các khối cơ, nội tạng và trong phạm vi chiều cao của bản thân, đồng thời đảm bảo hoạt động tốt lên chứ không phải sự tích nước cơ học thông thường. Do vậy khi cơ thể bị gầy, giảm cân, mệt mỏi, cần phải đến các cơ sở khám chữa bệnh uy tín để được bác sĩ khám, kiểm tra, xác định nguyên nhân xem cơ thể có mắc bệnh gì hay không. Trường hợp không có bệnh, tốt nhất nên gặp các chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn cụ thể các phương pháp tăng cân khoa học.

 “Việc tăng cân cũng chỉ nên có giới hạn nhất định, không nên lạm dụng bởi có thể dẫn tới béo phì - nguyên nhân gây rất nhiều căn bệnh nguy hiểm hiện nay như tim mạch, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, ...” - lương y Vũ Quốc Trung khuyến cáo.