Người làm chứng có được từ chối đến phiên toà xét xử vụ án hình sự không?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bạn đọc hỏi: Tôi được Tòa án triệu tập làm nhân chứng của 1 vụ án hình sự. Nhưng hiện tại, tôi công tác ở thành phố, công việc bận rộn không thu xếp về quê để dự phiên tòa được. Xin hỏi trường hợp này tôi có được từ chối ra Tòa làm chứng không?
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Luật sư Lê Hiếu - Đoàn Luật sư TP Hà Nội tư vấn: Theo khoản 4 Điều 66 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, người làm chứng có các nghĩa vụ sau:

Một là, có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải.

Hai là, trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và lý do biết được những tình tiết đó.

Đồng thời, Điều 293 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về sự có mặt của người làm chứng như sau:

- Người làm chứng tham gia phiên tòa để làm sáng tỏ những tình tiết của vụ án. Nếu người làm chứng vắng mặt nhưng trước đó đã có lời khai ở Cơ quan điều tra thì chủ tọa phiên tòa công bố những lời khai đó. Nếu người làm chứng về những vấn đề quan trọng của vụ án vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử.

- Trường hợp người làm chứng được Tòa án triệu tập nhưng cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc xét xử thì Hội đồng xét xử có thể quyết định dẫn giải theo quy định của Bộ luật này.

Như vậy, việc từ chối ra làm chứng trước tòa không phải do cá nhân bạn quyết định. Trường hợp có lý do chính đáng (bận công việc cá nhân không thu xếp được) thì anh làm đơn xin xét xử vắng mặt và Tòa án sẽ xem xét. Đối với các trường hợp khác, khi đã được Tòa án triệu tập tham dự phiên tòa thì cần phải chấp hành, nếu cố ý vắng mặt mà không có lý do chính đáng thì có thể bị dẫn giải.

Đọc thêm