Người gốc Á đối mặt với làn sóng thù ghét ở Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đối với nhiều người Mỹ gốc Á, 12 tháng vừa qua là một năm dài đầy khó khăn, với sự thù ghét và tổn thương đến từ thái độ kỳ thị, coi họ là thủ phạm làm phát tán dịch bệnh.
Một người biểu tình chống nạn kỳ thị người gốc Á.
Một người biểu tình chống nạn kỳ thị người gốc Á.

Người gốc Á bị kỳ thị, ghét bỏ

Vụ việc ngày 16/3, người gốc Á một lần nữa trở thành nạn nhân trong vụ xả súng ở 3 tiệm massage tại Atlanta. Trong 8 nạn nhân tử vong có 6 phụ nữ gốc Á. Ngày 17/3, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc xác nhận rằng 4 trong số các nạn nhân thiệt mạng là phụ nữ gốc Hàn. Chỉ hai ngày sau vụ nổ súng, một người phụ nữ gốc Hoa 75 tuổi tên Xiao Zhen Xie bị tấn công dã man tại San Francisco. Nhưng nạn nhân đã chống trả khiến nghi phạm tấn công bị thương.

Từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021 đã xảy ra gần 3.800 vụ việc có tính chất thù ghét nhắm vào người gốc Á. Tổ chức hoạt động chống thù ghét có tên Stop AAPI Hate cho biết phần lớn các vụ tội phạm thù ghét nhắm vào người gốc Á không được khai báo.

Cảnh sát ở một số thành phố lớn nhận thấy tội ác vì thù hận nhắm vào người châu Á gia tăng mạnh mẽ từ năm 2019 đến năm 2020, theo dữ liệu Trung tâm Nghiên cứu về Chủ nghĩa thù hận & cực đoan tại Đại học bang California, San Bernardino thu thập.

Các nghị sĩ người Mỹ gốc Á đã bày tỏ sự đau lòng trên mạng xã hội và nhấn mạnh sự cần thiết trong việc phải hỗ trợ cộng đồng người Mỹ gốc Á trong thời điểm này. Tài khoản Twitter của nhóm nghị sĩ người Mỹ gốc Á - Thái Bình Dương trong quốc hội viết họ “kinh hoàng trước vụ việc xảy ra vào thời điểm bạo lực chống người châu Á gia tăng đột biến”.

Nhiều nghị sĩ thừa nhận rằng người Mỹ gốc Á ngày càng sợ hãi do số lượng các vụ tấn công vì thù hận gia tăng. Hạ nghị sĩ California Judy Chu cảnh báo mọi người về hậu quả của các phát ngôn chống lại người châu Á. “Khi chúng ta chờ đợi thêm thông tin về vụ việc, tôi yêu cầu mọi người hãy nhớ rằng những lời nói gây tổn thương có thể để lại hậu quả”, bà Chu viết trên Twitter. “Hãy đứng lên, lên án bạo lực và giúp chúng tôi #StopAsianHate”.

Được biết, phân biệt chủng tộc đối với gốc Á từ lâu là vấn đề xấu xí trong lịch sử Mỹ. Điều này được thể hiện trong Đạo luật Loại trừ người Trung Quốc năm 1882. Đạo luật này được ban hành để ngăn cản những người Mỹ gốc Hoa nhập cảnh vào Mỹ. Người gốc Á từ lâu cũng là con dê tế thần mỗi khi Mỹ đối mặt khủng hoảng sức khỏe như Covid-19 và cả đợt bùng phát bệnh đậu mùa ở San Francisco vào những năm 1870.

Sống trong lo sợ, bị khủng hoảng tâm lý

Tran Nguyen Wills sinh ra trong một gia đình gốc Việt sống tại Mỹ. Khi cha mẹ của Tran chuyển tới Mỹ hàng chục năm trước, họ kiếm sống bằng nghề làm móng, một trong số ít lựa chọn của những người nhập cư vốn không thạo tiếng Anh.

Trên phạm vi cả nước, Tran hợp tác cùng Tập đoàn thời trang Nordstrom mở 13 trung tâm làm đẹp. Doanh nghiệp của Tran cũng tạo ra một sản phẩm chất làm móng không độc hại và được bán ở chuỗi siêu thị Whole Foods. Nhưng rồi đại dịch Covid-19 ập đến, gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp nhỏ như của Tran. 

Nỗi lo về kinh tế còn chưa vượt qua thì nỗi lo về nạn phân biệt, thù ghét, kỳ thị khiến cho những người gốc Á như Tran càng thêm chật vật. Vụ xả súng ở Atlanta khiến họ choàng tỉnh, bởi thực tế cho thấy nguy cơ trở thành nạn nhân có thể đến bất cứ lúc nào. “Tôi có khuôn mặt châu Á. Vì thế, không quan trọng tôi làm gì hay sở hữu thứ gì, tôi luôn là mục tiêu. Đó là một thực tế. Tôi sợ hãi cho bản thân và các nhân viên của mình”, Tran cho biết.

Người phụ nữ cho biết đã nhiều lần tận mắt chứng kiến hành vi phân biệt đối xử. Có khi người ta tránh bà, chuyển sang xếp ở hàng khác trong siêu thị. Tại cửa hàng của mình, có khách hàng thậm chí đề nghị Tran bố trí kỹ thuật viên làm móng không phải người gốc Á. Khách hàng này sau đó bị yêu cầu rời khỏi cửa hàng. “Ngay cả trong ngành công nghiệp mà người Mỹ gốc Á thống trị, tôi vẫn cảm thấy bản thân là người vô hình”, Tran cho biết.

Vụ xả súng dường như đã làm trầm trọng hơn khủng hoảng sức khỏe tâm lý trong cộng đồng người Mỹ gốc Á, những người vốn đã phải chịu nhiều đau thương từ đại dịch Covid-19 và các vụ bạo lực bài Á. Những lo ngại lâu nay về sức khỏe tâm lý của cộng đồng người Mỹ gốc Á là trầm cảm, rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý (PTSD), lo âu, cùng định kiến văn hóa đối với các bệnh về tâm lý. Rất nhiều người gốc Á đã phải tìm đến các bác sĩ tâm lý để xin tư vấn sau vụ xả súng hoặc trình bày tổn thương của họ vì vấn đề chủng tộc.

Theo ông Kao Saechao, Giám đốc bộ phận sức khỏe tâm lý tại Cơ quan Y tế châu Á ở thành phố Oakland, bang California cho biết, dịch vụ trị liệu tâm lý được tiến hành với hơn 30 nhân viên, bằng 14 ngôn ngữ châu Á. Ngoài ra, trung tâm này còn cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nha khoa, phục vụ khoảng 50.000 người từ các cộng đồng thu nhập thấp mỗi năm. Kể từ sau vụ xả súng, nhu cầu trị liệu tâm lý tăng vọt.

Để đáp ứng nhu cầu gia tăng của cộng đồng, nhà trị liệu tâm lý Linda Yoon và nhân viên của cô ban đầu thành lập hai nhóm hỗ trợ miễn phí sau vụ xả súng ở ngoại ô Atlanta. Các suất đăng ký hỗ trợ được lấp đầy nhanh chóng. Hoạt động của họ bao gồm tổ chức hội thảo dành cho các phụ huynh gốc Á về cách nói chuyện với con cái xung quanh chủ đề phân biệt chủng tộc nhằm vào họ, đồng thời hỗ trợ thanh, thiếu niên người Mỹ gốc Á. 

Đọc thêm