Hồi đầu tuần vừa rồi, Thị trưởng New York Bill de Blasio cho biết, Văn phòng Ngăn chặn Tội phạm Thù hận của thành phố và các cơ quan khác đang họp với các nhà lãnh đạo cộng đồng châu Á để thảo luận về những vụ việc xảy ra gần đây.
Thành phố cũng đã ra mắt một trang web mới - "NYC.Gov/StopAsianHate", qua đó người dân có thể báo cáo các vụ việc đối xử phân biệt hoặc tội phạm thù hận. Trang web mới đã thúc đẩy một chiến dịch truyền thông xã hội bằng cách sử dụng thẻ gắn bắt đầu bằng #StopAsianHate.
Thị trưởng Thành phố New York Bill de Blasio đã công bố một nỗ lực mới nhằm trấn áp tội phạm thù hận chống lại người châu Á. Ảnh: CNN |
Theo dữ liệu của Cảnh sát New York (NYPD), năm 2020 có 29 vụ phạm tội có động cơ chủng tộc chống lại người gốc Châu Á ở Thành phố New York và 24 trong số đó được cho là do "động cơ Covid-19". Trước đó, năm 2019, số vụ phạm tội tương tự là 3.
Các vụ phạm tội nhắm vào người Mỹ gốc Á không chỉ xảy ra ở New York, mà còn xảy ra ở các thành phố khác của Mỹ. Hồi tháng 9/2020, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua một nghị quyết lên án các hành động chống người châu Á.
Đầu tháng 2 vừa qua, video quay cảnh một người đàn ông đẩy một phụ nữ châu Á 52 tuổi vào thùng thư báo ở quận Queens đã lan truyền mạnh mẽ trên mạng trong bối cảnh gia tăng các cuộc tấn công chống người châu Á. Người phụ nữ bị rách mặt và bất tỉnh. Một người đàn ông 47 tuổi đã bị buộc tội hành hung và quấy rối liên quan đến vụ việc. Tuy nhiên, các công tố viên đã không đưa ra cáo buộc tội phạm thù hận.
Ngôi sao bóng rổ NBA Jeremy Lin cho biết, dù là một ngôi sao chơi trong giải nhà nghề Mỹ 9 năm, cũng là cầu thủ người Mỹ gốc Á đầu tiên giành chức vô địch NBA khi chơi cho Toronto Raptors, nhưng anh vẫn bị phân biệt chủng tộc, bị gọi là “virus corona” khi chơi trên sân.
Ngôi sao bóng rổ NBA Jeremy Lin cũng bị đối xử phân biệt vì là người gốc Á. |
Theo NYPD, trong khi Lực lượng đặc nhiệm về tội phạm thù ghét người châu Á của NYPD đang điều tra vụ việc. Ngay cả khi vụ việc ở quận Queens không có cáo buộc phạm tội thù hận, thì vụ việc đó cũng khiến nhà chức trách và những nhà hoạt động vì cộng đồng lên tiếng mạnh mẽ trước tình trạng sự thù ghét và bạo lực đối với người châu Á đã bùng phát trong vài tháng qua và cần phải được giải quyết.
Tuần trước, NYPD đã điều tra ít nhất bốn vụ phạm tội có yếu tố thù hận tiềm ẩn. Theo Phó thanh tra Stewart Loo - người đứng đầu Lực lượng đặc nhiệm chống tội phạm thù hận châu Á của NYPD - cho rằng, sự gia tăng đột biến loại tội phạm này vào năm 2020 là do thế hệ trẻ người Mỹ gốc Á sẵn sàng báo cáo các vụ tấn công hơn.
"Đây không phải là một vấn đề mới. Điều này đáng lẽ phải được báo cáo nhiều năm trước đây", ông Loo nói với CNN khi đài này đưa tin về các cuộc tấn công gần đây nhằm vào người Mỹ gốc Á.
Loo nói rằng anh ta thấy con cái của những người lớn tuổi là nạn nhân trong các cuộc tấn công đã khuyến khích cha mẹ của họ ra mặt và báo cáo tội phạm nhằm vào họ.
"Cư dân quận Queens nên lên tiếng chống lại bất kỳ hành vi thù địch nào. Quận cam kết đảm bảo mọi người ở Queens - quận đa dạng nhất trên toàn quốc - được an toàn bất kể chủng tộc, tôn giáo, dân tộc nào", một phát ngôn viên của văn phòng Luật sư quận Queens cho biết hôm 26/2.