Người ghi lại những khoảnh khắc lịch sử của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội

(PLVN) - Những ngày này, chúng ta lại được chiêm ngưỡng các bức ảnh quý giá ghi lại những khoảnh khắc lịch sử trọng đại trong cuộc Cách mạng tháng 8 năm 1945: bức ảnh chuẩn bị mít tinh tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội và bức ảnh quần chúng nhân dân Hà Nội đánh chiếm phủ Khâm Sai, biểu tượng quyền lực của chính quyền thực dân.

Theo VTV, tác giả của những hình ảnh hiếm hoi ghi lại khoảnh khắc lịch sử quan trọng đó chính là một thợ ảnh ở Hà Nội, người đã được giác ngộ cách mạng chính vào thời điểm đó - nhiếp ảnh gia Vũ Năng An. Cách mạng Tháng 8 nổ ra đã tạo cơ duyên đưa ông trở thành người ghi lại những khoảnh khắc lịch sử của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội vào tháng 8/1945.

Sau khi tham dự lễ mít tinh tại Nhà hát lớn, trong không khí hừng hực khí thế của Hà Nội, ông Vũ Năng An đã theo dòng người đến với một sự kiện lịch sử trọng đại khác: quần chúng nhân dân đánh chiếm phủ Khâm sai. Hình ảnh được ông ghi lại được xem là biểu tượng cho sự kiện giành chính quyền về tay nhân dân ở Hà Nội trong cuộc Tổng khởi nghĩa.

Mít tinh trong ngày 19/8/1945 trước Quảng trường Nhà hát Lớn thành phố. (Ảnh do VTV chụp lại)

Mít tinh trong ngày 19/8/1945 trước Quảng trường Nhà hát Lớn thành phố. (Ảnh do VTV chụp lại)

Cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Năng An sinh năm 1916 tại TP Nam Định. Ông đã từng học và làm nghề chụp ảnh ở Sài Gòn trước khi ra Bắc. Khi Cách mạng tháng 8 nổ ra, ông đang làm cho một hiệu ảnh trên đường Điện Biên Phủ.

Sáng 19/8, ông chụp toàn bộ quang cảnh cuộc mít tinh khởi nghĩa ở quảng trường Nhà hát Lớn thành phố. Theo đoàn diễu hành tiến về phía Phủ Khâm sai, tại đây, ông đã có được bức ảnh Đánh chiếm Phủ Khâm sai - ghi lại cảnh lực lượng khởi nghĩa theo sát các ngọn cờ phất mạnh, buộc các bảo an binh hạ vũ khí đầu hàng.

Sau sự kiện 19/8, nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An đi theo kháng chiến, ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm nhiếp ảnh có giá trị lịch sử nghệ thuật cao ghi lại cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Trong đó có bức ảnh nổi tiếng “Bác Hồ ở mặt trận Đông Khê 1950” đã giành được Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học và nghệ thuật đợt 1 năm 1996. Tên tuổi của ông đã được đi vào ngành nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam như một nghệ sĩ tài năng, một chứng nhân lịch sử.

Bác Hồ tại mặt trận Đông Khê năm 1950 do ông Vũ Năng An chụp được giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học và nghệ thuật năm 1996.

Bác Hồ tại mặt trận Đông Khê năm 1950 do ông Vũ Năng An chụp được giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học và nghệ thuật năm 1996.

Báo Tiền phong cho biết thêm, ngày 15/3/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam, ông chuyển sang làm Phó Giám đốc Xưởng phim Việt Nam.

Từ 1973 đến 1979, ông là Giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam. Ở cương vị của người làm công tác điện ảnh, ông Vũ Năng An cũng có những đóng góp lớn: Năm 1954, giúp đạo diễn phim tài liệu Xô Viết- Rôman Kácmen thực hiện bộ phim Việt Nam trên đường thắng lợi; cùng một số đạo diễn Ba Lan làm các phim tài liệu nghệ thuật như Cây tre Việt Nam, Những bức thư gửi từ Việt Nam, Cải cách ruộng đất...

Ông còn viết kịch bản, lời bình cho nhiều bộ phim tài liệu, phim truyện trong chiến dịch Hồ Chí Minh và khi đất nước đã thống nhất... Ông đã ra đi năm 2004, để lại những tác phẩm mãi là tư liệu lịch sử vô giá của dân tộc.

Đọc thêm